Người mua dùng thử điện thoại nhái để "kiểm định" chất lượng
Tuy nhiên, anh nhân viên bán hàng tỏ ra khá trung thực khi thú nhận, đây không phải là chiếc iPhone, mà là một chiếc Hi-Phone! “Nhưng chiếc điện thoại này cũng tốt chẳng kém gì iPhone đâu!”, anh khẳng định thêm.
Từ túi xách “nhái” tới điện thoại “nhái”
Trong khi đó, hàng chục cửa hiệu kế bên cũng bày bán la liệt các mẫu điện thoái “nhái” hàng của Nokia, Motorola, Samsung… hoặc những chiếc điện thoại giá bèo có vẻ bề ngoài na ná. Nếu không để ý kỹ, sẽ chẳng ai biết đâu là giả, đâu là thật.
“Cách đây 5 năm, chẳng có chiếc điện thoại giả nào cả. Để sản xuất điện thoại, người ta cũng cần nhà thiết kế, kỹ sư phần cứng, phần mềm… Nhưng nay, một công ty chỉ có 5 nhân viên cũng có thể cho ra lò điện thoại. Trong vòng 100 dặm quanh đây, anh có thể tìm được khối nhà cung cấp”, anh Xiong Ting, một quản lý bán hàng tại công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại Triquint Semiconductor, cho biết.
Tiến bộ về công nghệ đã cho phép hàng trăm công ty nhỏ của Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp chỉ có 10 nhân viên, tung ra thị trường chợ đen những chiếc điện thoại có giá thậm chí chỉ 20 USD mỗi chiếc.
Giữa lúc các công ty Trung Quốc đang nỗ lực tiến lên trong chuỗi giá trị của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch chuyển từ sản xuất đồ chơi và hàng dệt may sang sản xuất máy tính và xe hơi chạy điện, thì lĩnh vực sản xuất hàng “nhái” ở nước này cũng có sự chuyển biến tương tự. Sau nhiều năm làm hàng túi xách đồ hiệu “nhái” và đĩa DVD rẻ tiền, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang “gặm” dần thị phần của những hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.
Mặc dù mới chỉ xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây, điện thoại di động giả, “nhái” đã chiếm thị phần trên 20% tại thị trường điện thoại di động Trung Quốc. Theo hãng nghiên cứu Gartner của Mỹ, Trung Quốc cũng chính là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, điện thoại “nhái” có nguồn gốc Trung Quốc còn được xuất khẩu sang Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu, và thậm chí cả thị trường Mỹ. “Thị trường điện thoại giả đang mở rộng quá nhanh chóng. Họ bắt chước Apple, Nokia, và bất kỳ hãng nào mà họ muốn. Họ phản ứng rất nhanh với thị trường”, nhà phân tích cao cấp Wang Jiping tại công ty nghiên cứu các xu hướng công nghệ IDC, nhận xét.
Cuộc chiến chống điện thoại “nhái”
Lo ngại về tốc độ tăng trưởng như vũ bão của các loại điện thoại giả, “nhái”, các thương hiệu điện thoại lớn đang thúc giục Chính phủ Trung Quốc tìm biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, họ cũng cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro có thể xảy ra với sức khỏe khi sử dụng những loại điện thoại này, chẳng hạn, loại pin rẻ tiền trong điện thoại “nhái” có thể nổ bất kỳ lúc nào.
Hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia cho biết, hãng này đang hợp tác với Bắc Kinh để chống lại sự lan tràn của điện thoại “nhái”. Motorola cho hay, họ cũng đang hành động tương tự, trong khi Apple từ chối bình luận.
Thậm chí các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc cũng đang mất dần thị phần vào tay những công ty “ngầm” vốn có lợi thế chi phí vì trốn được các loại thuế và phí. “Chúng tôi đang hứng chịu tác động nghiêm trọng từ các loại điện thoại giả. Các nhà sản xuất điện thoại hợp pháp phải nộp thuế giá trị gia tăng 17%, trong khi các công ty làm hàng giả trốn được khoản này”, ông Chen Zhao, Giám đốc bán hàng tại hãng điện thoại di động Konka của Trung Quốc, cho hay.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, các nhà chức trách Trung Quốc chưa làm được gì nhiều để ngăn chặn sự lan tràn của các loại “dế” giả. Những sản phẩm “chợ đen” này thậm chí còn được quảng cáo trên các chương trình quảng cáo truyền hình đêm khuya với những lời mời chào như “giá bằng 1/5, chức năng và bề ngoài y chang…” hoặc “mua shanzhai để chứng tỏ lòng yêu nước của bạn” (shanzhai là tiếng Trung Quốc để gọi hàng “nhái” nói chung, trong đó có điện thoại di động giả).
Tháng trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã cảnh báo người tiêu dùng về sự nguy hiểm của các sản phẩm điện thoại giả với mức độ bức xạ vượt quá giới hạn cho phép. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Trung Quốc cho biết, điện thoại giả là mặt hàng nhận được nhiều sự phàn nàn nhất từ phía người tiêu dùng trong năm 2008. Báo chí Trung Quốc đưa tin, cách đây vài tuần, một người đàn ông 45 tuổi ở miền Nam Trung Quốc đã bị bỏng nặng sau khi chiếc điện thoại mà ông này sử dụng phát nổ trong túi áo sơ mi.
Tính sáng tạo của các công ty Trung Quốc
Tuy nhiên, điều này có vẻ như chẳng ảnh hưởng gì tới doanh số thị trường điện thoại di động “chợ đen”, nơi mỗi chiếc điện thoại di động có giá bình quân từ 100-150 USD. Với mức giá hời này, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có được một chiếc điện thoại sành điệu.
“Tôi đã xem chiếc iPhone trên mạng. Trông thích thật đấy, nhưng giá lên tới tận 500 USD. Quá đắt! Thế là tôi quyết định tậu một chiếc iPhone “nhái”. Tôi mua ngay tại chợ đồ điện tử ở đây. Trông nó đúng như thật ấy!”, anh Yang Guibin, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Trùng Khánh, kể lại.
Một số chuyên gia cho hay, họ tin rằng làn sóng điện thoại giả, “nhái” là biểu hiện của tính sáng tạo kiểu Trung Quốc. “Trên thực tế, những công ty nhỏ của Trung Quốc có tính sáng tạo rất cao. Họ hình thành chuỗi cung cấp và phản ứng nhanh chóng tới những xu hướng mới mà chẳng cần tới quá nhiều công nghệ”, Giáo sự Yu Zhou thuộc Đại học Vassar ở
Mặc dù những chiếc điện thoại “nhái” có vẻ bề ngoài y hệt những chiếc điện thoại thật của các thương hiệu nổi tiếng, các công ty sản xuất hàng giả của Trung Quốc cũng bổ sung thêm những tính năng đặc biệt như màn hình rộng hơn, chế độ 2 thẻ SIM, thậm chí cả ống kính telescopic cho camera của điện thoại…
Tất cả những sáng tạo này đều là sản phẩm của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại giả, “nhái” của Trung Quốc. Trong khi đó, đây lại là một lĩnh vực mới chỉ bắt đầu manh nha vào năm 2005, sau khi công ty bán dẫn Mediatek của Đài Loan giúp làm giảm đáng kể chi phí và tính chất phức tạp của việc sản xuất điện thoại di động.
Sử dụng giải pháp mà các chuyên gia gọi là giải pháp chìa khóa trao tay, Mediatek đã phát triển một bảng mạch có thể tích hợp những chức năng của nhiều con chip mà không cần nhiều chi phí, giúp các công ty nhỏ có cơ sở để cho ra lò những chiếc điện thoại di động giá “bèo”.
Dễ như làm điện thoại “nhái”
Ngành sản xuất điện thoại giả, “nhái” tiếp tục được tiếp sức vào năm 2007 khi các nhà quản lý Trung Quốc tuyên bố, các công ty muốn sản xuất điện thoại di động không còn cần phải có giấy phép nữa.
Quy định này đã châm ngòi cho một làn sóng ra đời của các loại điện thoại giả, “nhái” ở Trung Quốc. Các công ty nhỏ chỉ cần mua chip đã có sẵn phần mềm của Mediatek, sau đó tìm kiếm nguồn linh kiện và thuê một nhà máy lắp ráp. Chiến lược marketing cũng hết sức đơn giản: Các mẫu thiết kế và tên sản phẩm được copy tương tự hoặc bắt chước của các thương hiệu lớn, chẳng hạn Sumsung hoặc Nckia…
Các nhà sản xuất cho hay, xâm nhập vào chuỗi cung cấp của các thương hiệu lớn cũng chẳng phải là việc khó. “Nhiều nhà máy thường sản xuất ca đêm cho các công ty khác. Chẳng ai từ chối một đơn đặt hàng trên 5.000 chiếc điện thoại di động cả”, ông Zhang Haizhen, người cách đây chưa lâu còn điều hành một công ty điện thoại giả, nhái ở Thâm Quyến, cho hay.
Những người cùng giới với ông Zhang cũng thú nhận, đây là một lĩnh vực kinh doanh ngầm. “Chúng tôi là một dạng nhà sản xuất bất hợp pháp. Tại Thâm Quyến, có nhiều nhà máy nhỏ ngấm ngầm tồn tại. Về cơ bản, chúng tôi có thể sản xuất bất kỳ loại điện thoại nào”, ông Zhang Feiyang, chủ công ty sản xuất iPhone “nhái” có tên Yuanyang, nói.
Các nhà phân tích cho hay, cuộc đua với hàng “nhái”, giả đang buộc các “đại gia” điện thoại di động phải hạ giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, những thương hiệu điện thoại mới của Trung Quốc cũng đang nổi lên, như Meizu - một thương hiệu được xem là “Apple mới”, với những gian hàng rất sành điệu đã mọc lên.
“Điện thoại của chúng tôi còn tốt hơn cả iPhone ấy chứ. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một chiếc điện thoại khiến người Trung Quốc phải tự hào”, ông Liu Zeyu, một nhân viên bán hàng của Meizu ở Thâm Quyến, hồ hởi nói.