Những phát hiện về vạn vật và con người (phần 76)

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ

Những phát hiện về vạn vật và con người (phần 76)

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:35

Chúng ta không biết ai đã phát minh ra kính mắt, phát minh thế nào và ở đâu. Chúng ta chỉ biết đại khái nó được phát minh một cách tình cờ và bởi những người thường chứ không phải những nhà nghiên cứu về quang học.

Chương 40

Một cái nhìn gây bối rối và ngạc nhiên

Bước nhảy vọt từ quan sát bằng mắt thường tới quan sát nhờ dụng cụ sẽ là một trong những bước tiến lớn trong lịch sử của hành tinh. Nhưng không ai đã có chủ ý phát minh ra kính viễn vọng. Một trong những thành kiến ăn rễ sâu và phổ biến nhất của con người là niềm tin vào các giác quan tự nhiên của con người mà không cần dùng đến dụng cụ.

Chúng ta không biết ai đã phát minh ra kính mắt, phát minh thế nào và ở đâu. Chúng ta chỉ biết đại khái nó được phát minh một cách tình cờ và bởi những người thường chứ không phải những nhà nghiên cứu về quang học. Có lẽ một người thợ làm kính đã lớn tuổi trong khi chế tạo những chiếc đĩa bằng kính để gắn cửa sổ đã thử những chiếc đĩa đó và khi nhìn vào ông đã mừng rỡ nhận ra mình có thể nhìn thấy rõ hơn. Chúng ta có thể tin rằng nhà phát minh không phải thuộc giới trí thức, vì thời đó các giáo sư thường khoe khoang về những phát minh của mình, thế mà trước thế kỷ 13 chúng ta lại chưa từng thấy có tài liệu nào ghi nhận về một nhà phát minh tự xưng đã làm ra kính viễn vọng. Từ những tài liệu được ghi lại trước năm 1300 cho tới tiệc phát minh ra kính viễn vọng gần ba trăm năm sau đó, các nhà học giả đều không biết gì về thấu kính. Có rất nhiều lý do cắt nghĩa điều này. Người ta biết rất ít về lý thuyết khúc xạ ánh sáng. Tiếc thay, một số ít ỏi các nhà vật lý ham tìm tòi đã không nghiên cứu về khúc xạ bằng những mặt thấu kính cong bình thường, nhưng lại bị mê hoặc bởi các hình thù hoàn hảo là hình tròn và hình cầu. Họ bắt đầu nghiên cứu khúc xạ trong một quả cầu hoàn hảo bằng kính, khiến tạo ra những quang sai phức tạp nhất và thực tế đã không mang lại cho họ kết quả nào.

Khi tìm hiểu những hiệu ứng của thấu kính, các nhà triết học thiên nhiên bị cản trở vì những lý thuyết của họ về ánh sáng và thị giác. Từ những thời xa xưa, suy tư của các nhà triết học tây phương đã bị hướng về cách người ta thấy thế nào hơn là về chính bản chất của ánh sáng như là một hiện tượng vật lý. Các triết gia Hi Lạp cổ cho rằng thị giác là một quy trình hoạt động của con mắt sống động của một người, chứ không phải sự ghi lại thụ động những ấn tượng từ bên ngoài. Thuyết phối cảnh của Eculid lấy mắt chứ không phải vật được nhìn làm điểm gốc của các đường viễn cảnh. Plato và các triết gia trường phái Pythagoras mô tả việc nhìn xem như là một qui trình phát tỏa từ con mắt một cách nào đó bao trùm lấy vật thể được nhìn. Ptolêmê cũng chia sẻ quan điểm này. Ngược lại, Democritus và các triết gia trường phái nguyên tử cho rằng vật thể được nhìn phát tỏa ra các luồng nguyên tử và sự phát tỏa này một cách nào đó đập vào mắt và tạo ra ảnh. Nhưng nhà giải phẫu phương tây Galen nêu lên vấn nạn của nhận thức thông thường rằng những hình ảnh lớn, ví dụ như ảnh của một quả núi, không thể nào thu nhỏ được để đi vào đồng từ nhỏ xíu của mắt. Hơn nữa, các triết gia nguyên tử cũng không thể cắt nghĩa được làm sao một vật có thể tạo ra vô số phân tử để có thể đi đến mắt của hàng trăm hàng ngàn người cùng thấy vật đó đồng thời. Và Galen đã khai triển một lý thuyết dung hòa là liên kết với chức năng sinh lý của mắt.

Ngoài ra, việc nghiên cứu quan học hay sử dụng dụng cụ để trợ giúp mắt thường cũng còn gặp những trở ngại về tôn giáo. Thần học chịu ảnh hưởng mạnh của nhận thức thông thường và truyền thống dân gian. Con người có mắt để làm gì nếu chính mắt không biết được hình thù, kích thước và màu sắc thực sự của ngoại vật? Hơn nữa, chẳng phải những dụng cụ như gương, lăng kính và thấu kính thường làm sai lạc thị giác đó sao? Và những dụng cụ nhân tạo để làm ra nhiều, phản chiếu, khuyếch đại hay thu nhỏ và nhân đôi hay đảo ngược các hình ảnh thị giác đã được sử dụng để làm méo mó sự thật hay sao? Các tín hữu sùng đạo và các triết gia không đời nào chịu đụng chạm tới những dụng cụ lừa đảo đó.

Thế nhưng một số người thực tiễn vẫn tiếp tục tiến tới. Họ thích đeo cặp kính trên sống mũi, đơn giản vì nó giúp họ thấy rõ hơn. Công dụng đầu tiên của kính mắt có lẽ là để chữa tật viễn thị, khuyết tật của thị giác ở tuổi già do việc thủy tinh thể bị chai cứng làm cho mắt không thể tập trung sắc nét vào những vật ở gần. Hồi đầu thế kỷ 14, trong danh mục bất động sản của một vị giám mục ở Florence có liệt kê một cặp kính mắt có gọng mạ bạc. Ở Venice vài khoảng 1300, nghề làm kính mắt đã khá phổ biến khiến cho đã có một luật chống lại những thợ kính đánh lừa khách hàng bằng cách tuyên bố họ bán cho khách hàng kính bằng pha lê thật, đang khi thực sự chỉ là kính thủy tinh. Petrarch (1304-1374) trong tác phẩm tự thuật Thơ gởi cho Hậu thế, đã than phiền rằng khi tôi quá 60 tuổi... tôi phải đeo kính mới thấy rõ được. Bản thân Kepler cũng đeo kính. Vào giữa thế kỷ 14, các nhân vật châu Âu nổi tiếng đều cho vẽ chân dung mình với cặp kính. Khó mà biết hết được ngọn nguồn của việc chế tạo kính mắt, vì những thợ kính khám phá ra kỹ thuật làm kính đều có những lý do thương mại chính đáng để giữ bí mật nhà nghề.

Galileo đã viết: Chúng ta biết chắc chắn nhà phát minh kính viễn vọng đầu tiên là một người thợ kính bình thường, do tình cờ thử những dạng kính khác nhau và cũng tình cờ nhìn vào hai trong số các dạng kính đó, một kính lồi và một kính lõm, để ở những khoảng cách khác nhau đối với mắt, đã thấy và phát hiện những kết quả bất ngờ và thế là ông đã khám phá ra dụng cụ này. Có thể sự phối hợp may mắn các loại kính khác nhau này đã xảy ra đồng thời cho những hiệu kính mắt khác nhau. Câu chuyện có phần chắc chắn nhiều hơn cả là sự kiện có tính quyết định xảy ra tại một hiệu kính của một thợ làm kính bình thường người Hà Lan tên là Hans Lippershey, ở Middelburg khoảng năm 1600. Người ta kể rằng có hai đứa trẻ tình cờ vào tiệm của Lippershey và cầm những mắt kính lên chơi. Chúng áp hai mắt kính sát nhau và khi chúng nhìn qua cả hai mắt kính để nhìn tới một chiếc chong chóng gió trên tháp một nhà thờ, chúng thấy chiếc chong chóng được khuyếch đại một cách tuyệt vời. Chính Lippershey cũng nhìn thử và thế là ông bắt đầu chế tạo các kính viễn vọng.

Không may cho Lippershey là vào cùng thời đó tại Hà Lan cũng có những thợ kính khác tuyên bố mình là tác giả phát minh ra kính viễn vọng và đòi hỏi được thừa nhận quyền sáng chế và lợi lộc từ sáng chế này. Một trong những người này là James Metius ở Alkmaar, tuyên bố ông đã chế tạo được một kính viễn vọng cũng tốt như của Lippershey, ông biết những bí quyết làm thủy tinh và nếu nhà nước tài trợ, ông có thể chế tạo một kính viễn vọng tốt hơn. Khi chính quyền không chấp nhận đề nghị của ông, Metius đã từ chối không cho ai xem kính viễn vọng của mình và khi chết ông đã phá hủy các dụng cụ của mình để không cho ai giành được quyền sáng chế của ông

Trong tình trạng quyền sáng chế chưa rõ ràng, nhà nước Hà Lan đã từ chối đề nghị chế tạo kính viễn vọng của Lippershey, không công nhận quyền sáng chế của ông, cũng không tài trợ cho dụng cụ mới này. Đồng thời, kính viễn vọng ngày càng được người ta biết đến nhiều hơn. Năm 1608 đại sứ Pháp ở The Hague đã mua một chiếc kính viễn vọng cho vua Henry IV và ngay năm sau ở Paris đã có bán kính viễn vọng. Năm 1609 kính viễn vọng đã được triển lãm tại hội chợ Frankfurt. Nó cũng xuất hiện ở Milan, Venice và Padua và trước cuối năm đó, người ta đã chế tạo nó ở Luân Đôn.

Còn tiếp

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Khoa học - Công nghệ

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến254 khách


cron