Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Kỳ vọng lớn ở tuổi lên Năm

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:49
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - “Kỳ vọng của tất cả các thành viên Hội đồng giải thưởng là Giải thưởng Nhân tài khoa học Đất Việt sẽ được xã hội đánh giá như Giải thưởng Nobel của Việt Nam.” - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ tâm sự về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009.

Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nền khoa học, giáo dục nước nhà, 5 năm làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt bắt đầu từ lĩnh vực CNTT và năm nay lần đầu tiên được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên, vị Giáo sư già Nguyễn Văn Hiệu có bao điều tâm huyết, bao hy vọng cho Giải thưởng này. Dưới đây là những lời chia sẻ của ông về khó khăn và kỳ vọng của Hội đồng Giải thưởng nói chung và của bản thân ông nói riêng.

Trước tiên, xin GS.VS cho biết cảm nghĩ của mình khi gắn bó với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt suốt 5 năm nay trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Giám khảo?

Từ hàng chục năm trước, Chính phủ đã có chủ trương rất sáng suốt ưu tiên phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) để công nghiệp CNTT trở thành một lĩnh vực công nghiệp không gây ô nhiễm và có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế nước nhà. Để thực hiện chủ trương đó phải nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao.
 
Vị Giáo sư già đã 5 năm dốc tâm, dốc sức cho sự phát triển, lớn mạnh của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
(Ảnh: Việt Hưng)

Hội Khuyến học Việt Nam đã rất nhạy bén, nhận thức được vai trò của Hội trong việc khuyến khích tuổi trẻ Việt Nam say sưa học tập và nghiên cứu về CNTT để sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn về CNTT, và đã quyết định tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt trong CNTT.

Tôi rất tán thành quyết định này của Hội, cho nên khi Hội phân công giúp Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn tổ chức hoạt động của Hội đồng Giám khảo, tôi đã vui vẻ nhận nhiệm vụ. Cảm nghĩ của tôi là phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ rất lý thú và hữu ích của Hội giao cho.

Trong 5 năm dốc tâm, dốc sức mình cho sự phát triển, lớn mạnh của Giải thưởng, điều gì làm GS.VS tâm đắc nhất?

Tôi rất vui mừng được chứng kiến sự tham gia nhiệt tình của cả những người thi lẫn những người chấm thi; sự làm việc rất nghiêm túc, thận trọng và khẩn trương, sôi nổi của các Hội đồng sơ khảo và chung khảo; được nhận thấy sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan, sự hăng hái tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT hoặc sử dụng CNTT mà tiêu biểu nhất là VNPT.
 
Bao nỗi trăn trở... (Ảnh: Việt Hưng)
 
Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nội dung CNTT trong 5 năm qua, xin Giáo sư cho biết đánh giá của mình về những sản phẩm dự thi nội dung này?
 
Những sản phẩm đoạt giải Nhân tài Đất Việt trong các cuộc thi chỉ là các sản phẩm tốt nhất trong số các sản phẩm dự thi. Có đôi lần tôi trò chuyện với các thí sinh đoạt giải và được biết rằng các sản phẩm của các thí sinh đó chỉ ưu việt hơn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài ở chỗ là rẻ tiền hơn nhiều lần và dễ sử dụng, song về trình độ công nghệ thì vẫn còn thua cho nên một số doanh nghiệp lớn ở trong nước vẫn ưu tiên sử dụng các sản phẩm đắt tiền hơn nhập khẩu từ nước ngoài.

Còn ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên, năm nay là năm đầu tiên Giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực này nên chắc chắn trong quá trình triển khai đã gặp không ít những khó khăn. Xin Giáo sư vui lòng cho biết những khó khăn đã gặp phải và theo Giáo sư thì điều gì là khó khăn nhất?

Mục đích và quy trình xét chọn các nhà khoa học xuất sắc của đất nước để tặng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong Khoa học tự nhiên hoàn toàn khác với cuộc thi trong CNTT. Ở đây không có cuộc thi nào hết, đương nhiên là cũng không có việc chấm thi, không có các Hội đồng chấm thi sơ khảo và chung khảo, mà là việc tìm kiếm, phát hiện nhân tài, việc đi cầu hiền tài cho quốc gia như Lưu Bị đi cầu Khổng Minh trong truyện Tam Quốc. Kỳ vọng của tất cả các thành viên Hội đồng giải thưởng là Giải thưởng Nhân tài khoa học Đất Việt sẽ được xã hội đánh giá như Giải thưởng Nobel của Việt Nam.
 
Làm sao để có nhiều Nhân tài Đất Việt? (Ảnh: Việt Hưng)

Đúng là lúc ban đầu chúng tôi có lo ngại rằng không biết mỗi năm có vận động các doanh nghiệp đóng góp đủ số tiền cho năm giải thưởng hay không, ngoài giải thưởng chắc chắn năm nào cũng có là giải thưởng do tôi đóng góp từ số tiền tôi thu nhập được do lao động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của tôi ở nước ngoài. Song từ sang năm lo ngại này sẽ không còn nữa. Một doanh nghiệp năm nay được mời tài trợ cho một giải thưởng đã nhận lời từ sang năm trở đi, mỗi năm sẽ tài trợ toàn bộ năm giải thưởng ngoài giải thưởng của tôi, như thế là đủ sáu giải thưởng cho lĩnh vực Khoa học tự nhiên.

Chỉ còn lại khó khăn là làm sao chọn được các nhà khoa học xuất sắc xứng đáng được tôn vinh là nhà khoa học được tặng Giải thưởng Nobel của Việt Nam. Để sự xét chọn được chính xác, Hội đồng giải thưởng và Ban thư ký sẽ hoạt động thường xuyên trong cả năm, thời hạn tối đa cho việc sưu tập và đánh giá các công trình nghiên cứu của một nhà khoa học được giới thiệu là ba năm.

Có một nỗi trăn trở của GS. VS mà rất nhiều người biết đến, đó là “Làm sao để có nhiều Nhân tài Đất Việt”. Suốt những năm qua, GS. VS cũng đã gắng sức mình để không “lọt” một Nhân tài nào. Song theo GS. VS, chúng ta phải làm những gì để giải quyết triệt để bài toán tìm kiếm, tôn vinh và sử dụng Nhân tài?

Tôi hy vọng rằng trong tương lai Hội đồng Giải thưởng Nhân tài khoa học Đất Việt sẽ hoàn thành sứ mạng tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các nhân tài về Khoa học tự nhiên của Việt Nam. Hội đồng chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với Nhà nước và xã hội các biện pháp cụ thể để phát huy tài năng của các nhân tài đó, làm cho nền khoa học Việt Nam tiến lên "sánh vai" được với nền khoa học các nước bè bạn khắp năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Xin cảm ơn GS. VS!

T.N

Sưu tầm từ dantri