Trao giải thưởng Trí tuệ Việt Nam 2001
Trong cuộc thi này chưa xuất hiện thật nhiều ý tưởng sáng tạo, đây là tiêu chí hàng đầu của cuộc thi và điều quan trọng là các tác giả nữ hầu như vắng bóng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bạch Hưng Khang đọc diễn văn trước khi tên các thí sinh đoạt giải Trí tuệ Việt Nam 2001 được công bố hôm qua.
Lễ trao giải thưởng cuộc thi, kéo dài hơn 90 phút, đã được VTV3 truyền hình trực tiếp tối qua từ trường quay. Các phán quyết của Hội đồng giám khảo được giữ kín đến phút chót trong các phong bì, trước khi được mở ra công bố, vì vậy đã tạo ra khá nhiều cảm xúc cho người được giải, và hấp dẫn cho người xem.
11 sản phẩm của cá nhân và tập thể đã được lựa chọn từ 144 bài dự thi từ trong và ngoài nước. Giải nhất được trao cho Vương Vũ Thắng với Hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến được áp dụng trên trang TTVNOnline.com. Hệ thống được phát triển với mong muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh và bổ ích cho thanh niên Việt Nam, nơi người ta không chỉ đọc tin một cách thụ động, mà có thể chủ động gặp gỡ, trao đổi, học tập và tham gia nhiều hoạt động khác với hàng nghìn người thông qua mạng Internet toàn cầu, như một cộng đồng ảo.
Trao đổi với phóng viên VnExpress, Vương Vũ Thắng cho biết sẽ phát triển mạng thông tin này theo hướng có chuyên môn, tức là có ích cho sự học tập, để phục vụ một cộng đồng gồm hơn 6.000 thành viên tại 26 nước. Thắng không có ý định thương mại hóa mạng thông tin này.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bạch Hưng Khang. |
Theo ông Bạch Hưng Khang, TTVNOnline 2001 giành được vương vị là nhờ tính thực tiễn của nó, được nhiều người sử dụng, và công nghệ cao, phần nào đấy có ý tưởng. Khi đề cập đến yếu tố sáng tạo của sản phẩm này, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho VnExpress biết: Thực ra tính sáng tạo của TTVN Online không nhiều lắm. Bởi vì ý tưởng đó đã có trên thế giới, và ở Việt Nam cũng đã có một số nơi làm rồi.
Thành công của cộng đồng mạng hoạt động sôi nổi này chủ yếu là sự tham gia không mệt mỏi của Vương Vũ Thắng và các thành viên. Khởi đầu chỉ là một trang web, ra đời cách đây một năm, cho phép hỏi đáp dưới dạng diễn đàn, giờ đây nhóm tác giả TTVN Online đã bổ sung những tính năng mới như thư điện tử, hội thoại, thông điệp tức thời, trình duyệt, trình đọc tin. Công nghệ được áp dụng để xây dựng cộng đồng này là công nghệ giao tiếp không đồng bộ và công nghệ giao tiếp đồng bộ. Ngoài ra, TTVN Online còn có những tính năng tiên phong như phông chữ, bộ gõ.
Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu phần mềm của FPT, ông Nguyễn Thành Nam, cho rằng yếu tố giúp TTVNOnline chiếm được sự ủng hộ của Ban giám khảo là nhờ tính táo bạo. "Khi TTVN của FPT ngừng hoạt động, Thắng đã dám làm một mạng mà phải có công sức của cả công ty mới làm được và TTVN trước đây có điểm yếu là không kết nối Internet. Vương Vũ Thắng đã giải quyết vấn đề đó một cách khá trọn vẹn, ông Nam nhận xét.
Điểm dễ nhận thấy là phần lớn các sản phẩm đoạt giải đều sử dụng các công nghệ mạng, phát triển trên Internet hay Intranet. Hai giải nhì thuộc về sản phẩm máy CNC 3D mini của thí sinh Lê Văn Kiên và Chợ bất động sản ảo của nhóm nghiên cứu ứng dụng Agent. Ba giải ba gồm EasyCalc của Phạm Hoài Việt; Website Sea Games 2003 của nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Nguyễn Tất Đắc, Trần Chí Hiếu, Đỗ Quang Tiến; VietKar của Phùng Tiến Công. 5 giải khuyến khích trao cho sản phẩm Cafe Internet, Visa.NET, CDROM xây dựng lịch sử các triều đại Việt Nam, Smart Scheduler, Hệ thống Sniffer.
Ngoài ra, ban giám khảo còn trao Giải Nghị lực cho thí sinh Phan Anh Dũng (bị câm, điếc) với Từ điển vi dữ liệu Hán - Việt; và Giải Ấn tượng thuộc về Phạm Tuấn Anh, sinh viên tại Australia, với SMS Voting System.
Kết thúc TTVN 2001 cũng là thời điểm Ban tổ chức, gồm FPT, VTV3 và báo Lao Động, chính thức phát động cuộc thi TTVN 2002 với hy vọng các sản phẩm dự thi sẽ xứng đáng hơn với tên gọi của cuộc thi, như lời ông Bạch Hưng Khang
Phạm Huyền - Văn Bình
Ảnh: Xuân Thu