Điện thoại di động đo mọi khoảng cách
Giải nhất tuần 6 cuộc thi Mobile Ideas 2007 thuộc về Vũ Thế Lộc (Hưng Yên) với ý tưởng dùng "alô" đo chiều cao một tòa nhà, độ dài của tấm gỗ... bằng cách chiếu các tia sáng.
Trước tiên, người sử dụng chiếu một tia sáng (có thể là tia hồng ngoại) nhằm xác định chính xác vị trí cần đo khoảng cách. Khoảng cách này được tính từ đỉnh trên của mobile, nơi gắn đèn hồng ngoại phát ra, tới vị trí vật thể mà đèn chiếu tới. Sau đó, người sử dụng kích hoạt chức năng đo khoảng cách trên điện thoại. Tia sáng đầu tiên biến mất, một tia sáng khác phát ra (cũng tại vị trí phát tia sáng ban đầu) mới có tác dụng đo khoảng cách. Dựa vào nguyên lý phản xạ, khi nhận được tia sáng phản xạ lại sau khi chiếu lần thứ 2, một bộ phận bên trong mobile sẽ tiếp nhận thông tin này, tính thời gian từ lúc phát tới lúc nhận và tính khoảng cách dựa vào công thức S = V.t (S: quãng đường; V: vận tốc; t: thời gian).
ĐTDĐ tự nhắn tin khi thất lạc
Hoàng Văn Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) đoạt giải nhì khi đưa ra ý tưởng cài đặt phần mềm nhắn tin tọa độ tự động trong điện thoại có liên kết với một nhà cung cấp dịch vụ. Nếu bị mất máy, chủ nhân có thể nhắn tin theo nội dung định sẵn như MM 123456 (trong đó 123456 là mật khẩu được cho khi cài đặt phần mềm) và gửi về nhà cung cấp dịch vụ.
Phần mềm sẽ đọc tin nhắn, gửi vị trí hiện tại của điện thoại về tổng đài. Căn cứ trên thông tin người sử dụng, nhà cung cấp sẽ thông báo vị trí của điện thoại trên bản đồ số để người dùng lấy lại tài sản bị mất. Yêu cầu điện thoại hỗ trợ chức năng định vị vệ tinh GPS.
Hội thảo qua ĐTDĐ
Nguyễn Trần Trung (Quận 8, TP HCM) đạt giải khuyến khích với ý tưởng biến điện thoại thành công cụ hỗ trợ cho các cuộc hội thảo.
Trong các buổi họp lớn, người ngồi xa không thấy được slide và không nghe rõ diễn giả nên sẽ gắn bộ phận phát sóng (Bluetooth hay Wi-Fi) tại các khu vực xa để cho các điện thoại kết nối vào. Bộ phận phát sóng sẽ nối trực tiếp với video conferencing server (máy chủ này sẽ có webcam quay lại những gì diễn giả đang nói hay trình chiếu) để lấy và phát thông tin đến các điện thoại.
Ngoài ra, nhà sản xuất có thể tích hợp chức năng của projector vào điện thoại để thiết bị trình chiếu được trên mặt phẳng nhỏ cho 5-10 người cùng xem.
Chiến sĩ hình sự "mobile"
Nguyễn Thế Hải (Quận Tân Phú, TP HCM) đạt giải khuyến khích khi muốn làm ra chiếc điện thoại hỗ trợ cảnh sát hình sự bắt tội phạm. Theo đó, một phần mềm chuyên dụng sẽ được cài đặt để kết nối tới cơ sở dữ liệu tội phạm của Bộ Công an.
Khi trinh sát viên phát hiện thấy đối tượng khả nghi sẽ chụp ảnh kẻ đó lại bằng điện thoại, so sánh với các hình ảnh trong cơ sở dữ liệu. Nếu trinh sát viên thu âm được lời nói của đối tượng khả nghi, phần mềm cũng phân tích và so sánh tần số âm thanh với các dữ liệu âm thanh mà hệ thống dữ liệu có được. Khi thu được mẫu tóc của đối tượng, họ có thể dùng đèn nano trên thiết bị sẽ chiếu một loại sóng điện từ tần số cao vào tiêu bản để phân tích DNA.
ĐTDĐ rà soát bom mìn
Nguyễn Tiến Đức (Hương Thủy, Huế) cũng giành giải khuyến khích với ý tưởng tích hợp thiết bị dò chất nổ vào điện thoại để tránh những tai nạn thương tâm cho người dân. Khi sóng siêu âm phát ra gặp một khối chất nổ, nó sẽ phản xạ lại để bộ thu tín hiệu phân tích hình ảnh, độ sâu, khả năng phát nổ...
Các dữ liệu này sẽ được chuyển về cho cơ quan chức năng tìm cách giải quyết. Ngoài ra, đây cũng là một ứng dụng để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng và vận chuyển chất nổ trái phép.
T.H.