Einstein đã ăn cắp ý tưởng?
"Einstein không tìm ra phương trình trường hấp dẫn - trái tim của Thuyết tương đối rộng, mà có thể ông sao chép từ người đồng liêu, nhà vật lý David Hilbert", một nhà vật lý lý thuyết tại ĐH Nevada (Las Vegas, Mỹ) vừa công bố bài báo chứng minh điều bất ngờ này.
Albert Einstein, người được xem là cha đẻ của Thuyết tương đối rộng, một trong những thuyết quan trọng nhất của vật lý học. |
Năm 1915, Einstein và David Hilbert làm việc trong cùng một lĩnh vực, phát triển các giả thuyết độc lập song đồng thời với nhau. Mỗi bài báo được chuẩn bị xuất bản trong suốt tháng 11 của năm đó. Cả hai cũng trao đổi với nhau thông tin về nghiên cứu của mình, khiến cho việc xác nhận chính xác thời điểm và chủ nhân của công trình trở nên rất khó khăn.
Mới đây, giáo sư Friedwardt Winterberg, từ Đại học Nevada, đã bác bỏ kết luận trong một bài báo công bố trên Science vào năm 1997, và cho rằng Einstein có khả năng đã sao chép công trình của Hilbert. Ông khẳng định bản chứng minh của Hilbert ở nhà in đã bị can thiệp, và rằng một phần có tính chất quyết định trong công trình đó đã bị cắt xén.
Trong bài viết năm 1997, Corry, Renn và Stachel lập luận rằng Hilbert đã thay đổi bài báo được in ra của mình, trong đó có việc sửa lại dạng của phương trình hấp dẫn sau khi trông thấy kết luận của Einstein.
Nhưng theo Winterberg, điều đó là không thể. Ông phỏng đoán có ai đó đã cố ý cắt xén tài liệu của Hilbert, đặc biệt với mục đích hỗ trợ quyền ưu tiên trong công trình của Einstein. Winterberg đã so sánh đoạn tài liệu bị cắt bỏ với các bài báo đã được xuất bản, và lưu ý rằng vài dạng ký hiệu của riêng Hilbert chỉ được Einstein sử dụng trong một ngày sau đó.
"Phân tích của tôi về bản thuyết trình bị cắt xén của Hilbert không chỉ ra rằng Einstein đã copy từ Hilbert. Nó cho thấy ở cấp độ yếu hơn rằng không thể chứng minh Einstein không thể sao chép của Hilbert. Nhưng nó chứng tỏ Hilbert đã không ăn cắp ý tưởng của Einstein như người ta bóng gió ám chỉ trong bài báo của Corry, Renn và Stachel".
Winterberg kết luận có 3 người xứng đáng được ghi công trong việc phát triển thuyết tương đối rộng, bao gồm: Einstein - với việc nhận ra hình dạng vấn đề; Grossman - đóng góp những hiểu biết sâu sắc rằng sức căng co rút Riemann là chìa khoá để giải quyết bài toán, và Hilber với thành tựu hoàn thiện các phương trình của thuyết tương đối rộng.
Thuận An (theo The Register)