Đóng băng người - giải pháp để chinh phục vũ trụ?
Từng có ý tưởng rằng "tại sao chúng ta không thể đưa con người vào một trạng thái ngủ giả chết, và phóng họ lên sao Hỏa, hoặc thậm chí tới một thiên thể ở xa hơn, như Alpha Centauri".
Bỏ qua một bên những lo ngại thực tế kiểu như chúng ta thiếu các phi thuyền có kích cỡ phù hợp và đủ mạnh, trạng thái chết giả cho đến nay vẫn thuộc về lĩnh vực khoa học viễn tưởng chứ chưa phải là thực tế. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt cho những chuyến bay dài ngày, bởi các nhà du hành bất tỉnh có thể được bảo vệ trước những mối đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, và họ không cần đến thức ăn hay giải trí.
Hệ sao gần trái đất nhất, Alpha Centauri, nằm cách chúng ta 4,36 năm ánh sáng. Điều đó có nghĩa là ngay cả nếu chúng ta (bằng cách nào đó) chế ra một loại phi thuyền có thể bay với tốc độ 80.000 km mỗi giây, nó sẽ mất 16 năm để tới đó. Một con tàu đủ lớn để mang theo thức ăn và đồ tiếp tế cho các nhà du hành trong chuyến đi như vậy sẽ cần nhiều nhiêu liệu đến mức không thể có được.
Vậy điều gì ủng hộ ý tưởng táo bạo trên? Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa các dạng ngủ đông lạnh mà các nhà sinh học đang xem xét: dạng ngủ đông và trạng thái chết giả. Trong khi một số nhà nghiên cứu xem xét cả hai lựa chọn này, và đang tìm cách tiếp cận mới để biến ảo tưởng đông lạnh thành sự thật, những khó khăn sinh học cho đến nay vẫn ngăn cản các nhà khoa học áp dụng những trạng thái đó cho người.
Trong hai phương pháp, ngủ đông có thể là một giải pháp khả thi hơn. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế kích hoạt hóa sinh giúp cho macmot và những động vật có vú khác có thể ngủ lịm trong nhiều tháng, với hy vọng tạo ra cơ chế tương tự ở người. Theo đó, họ phải tìm ra cách hạ thân nhiệt của người xuống khoảng 4,4 độ C. Những nhà du hành ngủ đông cũng phải giảm đến mức tối đa hoạt đông trao đổi chất. Tuy nhiên, các tế bào của họ sẽ giải phóng chất thải, tích tụ trong cơ thể và trở thành chất độc chỉ sau vài tháng trong vũ trụ.
Động vật ngủ đông khắc phục trở ngại này bằng cách cứ sau vài tuần chúng lại trở về trạng thái nửa thức. Trong khoảng thời gian đó, thân nhiệt chúng trở lại bình thường, cho phép các tế bào đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Để giúp các nhà du hành khỏi tự đầu độc mình, những nhà hoạch định chuyến bay cần phải bắt chước cơ chế đó.
Trong khi đó, chết giả là trạng thái cơ thể ngừng trao đổi chất ở nhiệt độ dưới độ đóng băng. Về lý thuyết, kỹ thuật này sẽ bảo tồn con người vô hạn, nhưng nó cũng vấp phải một số trở ngại. Cụ thể là hiện tượng đóng băng. "Tất cả các cơ thể sinh học đều mềm và ướt", Gregory Fahy, phó chủ tịch và là trưởng nhóm khoa học tại Công ty 21st Century Medicine, cho biết. "Nếu băng hình thành trong các hệ thống sống, nó có thể bẻ gãy các cấu trúc phân tử và phá vỡ mạch máu".
Để ngăn ngừa quá trình đóng băng nội tạng xảy ra khi cấy ghép, Fahy và cộng sự đã thử pha loãng dịch lỏng của cơ thể với các tác nhân như glycerol, một quá trình tương tự như khi đưa chất chống đóng băng vào bộ tản nhiệt của xe hơi. Tuy nhiên, các tế bào cần nước, vì thế chiến lược của Fahy (đến nay vẫn chưa thành công) phụ thuộc vào việc đánh lừa các tế bào đang khát rằng chúng đã có thừa nước, trong khi thực tế chúng được thả ngập trong chất chống đóng băng sinh học.
Ngay cả nếu vấn đề này được giải quyết, việc hạ thân nhiệt của các nhà du hành có thực sự bảo vệ họ trước những nguy cơ phá hủy tiềm tàng của vũ trụ trong chuyến bay dài? Các bức xạ vũ trụ cường độ cao là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với những người thoát ra khỏi từ trường tự nhiên của trái đất (Trạm Không gian Quốc tế nằm trong ranh giới này, nhưng sao Hỏa thì không). Tuy nhiên, chưa có gì để hy vọng rằng việc đóng băng các mô sẽ làm giảm bớt tác động đó. Đó là chưa kể đến nguy cơ bị teo cơ và loãng xương.
Tuy nhiên, một lợi ích không thể phủ nhận của những chiến lược này là: các nhà du hành đóng băng sẽ không có cơ hội để xuất lộ những trục trặc về hành vi.
B.H. (theo PopularScience)