Lời tri ân của “Nhân tài Đất Việt”
Trong thời gian một tiếng đồng hồ trò chuyện, đặt câu hỏi trực tiếp về trường quay cho Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; thành viên ban giám khảo, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long; Trưởng ban tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2008, Tổng biên tập báo Dân trí điện tử Phạm Huy Hoàn và thành viên của nhóm tác giả AI Việt Nam, đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2007 dành cho sản phẩm đã ứng dụng thực tế, bạn Đỗ Bá Dân. Nhiều thông tin về cuộc thi Nhân tài Đất Việt đã được các đại biểu chia sẻ với bạn xem truyền hình.
Cuộc thi Nhân tài Đất Việt được tổ chức qua các năm 2005, 2006 và 2007 đã có hơn 500 sản phẩm công nghệ thông tin dự thi thuộc hai nhóm sản phẩm: đã được ứng dụng thực tế và có tiềm năng ứng dụng. Theo Ban tổ chức, từ cuộc thi Nhân tài Đất Việt, nhiều sản phẩm dự thi dù đoạt giải hay không đoạt giải đều đã có những ứng dụng thiết thực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Việt Nam tiến xa trên con đường hội nhập.
Trả lời cho câu hỏi: "Là một trong những người khởi xướng nên cuộc thi, ông có thể cho biết mục đích chính của Nhân tài Đất Việt là gì?", ông Phạm Huy Hoàn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đã cho biết, mục đích lớn nhất của cuộc thi là nhằm tìm kiếm và vinh danh những nhân tài trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông tiềm ẩn ở mọi lứa tuổi đã sáng tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh và cả những sản phẩm tiềm năng ứng dụng, hiệu quả cao. Ban tổ chức cuộc thi đã rất vui mừng vì tài năng đã được phát hiện ở mọi lứa tuổi từ ba lần tổ chức vừa qua. Và mục tiêu khơi gợi và phát hiện tài năng tiềm ẩn ở mọi lứa tuổi đã có kết quả thực sự ấn tượng.
Ông Hoàn dẫn chứng, ngay từ năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi Nhân tài Đất Việt đã thu hút được thí sinh nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Hương Ly, 11 tuổi và thí sinh cao tuổi nhất là lương y Lê Văn Sửu dù đã 69 tuổi nhưng vẫn rất tâm huyết với cuộc thi. Những năm tiếp theo, năm nào, cuộc thi cũng thu hút được thí sinh ở mọi lứa tuổi tham gia.
Đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, nhà tài trợ chính, người bạn đồng hành của Nhân tài Đất Việt suốt ba năm qua, Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá trong buổi trò chuyện trực tuyến đã cho rằng, tham gia tài trợ cho cuộc thi cũng chính là cơ hội tốt VNPT quảng bá thương hiệu của mình, sẽ có nhiều biết tới hơn. Doanh nghiệp muốn cho nhiều người biết tới thương hiệu của mình ngoài việc cung cấp những dịch vụ hữu ích cho người dân cũng cần phải biết đầu tư đúng lúc, đúng chỗ.
Với tư cách là một thành viên của ban giám khảo, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long lại rất tâm đắc với mục đích đề ra của cuộc thi. Theo ông, ba năm qua, hơn 500 sản phẩm dự thi đã thể hiện được sự sáng tạo ở loại hình, mang màu sắc đa hình, đa dạng. Nhiều sản phẩm đã được ứng dụng, có tính thương mại cao, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức của thị trường.
Tiêu chí cao nhất, được chú trọng nhất xuyên suốt trong ba năm qua của cuộc thi Nhân tài Đất Việt được Hội đồng giám khảo lựa chọn chấm điểm đó là sản phẩm dự thi phải có tính trí tuệ cao, nhưng đi đôi với đó là phải có tính ứng dụng, trí tuệ nhưng phải đem lại hiệu quả cho đất nước - ông Nguyễn Long đã bày tỏ quan điểm đó khi trả lời câu hỏi: "Tiêu chí cao nhất mà Hội đồng giám khảo lựa chọn khi chấm điểm".
Bên cạnh đó, cũng còn có những thí sinh, những sản phẩm dự thi chưa có tính ứng dụng cao, theo ông Phạm Huy Hoàn, để khích lệ và giúp đỡ những thí sinh, người đam mê CNTT nhưng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh có thể thương mại hoá sản phẩm của mình, nét mới nổi bật nhất của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2008 này là sẽ thành lập Hội đồng đầu tư để lựa chọn ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xứng đáng được đầu tư phát triển.
Nhìn lại một năm qua, giải nhất của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2007 dành cho sản phẩm đã ứng dụng thực tế của nhóm các tác giả AI Việt Nam với sản phẩm "Giải pháp học trực tuyến và thi trực tuyến AI Việt Nam ứng dụng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo" cũng đã đạt được những thành công đáng kể. Để làm được điều đó, theo Đỗ Bá Dân, một thành viên trong nhóm, khi chưa đoạt giải Nhân tài Đất Việt, AI Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, đặc biệt là vấn đề tài chính. Phải có tài chính thì mới quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng dù rằng sản phẩm cũng đã được ứng dụng. Và Nhân tài Đất Việt đã giúp cho AI Việt
Tuy nhiên, nếu chỉ có những người làm ra sản phẩm nỗ lực thì vẫn chưa đủ, để những sản phẩm và ý tưởng sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống, ngoài người sáng tạo còn cần phải có sự hợp tác mật thiết của hai yếu tố nữa đó là doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách - đồng tình với người đại diện của nhóm tác giả AI Việt Nam, ông Nguyễn Long đã bổ sung thêm.
Mỗi năm, cuộc thi Nhân tài Đất Việt càng được hoàn thiện hơn về mọi mặt. Năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức thành lập thêm hệ thống giải thưởng cho sản phẩm được lựa chọn đầu tư. Với số lượng giải thưởng không cố định, sản phẩm được lựa chọn tiêu chí hàng đầu là tính thương mại cao, đó chính là cái mới và cũng là nỗ lực của những người xây dựng, thực hiện cuộc thi Nhân tài Đất Việt muốn tìm ra những sản phẩm có thể ứng dụng ngay trong thực tế ở diện rộng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế nước nhà.
Cho tới thời điểm này, Ban tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2008 đã nhận được hơn 50 sản phẩm dự thi của các thí sinh gửi về từ mọi miền đất nước. Thời gian tham gia dự thi còn tới ngày 31/8/2008, Ban tổ chức cuộc thi vẫn đang tiếp tục chờ đợi những sản phẩm CNTT và Truyền thông có hàm lượng trí tuệ, tính thực tiễn cũng như tính thương mại cao của những tác giả, người đam mê CNTT gửi về. Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải rất đầy đủ trên trang web: http://www.nhantaidatviet.vnn.vn và trên hai tờ báo điện tử VnMedia và Dân trí.
Theo Thuỷ Nguyên
VnMedia