Vườn ươm những ý tưởng thành hiện thực
Hôm qua, Trung tâm công nghệ phần mềm ĐHQG (UniSoft) đã tổ chức hội thảo giới thiệu "Vườn ươm công nghệ thông tin" và chương trình đào tạo phát triển phần mềm. Đại học Quốc gia TP HCM sẽ quản lý Vườn ươm này.
Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Giám đốc UniSoft, cho biết đây là loại hình phi lợi nhuận, phục vụ phát triển công nghệ thông tin (CNTT) theo các chương trình của thành phố và Chính phủ. Đối tượng của Vườn ươm là những người bắt đầu tham gia vào lĩnh vực CNTT, có ý tưởng nhưng gặp khó khăn trong áp dụng thực tế.
Vườn ươm sẽ là nơi tạo ra các công ty phần mềm trẻ, thu hút nguồn nhân lực của lĩnh vực này đã được đào tạo từ các trường đại học, thực hiện chiến lược phát triển CNTT của Nhà nước; cung cấp và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tài chính, tìm đầu ra cho doanh nghiệp phần mềm mới hình thành.
Thời hạn hoạt động của mỗi dự án chia thành hai loại: ngắn hạn (từ 6 tháng đến 2 năm) và trung hạn (từ 2 đến 5 năm). Tuy nhiên, các công ty có thể kết thúc dự án sớm hơn thời hạn nếu cảm thấy mình đã thành công và phát triển độc lập.
Theo ông Minh, chi phí tham gia Vườn ươm hằng tháng là 80-100 USD. UniSoft ưu tiên giảm 50% chi phí mỗi tháng cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM. Còn các doanh nghiệp phần mềm mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư, các tổ chức, cá nhân khác có những dự án nghiên cứu phát triển CNTT cũng sẽ được UniSoft hỗ trợ 50% chi phí hằng tháng bằng hình thức cho vay, cùng góp vốn hoặc chia lợi nhuận đầu ra.
Trên thế giới, mô hình Vườn ươm đã được sử dụng rộng rãi từ 25 năm nay, nhằm cung cấp cho các nhà doanh nghiệp kiến thức về chuyên môn nghề nghiệp, mạng lưới và những công cụ cần thiết để thực hiện ý tưởng kinh doanh của họ thành công. Những chương trình của Vườn ươm giúp thương mại hóa các công nghệ, tạo việc làm và xây dựng sự phồn vinh cho đất nước. Theo Hiệp hội tạo dựng doanh nghiệp quốc gia (NBIA), hiện nay có khoảng 2.000-3.000 Vườn ươm trên toàn thế giới, riêng ở Mỹ đã có từ 600 đến 750.
V.T.