Hầu hết mọi người lại không ý thức yêu sách phải phù hợp với mình. Họ sống trong ảo tưởng rằng họ tuân theo những ý tưởng và những xu hướng riêng của họ...
Họ theo chủ trương cá nhân, rằng họ đạt tới những quan điểm của mình như là kết quả của lý tưởng riêng của họ và rằng rõ ràng những ý tưởng của mình đồng với của đại đa số. Sự đồng ý của tất cả coi như là một luật cứ cho sự chính xác của những ý tưởng của họ. Bởi vì vẫn còn có một số yêu sách là phải cảm thấy có một cá biệt tính nào đó, yêu sách như thế được thỏa mãn đối với những dị biệt nào đó, yêu sách như thế trên cái xách tay hay trên áo lót, bảng tên của kế toán viên ngân hàng, thuộc đảng dân chủ như là chống lại đảng cộng hòa, thuộc tập đoàn thân hữu thay vì thuộc tập đoàn Tăng lữ, trở thành biểu lộ của những dị biệt cá biệt. Khẩu hiệu quảng cáo thứ đặc biệt lộ rõ yêu sách bi thiết ấy đối với sự dị biệt, khi nào trong thực tế chắc chắn đã có thứ ấy rồi.
Sự gia tăng khuynh hướng nhằm loại bỏ sai biệt như thế có liên quan mật thiết với khái niệm và kinh nghiệm về bình đẳng như đang phát triển trong những xã hội kỹ nghệ tiến bộ nhất. Trong chiều hướng tôn giáo, bình đẳng có nghĩa rằng chúng tất cả đều là con cái của Thượng đế, thảy đều cùng chi xẻ trong một bản thể nhân linh, thảy đều là một. Nó cũng có nghĩa rằng những dị biệt thực sự giữa những cá thể phải được tôn trọng, dù sự thực chúng thảy đều là một nhưng cũng thực sự rằng mỗi chúng ta là một thực thể độc nhất, là một vũ trụ tự tại. Niềm xác tín về sự đơn nhất của cá thể như thế được biểu lộ trong câu nói của pháp điển Talmudic là một thí dụ: Ai cứu thoát sự sống độc nhất cũng như là cứu thoát cả thế giới, ai hủy diệt sự sống độc nhất cũng như là đã hủy diệt cả thế giới, bình đẳng như là điều kiện cho sự phát triển của cá biệt tính cũng đã là ý nghĩa của ý niệm bình đẳng trong triết học tôn sùng lý trí của Tây phương. Nó có nghĩa (được định thức sáng tỏ nhất bởi Kant) không ai có thể là phương tienẹ cho những cứu cánh của một người khác. Mọi người đều bình đẳng bởi vì họ đều là những cứu cánh, duy chỉ là những cứu cánh, và không bao giờ là phương tiện cho nhau. Y theo những ý niệm của triết học tôn sùng Lý trí, những tư tưởng gia chủ nghĩa xã hội thuộc nhiều phái khác nhau đã định nghĩa bình đẳng như là bãi bỏ bóc lột, bãi bỏ việc người sử dụng người, bất kể sử dụng đó là ác đức hay nhân đạo.
Trong xã hội tư bản hiện đại, ý nghĩa bình đẳng đã thay đổi. Người ta xem bình đẳng như là bình đẳng cơ giới, bình đẳng của những người đã đánh mất cá tính. Ngày nay bình đẳng có nghĩa là đồng đẳng hơn là nhất tính. Đó là sự đồng đẳng của những trừu tượng, của những người cùng làm một công việc, có cùng những sở thích, đọc cùng thứ báo chí, có cùng những cảm giác và những ý tưởng. Trong phương diện này người ta hẳn là cũng nhìn theo kiểu hoài nghi luận nào đó một vài công trình thường được tán dương như là những dấu hiệu của sự tiến bộ của chúng ta như bình đẳng của phụ nữ. Khỏi phải nói, không phải tôi đang nói ngược lại bình đẳng của phụ nữ: như những sắc thái thực tế của xu hướng nhằm đến bình đẳng này chắc chắn không phải là một sắc thái quyết định. Nó là một phần của thiên hướng về sự loại bỏ những dị biệt, bình đẳng được đặt vào giá trị này: phụ nữ bình đẳng vì họ không có gì khác biệt cả. Mệnh đề của triết học tôn sùng lý trí Lâme na pas de sexe. Linh hồn không có giới tính, đã trở nên thực tiễn tổng quát. Lưỡng cực của những giới tính biến mất và tình yêu dục tính cũng mất theo nó, tình yêu này được đặt trên lưỡng cực giới tính. Đàn ông và đàn bà trở thành như nhau, không phải là bằng nhau như những đối cực. Xã hội hiện đại rao truyền lý tưởng bình đẳng vô cá biệt này, bởi vì nó cần có những nguyên tử người, mỗi nguyên tử đều như nhau, lãnh nhiệm vụ trong một tổ hợp khối lượng, một cách ổn đáng, không có sự va chạm; tất cả tuân theo những chỉ thị như nhau, nhưng mỗi người xác tính rằng mình chịu theo những ham muốn của riêng mình. Cũng như sự sản xuất theo khối lượng đòi hỏi tiêu chuẩn của những hóa phẩm, cũng thế, tiến trình xã hội đòi hỏi sự tiêu chuẩn của con người bắt đầu từ hệ thống giáo dục và, sự chuẩn thẳng này được gọi là bình đẳng.
Hợp nhất bằng phù hợp không mạnh và bạo: nó ôn hòa, được chỉ huy bởi quán lệ, và chính lý do này mà nó không đủ sức làm an bình mối ưu tư về ly cách. Bệnh nghiện rượu, đam mê ma túy, nhục dục cưỡng bức, và tự tử trong xã hội Tây phương hiện đại là những triệu chứng của sự khiếm khuyết tương đối về hợp quần ấy. Thêm nữa, giải pháp này chỉ quan hệ đến tâm chứ không quan hệ đến thân, và đó là lý do thiếu sót kể cả những giải pháp cuồng lạc. Sự phù hợp tập đoàn chỉ có một lợi điểm: nó thường trực và không nhất thời. Cá nhân được đưa vào kiểu mẫu phù hợp ở cái tuổi lên ba hay lên bốn, và do đó không bao giờ đánh mất sự tiếp xúc của nó với tập đoàn. Ngay cả tang lễ của nó, mà nó biết trước đó là phận sự xã hội trọng đại cuối cùng của nó, vẫn ứng hợp mật thiết với kiểu mẫu đó.
Ngoài sự phù hợp như là một đường lối cởi bỏ ưu tư khởi lên từ ly cách, ta phải nhận xét một yếu tố khác của đời sống hiện đại: vai trò trở thành một thứ bạc lẻ, nó là thành phần của thế lực cần lao, hay thế lực thầy ký của những thư lại hay cán sự. Nó ít có tự chủ các phận sự của nó đều được qui định bởi tổ chức của công việc; cả đến sự khác biệt giữa người nấc cao và người nấc thấp cũng ít. Họ thảy đều thi hành những phận sự được qui định bởi toàn bội cơ cấu của tổ chức theo một tốc độ được qui định và trong một phương cách được qui định. Ngay cả trong cảm giác cũng được qui định: sự thân ái, khoan thứ, trung thực, cao vọng, và có thể song hành với mọi người mà không có sự va chạm. Sự vui chơi cũng được sắp đặt tương tự dù không hoàn toàn như là những cách thức ngặt nghèo. Sách vở được tuyển lựa do những thư xã, điện ảnh do những sở hữu chủ phim ảnh, kịch trường và những khẩu hiệu quảng cáo đánh giá cho chúng, những gì còn lại cũng nhất loạt: chủ nhật đi xe hơi, khai diễn truyền hình, đánh bài, những đảng phái xã hội. Từ sinh ra cho đến chết, từ chủ nhật cho đến thứ hai, từ sáng cho đến chiều tất cả những hoạt động đều được sắp đặt và được định trước. Làm sao cho một người bị cuốn trong màng lưới chương trình này để mà quên rằng mình là một con người, một cá thể đơn nhất, một người chỉ được dành cho cái cơ hội duy nhất này để mà sống, với những hy vọng và thất vọng, với buồn phiền và sợ hãi, với khát vọng tình yêu và khiếp sợ hư vô và ly cách.
Con đường thứ ba để đạt đến sự hợp nhất là hoạt động sáng tạo, dù là hoạt động của nghệ sĩ hay nghệ công. Bất cứ công việc sáng tạo nào, kẻ sáng tạo hợp nhất mình với chất liệu đại diện cho thế giới ở bên ngoài mình. Người thợ mộc làm một cái bàn tay hay thợ vàng làm một chuỗi ngọc; nông phu trồng lúa hay họa sĩ vẽ tranh, trong tất cả những loại hoạt động sáng tạo, tác giả và đối tượng trở thành một, con người hợp nhất mình với thế giới trong tiến trình của sáng tạo.Nhưng điều này chỉ đúng cho những công việc sản xuất, cho cái công việc mà trong đó tôi thiết kế, thi hành, nhìn kết quả của cong việc của mình. Trong tiến trình công việc ngày nay của một thư lại, tác giả ở trên một dãy dài vô tận, phẩm tính hợp nhất này của công việc được ghi lại rất ít. Tác giả trở thành bổ túc cho một bộ máy hay một tổ chức văn phòng. Nó không còn là nó nữa bởi đó không có sự hợp nhất nào xuất hiện ở ngoài sự hợp nhất của phù hợp tính.
Cái nhất được tựu thành trong công tác sản xuất không phải là liên vị; nhất tính được tựu thành trong hỗn hợp say thì tạm thời; nhất tính được tựu thành bởi phù hợp thì chi rlà nhất tính giả tạo. Bởi đó, chúng chỉ là những giải đáp phiến diện cho vấn đề hiện hữu. Giải đáp trọn vẹn nằm ở sự thành toàn của hợp nhất liên vị, của phối hợp với người khác, trong tình yêu.
Mong muốn nhằm đến hỗn hợp liên vị này là nỗ lực mãnh liệt nhất ở con người. Nó là đam mê căn bản nhất ; nó là thế lực duy trì chủng loại, bộ tộc, gia đình, xã hội của loài người. Sự thất bại không toàn thành được nó nói lên chứng phong cuồng hay hủy diệt tự hủy diệt hay hủy diệt những kẻ khác. Không có tình yêu, nhân loại không thể hiện hữu một ngày. Nhưng nếu chúng ta gọi sự tựu thành của hợp nhất liên vị là tình yêu chúng tự thấy mình ở trong một khó khăn nghiêm trọng. Sự hỗn hợp có thể được tựu thành trong nhiều đường lối khác và những sai biệt không kém quan trọng hơn những gì chung cho nhiều hình thái khác nhau của tình yêu. Phải chăng ta phải gọi chúng thảy đều là tình yêu? Hay chúng ta phải để dành từ tình yêu cho một loại hợp nhất đặc biệt mà thôi, một loại đã là đức tính lý tưởng trong tất cả những tôn giáo nhân bản lớn và những hệ thống triết học trong bốn nghìn năm qua của lịch sử Đông và Tây?
Vì có những khó khăn về từ ngữ, giải đáp chỉ có thể là tự ý. Vấn đề là chúng ta nhận thức loại hợp nhất nào mà chúng ta đề cập đến khi nói về tình yêu. Chúng ta xem tình yêu như là câu trả lời chín muồi cho vấn đề hiện hữu, hay chúng ta nói về những hình thái non nớt nào của tình yêu mà chúng ta có thể được gọi là hợp nhất cộng sinh? Những trang sau đây tôi sẽ chỉ gọi cái trước là tình yêu. Tôi sẽ bắt đầu thảo luận về tình yêu với cái sau.
Hợp nhất cộng sinh có dạng thức sinh vật trong mối liên hệ giữa thai mẫu và thai nhi. Tuy hai nhưng mà một. Cả hai sống chung (cộng sinh), cần có nhau. Thai nhi là một phần của người mẹ, nó nhận mọi thứ mà nó cần từ mẹ; bà mẹ là thế giới của nó, có thể nói như vậy; bà nuôi dưỡng nó, bảo vệ nó, nhưng sự sống của bà cũng được gia tăng bởi nó. Trong sự hợp nhất cộng sinh cả tâm thần, cả thể xác đều biệt lập, nhưng có cùng một quyến luyến như nhau về mặt tâm lý.
Hình thái thụ động của hợp nhất cộng sinh là hình thái khuất phục, hay nếu chúng ta nói theo thuật ngữ thầy thuốc, hình thái khổ hành (masochism). Kẻ khổ hành chạy trốn cảm giác cô lập và ly cách không chịu nổi bằng cách biến mình thành một phần của kẻ khác, kẻ chỉ đạo nó, hướng dẫn nó, bảo hộ nó; kẻ ấy là đời sống và hơi thở của nó, có thể nói như vậy. Quyền lực của kẻ mà người ta khuất phục theo được khoa đại; kẻ ấy có thể là một người hay một thần linh; kẻ ấy là tất cả, tôi không có gì cả, ngoại trừ điều tôi là một phần của nó. Với tư cách một bộ phận, tôi là một phần của cái vĩ đại, của quyền lực, của xác thực. Người khổ hành khỏi phải có những quyết định, không phải có những mạo hiểm nào cả; nó không bao giờ đơn độc nhưng nó không độc lập; nó không có sự toàn vẹn, nó chưa nảy nở đầy đủ. Trong phương diện tôn giáo, đối tượng của thờ phụng được gọi là một thần tượng; trong chiều hướng thế tụccủa một quan hệ tình yêu khổ hành, bộ máy chính yếu, tức là của sự sùng bái, cũng như nhau. Mối quan hệ khổ hành có thể được nối kết với ham muốn sinh lý nhục dục; trong trường hợp này, nó không phải chỉ là một sự khuất phục mà ở đó có sự tham dự của tâm thức và cả toàn thế thân xác của mình. Có hể có sự khuất phục khổ hành đối với vận mệnh, bệnh tật, đối với nhạc điệu, đối với trạng thái cuồng lạc được tạo ra do ma túy hay dưới sự hôn mê khoái cảm trong tất cả những điển hình này, con người từ chối sự toàn vẹn của nó, biến mình thành một công cụ của một ai đó hay cái gì đó ở bên ngoài chính mình; nó không cần giải quyết vấn đề sống bằng hoạt động phong phú.
Hình thái chủ động của hỗn hợp cộng sinh là sự chế ngự hay nói theo thuật ngữ tâm lý học chiều sâu, đối chiếu với sự khổ hành, là sự bạo hành (Sadism). Kẻ bạo hành muốn chạy trốn cô độc và ý nghĩa từ đây của mình bằng cách biến kẻ khác thành một bộ phận của mình. Nó làm mình to lớn thêm lên bằng cách sát nhập kẻ khác vào mình, kẻ thờ phụng nó.
Kẻ bạo hành cũng lệ thuộc vào kẻ khổ hành như là chính kẻ khổ hành lệ thuộc nó; kẻ này không thẻ sống mà không có kẻ kia. Chỉ có khác nhau là kẻ bạo hành thì ra lệnh, bóc lột, giày vò, điếm nhục. Đây là một sai biệt quan trọng theo nghĩa thực tế; trong một chiều hướng cảm xúc sâu hơn, sự sai biệt này không lớn bằng sự sai biệt mà cả hai cùng có chung: hỗn hợp mà không có toàn vẹn. Nếu hiểu điều này, người ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy rằng thông thường có kẻ chống lại cả hai phương cách bạo hành và khổ hành thường hướng đến những đối tượng khác. Hitler ban đầu phản ứng theo kiểu bạo hành nhắm đến dân chúng, nhưng theo kiểu khổ hành đối với số mệnh, lịch sử, quyền lực trên cao của thiên nhiên. Chung kết của ông tự tự trong sự hủy diệt thường tình cũng là đặc trưng như giấc mộng thành công của ông chế ngự toàn diện.
Tương phản với sự hợp nhất cộng sinh, tình yêu trưởng thành là sự hợp nhất dưới điều kiện duy trì sự toàn vẹn của mình, cá biệt tính của mình. Tình yêu là một quyền năng chủ động trong con người; một quyền năng chọc thủng những bức tường ngăn cách người với người, hợp nhất mình với kẻ khác; tình yêu khiến mình vượt qu ý vị cô lập và ly cách nhưng nó cho phép mình là mình, giữ lại sự toàn vẹn của mình. Trong tình yêu, có điều nghịch lý là hai sinh thể trở thành một nhưng vẫn cứ là hai.
Nếu tôi nói tình yêu là một hoạt động tính, tôi chạm trán một khó khăn nằm trong ý nghĩa hàm hỗn của chữ hoạt động tính. Với hoạt động tính, theo sự thông dụng ngày nay của chữ này, nó chỉ cho một hành động mang lại biến đổi trong một tình cảnh hiện hữu do một phí dụng năng lực. Như thế, mọi người được coi là hoạt động nếu có làm một việc, nghiên cứu y dược, làm việc trên một chuỗi dài vô tận, dựng một cái bàn, hay tham gia thể thao. Chung cho tất cả những hoạt động này là chúng được nhắm vào mục đích bên ngoài phải hoàn thành. Điều không được người ta ghi nhận là sự phát động của hoạt động. Thí dụ một người được điều động đối với công việc không ngừng bởi một ý vị về sự bất ổn và cô độc thâm sâu; hay một người khác điều động bởi danh vọng hay tiền tài. Trong tất cả những trường hợp này, kẻ đó là nô lệ của một tham dục và hoạt động của nó trên thực tế là một thụ động vì nó bị thúc đẩy; nó là kẻ chịu trận chứ không phải là kẻ chủ chốt. Đằng khác, một người ngồi yên và ngắm không có chủ đích hay mục tiêu nào ngoại trừ chủ đích cảm nghiệm chính mình và đơn nhất tính của mình với thế giới, người ấy được coi là thụ động vì không làm gì cả. Trên thực tế, thái độ tập trung tư tưởng này là hoạt động cao nhất; đây là một hoạt động của tâm hồn chỉ có thể có dưới điều kiện của tự do và độc lập nội tại. Một khái niệm về hoạt động, khái niệm tân thời, coi sự sử dụng năng lực như là tựu thành những mục tiêu ngoại tại; một khái niệm khác về hoạt động thì xét đến sự sử dụng những quyền năng nội tại của con người, bất kể có sự biến đổi bên ngoài nào được thực hiện hay không. Khái niệm sau về hoạt động đã được Spinoza hợp thức một cách rõ rằng nhất. Ông phân biệt hậu quả thụ động và chủ động, những hành động (actions active) và những đam mê (passions passive). Trong sự thực nghiệm về một hậu quả chủ động, con người được tự do, nó là chủ nhận của hậu quả của nó; trong sự thực nghiệm về một hậu quả thụ động, con người bị thúc đẩy, nó là đối tượng của những sự phát động mà chính nó không có ý thức đến. Như vậy Spinoza tiến tới quan điểm cho rằng đức tính và quyền năng là một và như nhau(1). Ganh ghét, tị hiềm, tham vọng, bất cứ lại ham muốn nào đều là những đam mê (passions); tình yêu là một hành động, là sự thực hành một quyền năng của con người, chỉ có thể được thực hành trong tự do và không bao giờ như là thành quả của một cưỡng bức.
Còn tiếp
Cuốn sách Phân tâm học và tình yêu do Đỗ Lai Thúy biên soạn, với các bản dịch của Phan Ngọc Hà, Tuệ Sỹ, Hoàng Thiên Nguyễn, Phạm Vĩnh Cư. Tác giả S. Freud, E. Fromm, A. Schopenhauer, V. Soloviev, Đỗ Lai Thuý. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành năm 2003. Chúng tôi xin trích đăng cuốn sách này.