Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Động vật và những phát minh quân sự (phần I)

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:34
gửi bởi Zelda

Nhiệt độ ở vỏ các vệ tinh nhân tạo có thể dao động từ 200 độ C xuống tới - 200 độ C. Vì thế các thiết bị tinh vi trên vệ tinh rất dễ bốc cháy hoặc đông cứng. Vấn đề này từ lâu đã làm đau đầu các nhà khoa học. May thay, loài bướm đã gợi ý một hướng giải quyết

Trên thân thể loài bướm có phủ một lớp màng vảy rất mỏng. Nhờ đó, chúng có thể điều hoà thân nhiệt. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào cơ thể, hoặc khi nhiệt độ môi trường lên cao, lớp vảy này sẽ tự động xù lên như những tấm gương phản chiếu, làm mức độ bức xạ và hấp thụ nhiệt giảm xuống. Còn khi nhiệt độ môi trường hạ thấp, lớp vảy này sẽ tự động đóng kín lại, áp sát vào cơ thể, giữ nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã thiết kế được một hệ thống điều chỉnh nhiệt độ cho vệ tinh nhân tạo giống như là lớp vảy của loài buớm. Điều này đã giúp cho các vệ tinh nhân tạo vẫn luôn hoạt động tốt được trong mọi điều kiện nhiệt độ trên vũ trụ.

Dơi và hệ thống sonar

Nhờ quan sát phản ứng âm thanh đặc biệt ở loài dơi, các nhà khoa học đã phát minh ra radar và thiết bị sonar (hệ thống định vị âm thanh)

Dơi là loại động vật ẩn nấp ban ngày và hoạt động ban đêm. Cổ họng của chúng có thể phát ra những sóng siêu âm rất mạnh, rồi phóng ra ngoài qua mũi và miệng. Khi gặp vật thể, sóng siêu âm phản xạ trở lại. Những chiếc tai nhạy cảm của dơi đón nhận phản âm này và phán đoán được cự ly cũng như kích thước của vật thể. Các nhà khoa học gọi phương thức này là định vị phản âm.

Căn cứ vào hệ thống đặc biệt này của dơi, các chuyên gia quân sự đã phát minh ra radar và thiết bị sonar ứng dụng trong trinh sát hải quân trong Thế chiến II. Lúc đầu, chúng được dùng để dò xét các bộ phận, thiết bị quan trọng của tàu ngầm, về sau được ứng dụng để đo độ sâu mực nước biển, thăm dò các đàn cá

Cá mực và mồi ngư lôi

Mực che mắt địch bằng "bức tường" đen.

Trong cơ thể cá mực có những túi dịch thể màu đen. Khi gặp nguy hiểm, chúng phóng ra dịch thể này để che mắt những kẻ tấn công. Các nhà nghiên cứu đã bắt chước cách đó, thiết kế ra một thiết bị đánh lừa ngư lôi và tàu ngầm, gọi là mồi ngư lôi.

Hiện nay, các mồi ngư lôi được chế tạo giống hệt tàu ngầm hoặc ngư lôi thông thường. Khi hoạt động, mồi luôn bám theo tàu địch với tốc độ tương ứng. Nó có thể mô phỏng nhịp chân vịt, âm thanh phát ra, tín hiệu âm thanh phản hồi, cũng như sự thay đổi âm điệu một cách chính xác. Nhờ những biểu diễn kỳ diệu này, tàu ngầm hoặc ngư lôi địch khó phân biệt thật giả, chỉ tập trung công kích mục tiêu giả này, nhờ đó tàu ngầm hoặc ngư lôi thật có thể trốn thoát.

(Còn tiếp)

Sưu tầm từ vnexpress