Thoạt nghe điều này tưởng khôi hài nhưng thực sự lại là ý tưởng có giá trị kinh tế cao. Chỉ với cách làm rất đơn giản, các nhà vườn có thể tránh được thiệt hại kinh tế trong mùa mưa lũ kéo dài. Ý tưởng xuất phát từ các vùng nho bạt ngàn Ninh Thuận.
Ai từng sống ở miền Trung sẽ không quên được những cơn mưa của vùng đất này. Mưa triền miên từ ngày này sang ngày khác. Vì thế, nông dân nơi đây luôn phải sống trong lo âu. Người dân Ninh Thuận cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có mùa mưa, cả vườn nho của họ đã phải chịu cảnh mất trắng, không thể thu hoạch được vì nho rụng tơi tả.
Một giải pháp đơn giản cho vấn đề đã ra đời: bọc áo giấy cho mỗi quả nho. Ý tưởng thiết thực này được Viện nghiên cứu cây bông và cây có sợi thực hiện từ năm ngoái, bắt nguồn từ sự cảm thông với nỗi nhọc nhằn của nhà nông và quyết tâm không để những vườn nho đến lúc hái quả phải bỏ đi.
Ý tưởng dựa trên một căn cứ khoa học chắc chắn. Bao giấy sẽ giảm ảnh hưởng của thời tiết đến trái nho, đồng thời sâu bệnh hay mưa kéo dài cũng không còn là điều quá lo ngại đối với những trùm trĩu quả.
Không quá tốn kém hay mất nhiều công để mặc áo cho nho. Những bao giấy này được bán khá rộng rãi. Mỗi bao giấy lại có thể cắt làm đôi thành hai chiếc áo, "mặc" cho hai chùm nho. Thậm chí, nó có thể dùng đi dùng lại đến 3 vụ. Còn công đoạn cho trái nho vào áo thì ai cũng làm được.
Tính sơ bộ mỗi sào trồng nho, tiền mua giấy bao trái chỉ là 2,5 triệu đồng. Bù lại, nông dân không phải chứng khiến cảnh cả vườn nho bị hư hỏng. Bên cạnh đó, việc bọc trái cũng làm tăng tính an toàn cho sản phẩm, tạo ra sản phẩm sạch, điều mà thị trường đang đòi hỏi ngày một gắt gao.
Các nhà khoa học cũng đưa ra những căn cứ cho thấy: không chỉ với nho, cách mặc áo như trên đã, đang và sẽ được áp dụng với nhiều loại trái cây khác nhau. Và những vườn cây ăn trái sẽ đem lại nhiều giá trị hơn khi được nằm trong lớp áo bảo vệ.
(Theo VTV)