Trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2001

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ

Trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2001

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:38

"Giải thưởng năm nay có rất nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ngoài các công trình áp dụng tại vùng sâu, Giải thưởng còn mở rộng thêm một lĩnh vực là công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường...", GS - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Trưởng ban tổ chức, phát biểu trong buổi lễ sáng nay tại Hà Nội.

141 công trình dự thi Giải thưởng, bao gồm 5 lĩnh vực: cơ khí và tự động hóa; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu mới và công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường.

Ban tổ chức - Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và Bộ KHCN&MT - đã trao 4 giải nhất, 9 giải nhì, 15 giải ba và 15 giải khuyến khích. Công nghệ thông tin là lĩnh vực duy nhất không có giải nhất năm nay. Sau buổi lễ, tất cả các công trình đoạt giải sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Từ năm 2001, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã mở rộng đối tượng dự thi, bao gồm cả các công trình của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và của người nước ngoài đang công tác, học tập tại Việt Nam.

Cũng từ giải lần này, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) sẽ trao phần thưởng trị giá 1.000 USD kèm theo bằng chứng nhận và huy chương vàng cho một công trình tiêu biểu đoạt giải có giá trị thực tiễn lớn. Năm nay, phần thưởng này được trao cho công trình đoạt giải nhất lĩnh vực Cơ khí và tự động hóa: Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống nồi nấu bột giấy kiểu đứng 140m3 (15.000 tấn/năm)", của kỹ sư Nguyễn Hải Hà và cộng sự, Viện nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Nghiệp.

Công trình do 3 đơn vị hợp tác nghiên cứu, là Viện Cơ khí, Công ty giấy Bãi Bằng và Công ty Cơ khí Hà Nội. Đây là dây chuyền thiết bị đồng bộ đầu tiên sản xuất bột giấy công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến và ứng dụng các thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chế tạo thiết bị, kỹ thuật đo lường, tự động hóa quá trình và tin học điều khiển. Hệ thống này có giá thành chỉ bằng 40-50% so với các sản phẩm nhập ngoại, trong khi chất lượng lại cao hơn hệ thống nồi nấu bột giấy của Thụy Điển, đang được sử dụng tại Công ty Giấy Bãi Bằng. Công trình hiện hoạt động có hiệu quả tại Công ty Giấy Đồng Nai.

Một công trình khác cũng thu hút được sự chú ý do tính thực tiễn cao là: Nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc tập hợp hữu cơ để tuyển nổi quặng apatit loại III Lào Cai- giải nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu mới. Công trình do TS Mai Ngọc Chúc và cộng sự, Viện Hóa học Công nghiệp, thực hiện.

Trong quá trình tuyển quặng, nhà máy Apatit Lào Cai chỉ tuyển được quặng loại I, II. Còn phần lớn quặng loại III chứa 14-19% lượng P2O5 (là nguyên liệu chính để sản xuất phân lân) thì phải nhập thuốc tuyển MD của Thụy Điển. Lượng nhập khẩu lên đến 1.200 tấn/năm, tiêu tốn lượng ngoại tệ rất lớn. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải sản xuất thuốc tuyển quặng trong nước để thay thế.

Các cán bộ của Viện Hóa học Công nghiệp đã xây dựng thành công dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc tuyển 120 tấn/năm. Dây chuyền này tận dụng phế thải từ các nhà máy tinh luyện dầu thực vật làm nguyên liệu chính để sản xuất thuốc tuyển. Thuốc tuyển nổi quặng apatit loại III Lào Cai của Viện có chất lượng cao hơn, khả năng thu hồi P2O5 lớn hơn thuốc của Thụy Điển 6-8%, làm lợi cho nhà máy hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Theo tác giả Mai Ngọc Chúc, sản phẩm này có thể thay thế hoàn toàn các thuốc tuyển ngoại nhập.

Bể xử lý nước nhiễm dầu bằng phương pháp sinh học.

Với công trình Nghiên cứu làm sạch dầu mỏ bằng phương pháp phân hủy sinh học, các nhà khoa học của Viện Sinh học đã mở ra khả năng xử lý nhiều loại hình ô nhiễm dầu, như trong nước thải, trong đất và trong nước mặt. Đây là lần đầu tiên công nghệ loại này được nghiên cứu thành công ở Việt Nam, cho hiệu quả cao, giá thành hạ, cách xử lý đơn giản. Các nhà khoa học đã chọn lọc thành công tập đoàn vi sinh ăn dầu, tạo ra chế phẩm để nuôi dưỡng và kích thích chúng phát triển, cũng như xây dựng quy trình làm sạch nước thải nhiễm dầu. Công trình này đã triển khai có hiệu quả tại công ty xăng dầu B12 và đang được nhân rộng.

Dưới đây là các công trình đoạt giải nhất, nhì trong 5 lĩnh vực:

Cơ khí và tự động hóa:

- Giải nhất: Công trình Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống nồi nấu bột giấy kiểu đứng 140m3 (15.000 tấn/năm)", của kỹ sư Nguyễn Hải Hà và cộng sự, Viện nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Nghiệp.

- Hai giải nhì: 

1 - Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật quang và kỹ thuật số - máy tính để chế tạo máy tự động điều khiển phân loại cà phê hạt theo màu sắc", của Thạc sĩ Đặng Trung Nam Tiến và cộng sự, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp.

2- Công trình "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gia công áp lực để nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí trong điều kiện Việt Nam", của Tiến sĩ Hà Minh Hùng và cộng sự, Viện nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công nghiệp.

Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống

- Giải nhất: Công trình "Nghiên cứu tách chiết, tinh chế Rotundin từ củ một số loài bình vôi (stephanialour), điều chế Rotundin sulfat và bào chế thuốc tiêm", của Thạc sĩ Nguyễn Minh Chính và cộng sự, Học viện Quân y 108.

- Hai giải nhì:

1. Công trình "Đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân bón đa yếu tố (NPK) ở miền Bắc Việt Nam", của nhóm Kỹ sư Nguyễn Quốc Lập, Nguyễn Duy Khuyến và Nguyễn Quốc Tuấn cùng cộng sự, Công ty Supe Phốtphát và Hóa chất Lâm Thao"

2- Công trình "Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc hương (Babylonia areolata, Link 1807), của Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu và cộng sự, Trung tâm nghiên cứu thủy sản 3.

Công nghệ thông tin

- Giải nhì: Công trình "Phần mềm quản lý và điều hành qua văn bản SEL@-NET.OFFICE Version 2.0" của Thạc sĩ Đào Kiến Quốc và cộng sự, khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Công nghệ vật liệu mới

- Giải nhất: Công trình Nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc tập hợp hữu cơ để tuyển nổi quặng apatit loại 3 Lào Cai, của TS Mai Ngọc Chúc và cộng sự, Viện Hóa học Công nghiệp.

- Hai giải nhì:

1- Công trình "Nghiên cứu Gel chịu nước dùng cho thuốc nổ ANFO", của kỹ sư Trịnh Văn Tiến và Thạc sĩ Vũ Đức Tuấn, Công ty Ngọc Linh. Đây cũng là công trình đoạt giải duy nhất thuộc về một công ty tư nhân.

2- Công trình "Nghiên cứu các vật liệu nhằm chế tạo túi bảo quản VKTBKT duy trì chế độ bảo quản tự động", của PGS.TS Nguyễn Thế Nghiêm và cộng sự, Viện Kỹ thuật Quân sự.

Công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường

- Giải nhất: Công trình Nghiên cứu làm sạch dầu mỏ bằng phương pháp phân hủy sinh học, của TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự, Viện Công nghệ sinh học.

- Hai giải nhì:

1- Công trình "Nghiên cứu xử lý nước thải của nhà máy bia bằng phương pháp sinh học", của Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt và cộng sự, Viện Nghiên cứu Rượu - Bia - Nước giải khát.

2- Công trình "Nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng tủ cấy vi sinh và tủ hút vô trùng nhằm cải thiện chất lượng môi trường, phục vụ ngành y tế, công nghệ sinh học và bảo vệ môi trường", của Tiến sĩ Vũ Văn Hiếu và cộng sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, chi nhánh phía Nam.

Bích Hạnh

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Khoa học - Công nghệ

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến272 khách


cron