Dùng đất sét và xơ giấy để xử lý nước hồ, dùng dụng cụ thủ công để làm ngọt nước biển hay các phương pháp đơn giản để hạn chế chất thải từ bè nuôi cá trên sông Đó chỉ là một số trong nhiều ý tưởng sáng tạo mà các em học sinh trung học đưa ra trong cuộc thi Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước năm nay.
Trong buổi trao giải cuộc thi chiều 14/6 tại Hà Nội, bà Trần Thị Thu Hiên, Tổng biên tập báo Khoa học và Đời sống, Trưởng ban tổ chức cho biết, tuy mới là năm thứ hai được tổ chức tại Việt Nam, song cuộc thi Cải thiện nguồn nước đã thu hút 1.993 bài của học sinh từ 36 tỉnh thành phố trên cả nước, gấp hơn 10 lần con số 183 bài dự thi của năm 2003. Trong đó có 300 đề án đã mang dáng dấp của một công trình nghiên cứu khoa học mini, thậm chí một số đề án còn được ban giám khảo đánh giá là không kém gì luận văn cử nhân khoa học, thể hiện những vấn đề sâu sắc hơn, cụ thể hơn và thiết thực hơn so với các đề tài của cuộc thi năm trước.
Ban giám khảo đã chọn ra 1 đề án đoạt giải nhất để dự thi quốc tế tại Thụy Điển vào tháng 8 tới, đó là công trình Sử dụng hỗn hợp đất sét và xơ giấy để khắc phục nạn ô nhiễm nguồn nước hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống nhất, Hà Nội của em Nguyễn Thị Thu Trang, lớp 10 chuyên Sinh, PTTH Hà Nội - Amsterdam. Trang cho biết em đã đọc sách và tìm ra rằng, có thể kết hợp tính năng hấp phụ chất độc của đất sét với khả năng phân hủy chất hữu cơ của vi sinh vật trong xơ giấy, để tạo ra các viên đất sét - xơ giấy có khả năng xử lý nước hồ ô nhiễm. Mặc dù chưa thực sự định lượng được các chỉ số BOD, COD, song qua đánh giá cảm quan bằng mắt, em nhận thấy nước hồ sau xử lý đã trong hơn, mất mùi hôi và giảm cặn lơ lửng. Không chỉ dừng lại ở việc chinh phục ban giám khảo bằng những lập luận chắc chắn và vốn tiếng Anh rất khá, Trang còn hy vọng khi tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển, em sẽ xin được tài trợ nước ngoài để dự án có thể trở thành hiện thực.
Ngoài công trình của Trang, 4 đề án khác cũng được ban giám khảo cho điểm tuyệt đối vì tính khả thi và độ sâu sắc của đề tài, như công trình Bèo tây, sò hến - máy lọc nước thải tự nhiên của Mang Diệu Hiền và Ngô Thị Mỹ Ngọc, lớp 11 chuyên Hóa, PTTH Hoàng Lê Kha, Tây Ninh; Đề án Tái sử dụng nước thải làng nghề chế biến bánh phở thôn Dụ Đại phục vụ phát triển kinh tế địa phương, của Hoàng Phó Hướng, học sinh lớp 10A3, PTTH bán công Đông Hưng, Thái Bình
Một số đề tài khác tuy không đoạt giải cao nhất, nhưng được đánh giá cao vì tính mới lạ như Mô hình dụng cụ thủ công ngọt hóa nước biển nhờ ánh sáng mặt trời của Ngô Tố Linh, lớp 12 chuyên Sinh, PTTH Hà Nội, Amsterdam (giải 3) hay Phương pháp hạn chế chất thải từ lồng, bè nuôi cá trên sông của Phạm Thị Thu Hiền, lớp 11A2, PTTH bán công Phước Bửu, Bà Rịa - Vũng Tàu (giải 3).
Điểm yếu của hầu hết các thí sinh vẫn là mảng thực hành còn kém. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, mặc dù năm nay vấn đề thực hành có khá hơn, song các em vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi cái bóng lý thuyết. Đây cũng là thực trạng chung của ngành giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một cuộc thi cho học sinh trung học thì điều này vẫn chấp nhận được. Điều chủ yếu là cuộc thi đã kích thích ham muốn học hỏi và tư duy sáng tạo của các em.
Cuộc thi quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho lứa tuổi học sinh là một bộ phận của Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới, được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, tập nghiên cứu khoa học của học sinh, đồng thời tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng. Cuộc thi do Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ và nhà tổ chức chính là Báo Khoa học và Đời sống.
Ban tổ chức cũng đã phát động cuộc thi lần thứ ba (2005-2006), bắt đầu nhận bài từ 15/6 đến hết 15/4/2006. Bài thi gửi đến tòa soạn báo Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đối tượng là học sinh phổ thông trung học hoặc trung học dạy nghề, dưới 20 tuổi.
Thuận An