Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

6 sự kiện khoa học năm 2002

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:22
gửi bởi Zelda

Cú sốc lớn nhất là tuyên bố tạo ra bản sao người, một ý tưởng nếu thành sự thật sẽ đẩy thế giới vào trạng thái bất an vĩnh viễn. Kế đến là vụ lừa đảo ngoạn mục của nhà vật lý Đức và thí nghiệm di dời vật thể trong nháy mắt... Đó là các sự kiện nổi bật theo đánh giá của VnExpress.

1. Tuyên bố tạo ra em bé nhân bản

Bác sĩ Antinori.

Bác sĩ người Italy Severino Antinori đã làm dấy lên những làn sóng phản đối trong giới khoa học khi ông lần lượt tung ra các tuyên bố liên quan tới việc nhân bản người. Ngày 6/4, Antinori khẳng định đã có một phụ nữ mang thai nhân bản. Ngày 24/4, con số này được nâng lên thành 3. Tháng 7, vị bác sĩ Italy tuyên bố bản sao người đầu tiên sẽ ra mắt cuối năm nay. Tuy nhiên, ngay sát trước thời hạn này, ngày 27/11, Antinori cho biết ca sinh nở sẽ lùi tới tháng 1/2003. Đồng thời, ông cũng thông báo về hai thai nhân bản khác 27 và 28 tuần tuổi. Trong khi đó, ngày 20/12, giáo phái Rael ở Canada khẳng định họ còn đi xa hơn thế, và em bé nhân bản đầu tiên có thể xuất hiện trong năm nay. Bốn "sản phẩm người" khác của giáo phái này cũng sẽ ra đời vào cuối tháng 2/2003. Như vậy, nếu đúng theo lời của hai nhóm nghiên cứu, thì không lâu nữa, thế giới sẽ có 8 sinh mạng ra đời trái với quy luật tự nhiên, chỉ là bản sao của bố hoặc mẹ.

Tuy nhiên, tấm gương của vô số động vật nhân bản bị quái thai hay dị tật đã khiến các chuyên gia sinh học không khỏi lo ngại trước những hậu quả khó lường của liệu pháp này. Lần lượt những nước lớn như Mỹ, Anh, Canada, Nga đã cấm tuyệt đối (hoặc trong một thời hạn) việc tạo ra người bằng phương pháp sinh sản vô tính. Nhiều nước khác cũng đang rậm rịch ra luật để ngăn chặn làn sóng nhân bản này.

2. Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử khoa học

Schoen: "Tất cả đều là bịa đặt, từ quy trình tới các con số".

Chỉ là sinh viên loại khá ở Đại học Konstanz (Đức), một cơ may tình cờ đã đẩy Hendrik Schoen sang làm việc tại phòng thí nghiệm Bell (Mỹ), vốn là niềm mơ ước các nhà vật lý hàng đầu thế giới. Từ giữa năm 2001, cứ vài tuần Schoen lại công bố một "phát minh" mới. Anh ta đi hết đột phá này đến đột phá khác: Sau "laser hữu cơ" là "chất siêu dẫn ở nhiệt độ cao", rồi đến "bóng bán dẫn kích cỡ phân tử" Tổng cộng, Schoen đã bịa ra số liệu trong 16 nghiên cứu về khả năng dẫn điện của chất hữu cơ, vốn được đánh giá là các công trình mở đường cho hàng loạt sản phẩm công nghệ mũi nhọn. Thậm chí, anh ta còn được xem là ứng cử viên sáng giá của giải Nobel, và được Hội khoa học Max-Planck của Đức mời làm chủ tịch Viện vật lý chất rắn ở Stuttgart - vị trí mà không một nhà khoa học độ tuổi 30 nào dám mơ tới (nhưng Schoen đã khôn ngoan lần khất).

Tuy nhiên, "chiếc kim trong bọc" lâu ngày cũng lòi ra. Trong một lần lơ đãng, Schoen đã mắc phải một sai lầm chết người: sử dụng cùng một đồ thị, với hai chú thích không liên quan gì tới nhau, cho hai bài báo đăng trên Nature và Science. Trước mắt các nhà điều tra, Schoen đã không thể lặp lại được các thí nghiệm như mô tả. Nhà vật lý thiên tài cuối cùng đã phải ra đứng đường.

3. Đột phá trong vật lý lượng tử: Chuyển thông tin tức thời

Thí nghiệm chuyển ánh sáng tức thời tại Đại học Quốc gia Australia.

Lần đầu tiên, việc chuyên chở tức thời qua không gian xa cách - một khái niệm viễn tưởng xưa nay - đã được nhà vật lý Australia Ping Koy Lam và cộng sự thực hiện thành công trong phòng thí nghiệm. Đúng vào lúc một chùm laser chứa những dữ liệu thông tin nhất định bị hủy tại một vị trí, nhóm của Lam đã tạo ra một chùm laser khác, giống hệt như thế, tại một điểm cách vị trí cũ 1 mét. Thí nghiệm này thực chất đã khai thác một hiện tượng vật lý được biết đến từ lâu, đó là hiện tượng "vướng lượng tử", trong đó hai quang tử (photon) được tạo ra cùng lúc có liên hệ rất kỳ lạ với nhau. Cũng có thể hiểu đó là một photon cùng lúc tồn tại ở hai vị trí khác nhau mà giác quan thông thường của chúng ta coi là hai hạt khác nhau. Thí nghiệm của Lam gây chấn động thế giới, vì nó mở ra một nguyên lý truyền tin hoàn toàn mới, cho phép chúng ta hy vọng rằng một ngày không xa, một vật rắn có thể được vận chuyển tức thời qua những khoảng cách lớn.

4. Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương

Đội Việt Nam giành chiến thắng trước Trung Quốc.

Ngày 31/8, tin vui từ đất nước mặt trời mọc bay về làm xôn xao các học sinh, sinh viên và những người yêu khoa học Việt Nam. Lần đầu tiên, tuổi trẻ Việt Nam đạt thành tựu cao nhất trong một cuộc thi kỹ thuật, sau các giải về toán và vật lý quốc tế. Chú gà còi Vibot của đội Telematic TP HCM đã vượt qua 19 thí sinh khác - trong đó có những đối thủ được xem là nặng ký của Australia, Trung Quốc và Nhật Bản - giành chiến thắng ấn tượng tại cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương 2002. Thành công rực rỡ này đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào sáng tạo robot trong sinh viên các trường đại học, thậm chí trong các trường trung học cơ sở, và là động lực cho các bạn trẻ tiếp tục tham gia vào cuộc thi sáng tạo robot năm 2003.

5. Ghép nội tạng lợn cho người mà không bị đào thải

Những con lợn đầu tiên trên thế giới có nội tạng ghép được cho người.

Với tuyên bố tạo ra một giống lợn biến đổi gene, có nội tạng dễ được cơ thể người chấp nhận, Công ty PPL Therapeutics (Scotland) đã mở ra triển vọng giải quyết được tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép lâu nay. Lợn vẫn thường được xem loài vật thay thế tốt nhất cho người, vì các bộ phận của chúng có kích cỡ tương đương. Tuy nhiên, cho đến trước công trình này, các ca cấy ghép kiểu như vậy rất hiếm khi thành công, do nội tạng lợn sớm bị hệ miễn dịch của người đào thải. PPL Therapeutics đã đột phá theo một cách mới, bằng việc loại bỏ cả hai đoạn gene gây ra phản ứng đào thải trên. Công trình được xem như một bước ngoặt trong lĩnh vực nhân bản lợn.

6. Khám phá chấn động về chiếc bản đồ thiên văn cổ ở Đức

Chiếc bản đồ thiên văn cổ.

Được đánh giá ngang tầm như phát hiện về người băng Oetzi hay kim tự tháp, chiếc đĩa đồng khắc biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được tìm thấy ở Nebra, miền đông nước Đức, đã đẩy lịch sử hiểu biết vũ trụ của loài người về thời kỳ xa xưa hơn nữa - ở thời điểm cách đây 3.600 năm. Trên đĩa là 37 biểu tượng của thế giới không cùng ngoài trái đất, với 1 mặt trời, 2 mặt trăng, 2 vòng cung chỉ ranh giới vũ trụ và 32 ngôi sao. Phát hiện về chiếc đĩa này cũng khiến các nhà khoa học phải xem xét lại danh hiệu những nhà thiên văn cổ nhất, vốn được dành cho người Ai Cập. Rất có thể, người German xưa còn vượt xa hơn cả nền văn minh sông Nile trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn.

Bích Hạnh

Sưu tầm từ vnexpress