Trị thủy sông Mekong: Ý tưởng táo bạo chưa được chấp nhận
Không giải quyết được vấn đề lũ lụt cho vùng ĐBSCL và không có tính khả thi, đó là ý kiến chung của các chuyên gia thủy lợi, phòng chống lũ lụt tại cuộc tọa đàm hôm 5/7, do Bộ KHCNMT tổ chức, nhằm thảo luận về ý tưởng khổng lồ Khơi dòng Mekong vượt Trường Sơn đổ ra biển Đông của TS Phạm Văn Quang.
Cho đến nay, những giải pháp phòng chống lũ lụt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đoạn cuối của sông Mekong) mới chỉ có tính cục bộ và liên quan đến phần chót của lưu vực. Theo tiến sĩ Quang, cần phải có cái nhìn tổng thể và có giải pháp toàn cục hơn. Đề nghị của ông là: bắt chước thiên nhiên, tổ chức "cướp dòng" sông Sêbănghiêng (một nhánh lớn đổ vào sông Mekong ở Lào), cho nó chảy ngược từ Lào sang sông Quảng Trị, để đổ ra biển Đông. Theo cách này, có thể giảm được lượng lớn nước trong mùa lũ cho sông Mekong.
Bắt nguồn từ Trung Quốc, sông Mekong chảy qua Miama và đổ vào Lào. Từ đây, nó chảy trong lưu vực có đường phân thủy phía đông là dãy Trường Sơn. Khảo sát thực tế cho thấy, do những đứt gãy ngang mà bức tường đồ sộ Trường Sơn có những đoạn thấp trũng hẳn xuống. Đoạn Quảng Trị, ngang qua Làng Troại, chính là một nơi như thế. Tại đây, phía tây Trường Sơn có dòng Sêbănghiêng đưa nước đổ về sông Mekong trên đất Lào. Còn phía đông Trường Sơn, dòng Rào Quán mang nước đổ về qua sông Quảng Trị ra biển Cửa Việt.
Trong tự nhiên đã từng xảy ra hiện tượng địa chất gọi là cướp dòng, khi chỗ đường phân thủy giữa hai con sông bị xói mòn xuống thấp. Sêbănghiêng đã từng cướp dòng Sêbăngphai. Vậy thì, theo đề xuất của tiến sĩ Quang, ta chỉ việc cho dòng Sêbănghiêng chảy ngược từ nguồn Mekong đổ sang sông Quảng Trị. Muốn vậy, có thể ngăn đập ở cửa sông Sêbănghiêng tạo thành một hồ nước cao khoảng 50 mét làm cho mực nước dâng lên. Tại đó sẽ xây dựng một nhà máy thủy điện lớn của Lào. Về phía nước ta chỉ cần phải đào một đoạn sông dài chưa tới 14 km từ Làng Troại đến gần cửa sông Rào Quán. Tại đây, cũng xây dựng được một nhà máy thủy điện nữa. Sau đó, nước sẽ đổ vào sông Quảng Trị ra biển Đông.
Tuy đề xuất là một giải pháp trị thủy, nhưng tiến sĩ Quang cũng đã xem xét đến tính liên ngành và các hiệu quả kinh tế - xã hội mà nó đem lại. Đó là, một mặt, nó trực tiếp xả bớt từ 1/4 đến 1/3 lượng nước khi mùa lũ đến. Mặt khác, trong mùa khô, nước chứa trong hồ sẽ cung cấp cho vùng hạ lưu khô hạn, điều hòa nước cho cả vùng Tôn Lê Sáp, Campuchia và đồng bằng Nam bộ nước ta. Vùng đồng bằng khô cằn ven biển Bắc Trung Bộ sẽ có nước để cải tạo thành màu mỡ.
Mối lợi đem lại không chỉ cho Việt Nam mà bốn nước hạ lưu sông Mekong. Thái Lan và Lào sẽ có đường sông thông ra biển Đông. Riêng Lào là nước nội địa không có biển có thể sử dụng hải cảng ở Cửa Việt. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện trên sông Mekong và Khe Sanh còn cung cấp một lượng điện năng không nhỏ. Giải pháp này được thực hiện sẽ làm sống động một vùng kinh tế trù phú của cả vùng Trung Đông Dương. Cho nên ông Quang dự kiến sẽ đặt tên con sông đào dự kiến là sông đào Đông Dương.
Tuy đề xuất táo bạo này bị các nhà chuyên môn về thủy lợi và phòng chống lũ lụt không đồng tình, nhưng một số nhà khoa học khác lại cho rằng giải pháp này là có cơ sở khoa học và có tính khả thi.
Tiến sĩ Vũ Cao Minh cho biết, thoạt nghe ý tưởng này, ông cho rằng đầy tính ảo tưởng, nhưng sau khi đọc kỹ và được nghe tác giả trình bày cặn kẽ, ông đã hoàn toàn bị thuyết phục. Ngoài một số chi tiết cụ thể, nhiều người cho rằng với khả năng kỹ thuật và công nghệ hiện nay, việc xây đập, tạo hồ, đào sông hoặc đào dòng chảy ngầm đều có thể thực hiện được. Tất nhiên ở đây chưa bàn đến khía cạnh tài chính. Các nhận xét phản biện của GS-TS Võ Năng Lạc, kỹ sư Hoàng Khắc Bá đều cho rằng đề xuất của các giả là có tính khả thi. Nhiều người đề nghị xem xét để ý tưởng này trở thành một đề tài nghiên cứu cấp Nhà Nước, bởi vì khối lượng công việc đồ sộ như thế đòi hỏi có sự góp sức của nhiều người.
Tuy nhiên, đó lại không phải là vấn đề gay cấn nhất. Có ý kiến cho rằng, tính khả thi phụ thuộc vào yếu tố chính trị. Hệ thống sông Mekong chảy qua 6 nước, trong đó có 4 nước ở hạ nguồn. Tất cả các nước đều phải thực hiện quy chế chung về sử dụng và chuyển nước. Việc chuyển nước chỉ được phép tiến hành với lượng nước thừa và không phương hại tới một quốc gia khác. Trong ý tưởng này, để có sự đồng thuận của các nước là điều không hề dễ dàng.
Theo Khoa học và Đời sống