Nhà tiên phong trong lĩnh vực vi mạch điện tử, từng đạt giải Nobel Vật lý 2000 với phát minh mạch tích hợp (IC) và máy tính calculator cầm tay đầu tiên, đã qua đời ở tuổi 81 sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư.
"Với tôi, mới chỉ có vài người thực sự chuyển đổi cả thế giới cũng như phương thức sống và làm việc của chúng ta. Đó là Henry Ford, Thomas Edison, anh em nhà Wright và Jack Kilby", Tom Engibous, Chủ tịch tập đoàn Texas Instruments (TI), phát biểu. "Nếu đề cập đến một phát minh ảnh hưởng mạnh và thay đổi không chỉ ngành công nghiệp mà cả thế giới, đó chỉ có thể là mạch tích hợp của Kibly".
Trước khi xuất hiện phát minh này, thiết bị điện tử phải hoạt động phụ thuộc trên mạch điện cồng kềnh và dễ phá vỡ, gồm cả những ống chân không làm bằng thủy tinh. Ngày nay, mạch tích hợp đã có mặt ở khắp nơi, từ lò vi sóng cho đến các thiết bị nghiên cứu sao Hỏa. Các chuyên gia công nghệ tin tưởng rằng đóng góp của ông sẽ không bao giờ bị phủ nhận hay lu mờ. Tuyên bố trao giải Nobel cho Kibly cũng khẳng định: "Ông đã đặt nền móng cho ngành công nghệ thông tin hiện đại".
Trong những năm đầu làm việc tại hãng TI, chỉ bằng những thiết bị vay mượn, Kibly đã xây dựng lên vi mạch đầu tiên tích hợp trong một bản vật liệu bán dẫn với kích thước chỉ bằng một chiếc kẹp giấy thông thường. Chỉ 4 năm sau (1962), hãng TI đã ký hợp đồng mạch tích hợp đầu tiên cho tên lửa Minuteman.
"TI là hãng duy nhất đồng ý để tôi mày mò nghiên cứu việc thu nhỏ thành phần điện tử trong giờ hành chính, và điều đó đã tạo ra bước tiến lớn", Kibly phát biểu tại Lễ trao giải Nobel 2000.
Một trong 60 mẫu sáng chế của Kibly là sản xuất mạch tích hợp bằng nguyên tố Germani vào năm 1959. Năm 1961, Robert Noyce được cấp bằng sáng chế cho một phát minh tương tự như phức tạp hơn với chất liệu silicon. "Kibly là người khởi đầu, còn Noyce đã chỉ cho ta thấy cách thức thực hiện chúng trên thực tế", Gordon Moore, đồng sáng lập hãng Intel với Noyce vào năm 1968, phát biểu. Tiến sĩ Moore đã quen biết Kibly từ nhiều năm qua và rất ngưỡng mộ khả năng sáng tạo, nhạy bén và tính khiêm tốn của ông.
Năm 1970, Kibly được ban tặng Huân chương Khoa học tại Nhà Trắng và 12 năm sau, ông tiếp tục được ghi tên trong Ngôi nhà vinh danh các nhà sáng chế lớn của Mỹ.
Bạn bè thường gọi Kiby là "ông già nhỏ bé kiệm lời", không đam mê danh vọng, giàu sang. Ông vẫn nói phát minh của mình không phải là sự "vô tình", bởi "Tôi luôn mong muốn trở thành một nhà sáng chế. Và khi ta có cơ hội tham gia vào những dự án thú vị, việc phát kiến điều gì đó mới mẻ sẽ là một kết quả tất yếu". Ông cũng là đồng tác giả của máy tính calculator điện tử cầm tay đầu tiên.
Jack St. Clair Kilby sinh năm 1923 tại Great Bend, Kansas. Kibly đã bắt đầu đam mê với ống điện đài radio ngay từ những năm 40 và bắt đầu sự nghiệp tại hãng Globe Union vào năm 1947 sau khi đạt hai bằng kỹ sư tại Đại học Illinois và Wisconsin. Kibly có hai cô con gái, 5 cháu ngoại và một con rể.
P.T. (theo AP)