Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Những phát hiện về vạn vật và con người (phần 72)

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:24
gửi bởi Inviblesi

Ý tưởng cách mạng của Copernic là trái đất tự chuyển động. Nếu trái đất quay quanh mặt trời, thì mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ, chứ không phải trái đất. Nếu mặt trời là trung tâm của vũ trụ chứ không phải trái đất, thì toàn thể hệ thống của bầu trời sẽ trở nên đơn giản hơn ngay lập tức.

Mục đích của Copernic không phải là sáng chế ra một hệ thống vật lý mới, lại càng không phải sáng chế ra một phương pháp khoa học mới. Ông chỉ muốn sửa lại một phần của hệ thống Ptolêmê, còn tất cả những lý thuyết lớn khác của hệ thống ấy ông không đụng tới. Ông vẫn theo lý thuyết về các hình cầu, là trọng tâm của hệ thống và tránh đụng đến những vấn đề tranh cãi về các thiên thể hình cầu và thực hay tưởng tượng. Ông không khẳng định những quả cầu (orbes) mà những hành tinh và trái đất quay trong đó chỉ là những đường hình học tưởng tượng dùng để mô tả chuyển động của chúng, hay chúng là những quả cầu thật được cấu tạo bởi chất khí ê-te. Ông chỉ đơn giản sử dụng từ quả cầu theo khái niệm truyền thống trong hệ thống của mình. Tựa đề của tác phẩm tột đỉnh của ông, De Revolutionibus Orbium Caelestium, không ám chỉ những hành tinh, mà muốn nói Về những chuyển động quay của những thiên thể hình cầu. Về một vấn đề chủ chốt khác, vũ trụ có giới hạn hay vô hạn, Copernic lại một lần nữa không muốn xác định lập trường của mình. Ông để vấn đề này lại cho các nhà triết học thiên nhiên tranh luận.

Giống như Colômbô đã dựa vào Ptolêmê và những tác giả cổ khác mà ông cho rằng đã không đủ dũng cảm để đi cho tới cùng, Copernic cũng dựa vào những tác giả thời cổ. Trên hết là phái Pythagoras với lý thuyết quan trọng về nhận thức. Theo phái Pythagoras, tri thức thuần túy là sự thanh tẩy (catharis) tâm hồn. Nghĩa là vươn lên khỏi bình diện những dữ kiện của giác quan con người. Thực tại bản thể thuần túy chỉ có trong thế giới các con số. Sự cân đối đơn sơ và kỳ diệu của các con số cắt nghĩa cho sự hòa điệu của âm nhạc làm cho ta thấy khoái tai. Chính vì lý do đó họ đã sáng tạo ra các thuật ngữ âm nhạc như quãng tám, quãng năm, quãng bốn, được diễn ra bằng 2:1, 3:1 và 4:3.

Về thiên văn, có thể nói phái Pythagoras tôn thời các con số. Trong cuốn Siêu hình của mình, Aristote đã tóm tắt lý thuyết của họ như sau, Họ nói bản chất các sự vật là các con số và không coi các hình và các đồ vật khả giác là đối tượng của toán học. Vào thời Copernic, các nhà Pythagoras vẫn còn tin rằng cách duy nhất để biết chân lý là nhờ toán học.

Một nguồn tri thức phong phú khác Copernic dựa vào là Plato và phái Tân Plato. Tuy Copernic vô tình sẽ trở thành nhà tiên tri cho niềm tin tuyệt đối của khoa học vào các giác quan, nhưng người đỡ đầu của ông lại là Plato, người tin rằng mọi dữ kiện của cảm giác chỉ là những cái bóng không có chất thể. Thế giới thực của Plato là thế giới các hình tượng của trí óc và theo quan điểm này thì hình học thực hơn là vật lý. Trên cổng vào Trường Học của Plato có treo tấm bảng ghi rõ: Ai không biết hình học xin miễn vào cửa nhà tôi.

Thời Phục Hưng mà Copernic sống cũng là thời mà phái Tân Plato tái sinh. Họ lại tiếp tục cuộc chiến chống lại tinh thần khô khan cứng nhắc của triết lý kinh viện mà sư tổ là Aristote với phương pháp nhận thức dựa vào kinh nghiệm giác quan. Chống lại tinh thần này, các triết gia Tân Plato đề cao thi văn và trí tưởng tượng bay bổng. Khi Copernic học ở Bologna, giáo sư của ông là Domenico Maria de Novara, một triết gia Tân Plato rất mãnh liệt trong việc đã kích hệ thống Ptolêmê. Rõ ràng các nhà thiên văn đã bỏ quên sức lôi cuốn cốt yếu của các con số để áp dụng vào các thiên thể.

Trong Lời tựa cho tác phẩm De Revolutionibus của mình, ông đã nói tiếng nói của thầy mình và tuyên bố thẳng thừng ông thuộc phái Tân Plato. Ông cho rằng hệ thống Ptolêmê dùng để cắt nghĩa chuyển động của hành tinh đòi phải giả thiết rất nhiều điều vi phạm nguyên lý đệ nhất là tính đồng đều của chuyển động. Mà họ cũng không phận biệt hay kết luận được điều chính yếu của hệ thống - đó là hình thù của vũ trụ và tính chất đối xứng không đổi của các thành phần của vũ trụ. Cuối cùng Copernic tin rằng hệ thống của mình thực sự phù hợp hơn với bản chất của vũ trụ và vì thế hệ thống của ông tốt hơn hệ thống cũ coi trái đất là trung tâm. Ông tin mình đang mô tả chân lý hiện có của một vũ trụ bản chất là toán học.

Chuyển động của các thiên thể phải là những đường tròn hoàn hảo. Vào thời Copernic, thiên văn học vẫn còn là một ngành của toán học - khoa hình học về vũ trụ, theo lời của E.A. Burtt. Theo lý thuyết của Pythagoras và của phái Tân Plato, điều này có những cập lụy đối với chính toán học, được coi không như một khoa học diễn dịch về cấu trúc trừu tượng, mà là một khoa học mô tả thế giới hiện thực. Phải mất khá lâu người ta mới thay đổi được quan niệm này. Đồng thời việc lẫn lộn hai khoa học này cũng có ích, vì nó lôi cuốn những nhà thiên văn và những nhà khoa học khác tiến tới ngưỡng cửa của khoa học cận đại.

Copernic đã đạt được một mức uy tín và có một số tiền đề hấp dẫn, nhưng ông vẫn chưa tìm ra được chứng cớ để bảo vệ cho lý thuyết của mình. Trong vấn đề này, ông cũng giống như Colômbô, là người đã nghĩ nên hết sức thử mở đường phía tây sang vùng Indies, mặc dù ông vẫn chưa có bằng chứng cụ thể và mặc dù ông biết Gama đã thành công bằng con đường phía đông. Cũng thế, hệ thống Ptolêmê trong nhiều thế kỷ đã tỏ ra là một loại lịch hữu ích. Còn hệ thống mà Copernic bây giờ đề xuất, mặc dù rất hấp dẫn về thẩm mỹ học, nhưng cũng không phù hợp với những sự kiện quan sát được. Ngoài ra, ông cũng không tính toán trước được vị trí của những hành tinh một cách có cơ sở chính xác như hệ thống của Ptolêmê.

Copernic đã tin tưởng ở những đề xuất của mình tới mức nào? Ông có nghĩ mình đã dứt khoát giải quyết xong những vấn đề nòng cốt của khoa thiên văn không? Hay ông chỉ thử đưa ra những đề xuất để cho những người khác triển khai? Có vẻ như ấn bản đầu tiên của tác phẩm chủ yếu của Copernic, De Revolutionibus (1543) đã trả lời không chút nghi ngờ cho câu hỏi này.

Vì những giả thuyết mới lạ trong tác phẩm này đã được phổ biến rộng rãi, tôi tin là có một số nhà trí thức cảm thấy bị xúc phạm vì quyển sách tuyên bố trái đất quay và mặt trời đứng yên ở trung tâm vũ trụ; hẳn là những nhà trí thức này tin rằng không thể nào làm lẫn lộn những khoa học nhân văn đã được thiết lập trên cơ sở vững vàng từ xưa đến nay. Nhưng nếu họ muốn nghiên cứu sát vấn đề hơn, họ sẽ thấy rằng tác giả của tác phẩm này không làm điều gì đáng trách cả. Bởi vì nhiệm vụ của nhà thiên văn là ghi lại lịch sử của chuyển động của thiên thể bằng sự quan sát cẩn thận và tài giỏi. Rồi quay sang nguyên nhân của những chuyển động này hay những giả thuyết về chúng, họ phải có khái niệm và tìm cách lý giải những giả thuyết này như là phương thế giúp tính toán đúng các chuyển động dựa trên các nguyên lý hình học, cho tương lai cũng như quá khứ. Tác giả của quyển sách này đã thực hiện cả hai nhiệm vụ này một cách tuyệt vời. Vì những giả thuyết này không nhất thiết phải đúng hoặc có thể đúng; chỉ cần nó cung cấp dữ liệu để tính toán ăn khớp với những sự kiện quan sát được là đủ rồi... Xét về những giả thuyết trong sách này, xin đừng ai chờ đợi một điều gì chắc chắn ở khoa thiên văn, vì nó không thể làm điều này, kẻo lỡ người ấy sẽ ngộ nhận các ý tưởng chân thật vì một mục đích khác và như thế học xong rồi sẽ lại ngu dốt hơn trước khi học. Tạm biệt.

Sau này người ta mới phát hiện ra rằng, Lời tựa này hoàn toàn không phải do Copernic viết. Để bảo vệ giáo lý chính thống Luthêrô, một người quen của Copernic tên là Andreas Osiander đã bí mật bỏ đi lời tựa của Copernic và thay vào bằng lời tựa do chính mình soạn ra. Nhà bác học vĩ đại Johannes Kepler (1571-1630) đã phát hiện ra sự man trá này và đã lên tiếng bảo vệ Copernic chống lại sự bịa đặt vô lý nhất này của Osiander, sự bịa đặt có thể phá hủy sự chân chính khoa học của Copernic. Kepler đã đính chính cho Copernic, Copernic tin rằng những giả thuyết của mình là đúng, không thua gì những nhà thiên văn xưa kia... Ông không chỉ nghĩ, mà ông còn chứng minh được những giả thiết ấy là đúng... Như thế Copernic đã không phịa ra một chuyện thần thoại, trái lại, ông can đảm phát biểu những điều nghịch lý và đó chính là suy tư triết học, là điều mà một nhà thiên văn học cần phải có.

Copernic mô tả hệ thống của mình như là những giả thuyết. Và trong ngôn ngữ của Thời đại Ptolêmê, giả thuyết có ý nghĩa nhiều hơn là khái niệm thực nghiệm. Đúng hơn, đó là nguyên lý hay phát biểu cơ bản mà toàn thể một hệ thống phải dựa vào. Có nghĩa là, theo Copernics, các phát biểu của ông mang hai đặc tính cơ bản. Thứ nhất, chúng phải cứu vãn những hình dáng bên ngoài, nghĩa là các kết luận của chúng phải phù hợp với sự quan sát. Nhưng chỉ phù hợp với những gì mắt thường có thể thấy được thì không đủ. Một đòi hỏi thứ hai là phát biểu khoa học phải phù hợp và khẳng định những ý niệm tiên thiên được chấp nhận như những tiền đề của khoa vật lý. Ví dụ, nó không được đi ngược lại tiền đề cho rằng mọi chuyển động của các thiên thể đều theo đường tròn và mọi chuyển động loại này thì đồng đều. Theo Copernic, tuy hệ thống Ptolêmê rất phù hợp với những gì quan sát được, nhưng nó lại không cắt nghĩa thỏa đáng tính chất đường tròn và đồng đều của các chuyển động thiên thể. Một hệ thống đúng theo tiêu chuẩn của Copernic không những phải thỏa mãn con mắt mà còn phải thỏa mãn trí khôn nữa.

Còn tiếp

Sưu tầm từ vnexpress