Sự mày mò nghiên cứu đã giúp cho ông Nguyễn Văn Loan phát minh ra chiếc máy xử lý khói bụi. Tuy nhiên, hiện thực hoá một ý tưởng bằng sản phẩm và ứng dụng nó vào thực tế là hai việc hoàn toàn khác nhau. Và ông Loan đã không gặp ít khó khăn khi tìm nơi để ứng dụng sản phẩm của mình.
Để sản phẩm được mọi người biết đến, ông Loan đã mất hơn nửa năm trời mang chiếc máy xử lý khói bụi của mình đi giới thiệu khắp nơi mà không có cơ hội sử dụng. Và thật bất ngờ, nơi đón nhận ý tưởng của ông không phải là một nhà máy hay lò gạch, mà lại là bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, do bác sĩ Trương Quý Dương làm giám đốc. Lúc này, bác sĩ Dương và bệnh viện của ông cũng đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải.
Với hơn 300 giường bệnh, trung bình mỗi ngày bệnh viện cần tiêu huỷ khoảng 50 kg rác thải y tế, một trong những loại rác đứng hàng đầu về độ độc hại. Tuy nhiên, việc trang bị một chiếc máy tiêu huỷ rác khép kín nhập ngoại vượt quá khả năng của bệnh viện. Vậy là rác y tế đành được chất đống ở vườn sau và đốt lộ thiên, dẫu rằng điều đó chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Chiếc máy xử lý khói bụi của ông Loan được bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đồng ý lắp đặt sử dụng thử. Kết quả rất khả quan - tiêu huỷ khép kín phần lớn các loại rác thải y tế, và phải dồn rác 3-4 ngày mới đủ cho máy chạy trong 1 buổi. Điều quan trọng là lượng khói thải ra môi trường gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.
Lần đầu tiên được áp dụng vào thực tế, nhưng chiếc máy xử lý khói bụi của ông Loan đã chứng tỏ tính khả thi của nó, không chỉ về mặt ý tưởng mà cả về tính ứng dụng.
(Theo VTV)