Không chịu ngồi chờ đến năm thứ 3 để được nhà trường cho phép sử dụng các phần mềm chuyên dụng, nhiều tân sinh viên ngành đồ họa, kiến trúc... mày mò ứng dụng Autocad, Photoshop, Corel Draw, PowerPoint, 3DMax... để thể hiện ý tưởng của mình một cách linh hoạt.
Quanh các trường Đại học Xây dựng, Kiến trúc, Mỹ thuật Công nghiệp... tại Hà Nội hiện chỉ còn dăm ba điểm mở dịch vụ làm thuê đồ án cho sinh viên. Hơn nữa, họ chỉ nhận "thể hiện ý tưởng" và cung cấp "thư viện đồ án tham khảo". Ông Xuân, chủ một cửa hàng, cho biết: "Mấy năm trước ít sinh viên có điều kiện và trình độ sử dụng vi tính để làm đồ án nên dịch vụ này khá đắt hàng. Bây giờ, phần lớn họ thành thạo các phần mềm và tự thể hiện được ý tưởng của mình nên nhiều cửa hàng phải dẹp tiệm".
Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Minh Thịnh, giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học Kiến Trúc Hà Nội, nhận định: "Sinh viên hiện nay tỏ ra nhạy bén và đầy sáng tạo trong việc ứng dụng những phần mềm đồ họa hơn hẳn thế hệ trước, thậm chí vượt xa các thày. Phần lớn các em khi học năm thứ 2, thứ 3 đã thành thạo đến 2/3 kỹ xảo phần mềm cơ bản". Thày Thịnh cũng cho biết, phần lớn sinh viên trong trường hiện chỉ sử dụng Autocad và các mẫu trong thư viện đồ án (bao gồm những bản vẽ hoàn thiện), giúp tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Theo quy định của các trường, đến năm thứ 3 sinh viên mới được sử dụng máy tính vào thiết kế và vẽ đồ án. Trước nhu cầu và xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, phần lớn họ đã chủ động trang bị máy tính để thực hành tại nhà. Nguyễn Minh Sơn, sinh viên năm thứ 2 Đại học Xây dựng, nói: "Máy tính của trường vừa thiếu vừa cũ, cấu hình thấp nên chỉ chạy được các phần mềm Autocad, Corel Draw. Muốn sử dụng những phần mềm cao cấp hơn như PowerPoint, 3DMax... chúng em phải mua máy và làm việc tại nhà mới mong khai thác tối đa hiệu quả".
Sự sáng tạo thực sự được thăng hoa khi các sinh viên thuộc khối nghệ thuật như hoạ, thiết kế thời trang... "biến hoá" tác phẩm trên các phần mềm vi tính. Anh Khánh, cựu sinh viên khoa Thiết kế thời trang, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cho biết: "Các phần mềm như Corel Draw, Photoshop giúp tôi thể hiện chuẩn xác sự lan màu, bóng mờ, hình khối... cho các mẫu đúng như hình dung. Tôi thích sử dụng hiệu ứng ice (băng), gold (bóng vàng), hoặc craked (bẻ gãy)... cho các mẫu vì vẽ tay không thể làm đẹp và nhanh bằng. Nếu áp dụng vi tính một cách máy móc thì chỉ tạo ra những mẫu khô cứng. Sự sáng tạo của sinh viên ngành thời trang chính là ở chỗ biết kết hợp giữa sự chuẩn xác của một kỹ sư với sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ".
Một nhóm họa sĩ trẻ ở thủ đô (cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội) dù không được đào tạo bài bản về đồ hoạ khi học trong trường, nhưng với niềm say mê khám phá và thử nghiệm trên máy vi tính, họ đã trình làng một loạt tác phẩm: Nhân bản vô tính (Ngô Bá Hoàng), Làng quê yên ả, Khát vọng tự do (Phạm Bình Chương), Cổ tích hạt gạo (Trần Lưu Tuấn)... Tuy từng chi tiết đều tươi nguyên như trong đời thật nhưng gọi đó là "ảnh" sẽ không còn đúng nữa. Mỗi tác phẩm đã được tái tạo lại cấu trúc nhờ các phần mềm xử lý (chủ yếu là Photoshop). Họa sĩ Phạm Bình Chương tâm sự: "Tôi thực sự bất ngờ khi máy tính giúp tôi thể hiện được cả những ý tưởng táo bạo nhất, điều đó kích thích mạnh mẽ và thỏa mãn những "cơn khát" sáng tạo trong tôi".
Bằng Photoshop, Chương và nhiều bạn bè của anh đã tạo ra những bức ảnh đạt hiệu quả thẩm mỹ tới mức tối đa. Với Painter 5.0, họ có thể tạo vẻ đẹp như thật cho họa phẩm không thua kém vẽ bằng bút lông theo phương pháp truyền thống. "Ứng dụng phần mềm đồ hoạ thực sự là một cuộc cách mạng của nghệ thuật hội họa. Cũng tác phẩm đó, nếu vẽ tay sẽ phải mất ít nhất 2 tuần mà nhiều khi không thể hiện được hết ý đồ của tác giả. Nhưng với những cú "nhắp chuột", bức tranh có thể hoàn thiện trong 1 buổi sáng", Chương nói.
Họa sĩ Trần Quang Thái (Hội Mỹ thuật Việt Nam), người vẫn trung thành với lối vẽ truyền thống cũng không thể phủ nhận sức quyến rũ của hình thức sáng tạo mới mẻ này: "Thách thức lớn nhất với hội họa là tạo không gian cho tác phẩm, mà điều này thì không một họa sĩ nào có thể làm nhanh và hoàn hảo hơn những phần mềm đồ họa". Và anh nhận định: "Trong thời đại này, nghệ sĩ không thể đứng ngoài sự phát triển của các thành tựu khoa học kỹ thuật. Họ phải làm chủ những công nghệ mới để phát huy tối đa sức sáng tạo của mình".
Vẽ bằng vi tính không chỉ là bước đột phá về mặt nghệ thuật mà còn đem đến cho bộ mặt đời sống nghệ sĩ Việt Nam một màu sắc mới. Những bức ảnh được vẽ bằng... chuột độc đáo, sáng tạo đến bất ngờ, sau khi được in ra giấy ảnh hoặc in thẳng ra toan (vải vẽ) đã mang lại cho họa sĩ một khoản tiền không nhỏ. Đây là một yếu tố quan trọng không thể phủ nhận thúc đẩy giới nghệ sĩ lao động miệt mài hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn đội ngũ giảng dạy tại nhiều trường đại học và cao đẳng thuộc khối nghệ thuật cũng mới chỉ dừng lại ở việc dạy lý thuyết và khuyến khích sinh viên ứng dụng các phần mềm tiện ích. Bởi vậy, nhiều sinh viên vẫn lấy làm tiếc vì các chương trình về đồ họa vi tính vẫn chưa được đưa vào giảng dạy chính thức, trong khi không phải ai cũng có điều kiện mua máy tính riêng và theo học những lớp đào tạo quy củ.
Ngọc Hà
Ảnh: Anh Tuấn