Phân tâm học nhập môn (phần 42)
....Phát minh của Breuer cho đến bây giờ vẫn là căn bản của phương pháp trị bệnh bằng phân tâm học. Đề luận: những triệu chứng sẽ biến mất một khi các điều kiện vô thức đã được hữu thức hóa đã được mọi công trình khảo cứu về sau khẳng định... Phương pháp trị bệnh của chúng ta là làm sao biến vô thức thành hữu thức...
Sự phát minh của Breuer là kết quả không phải của lý luận mà của một sự quan sát thành công với sự giúp đỡ của người bệnh. Các bạn đừng tìm hiểu sự phát minh này bằng cách kéo nó về một sự phát minh khác; các bạn hãy chấp nhận nó như một sự kiện căn bản có thể đưa đến sự giải thích nhiều sự kiện khác. Vì thế nên tôi xin phép các bạn diễn tả sự phát minh này theo một hình thức khác.
Một triệu chứng được phát hiện để thay thế một cái gì không phát hiện ra được. Một vài sự hoạt động tinh thần vì không phát triển bình thường được để đi tới ý thức nên phải phát sinh ra một triệu chứng. Vậy triệu chứng bệnh thần kinh là kết quả của một sự hoạt động mà sự phát triển đã bị ngăn chặn làm rối loạn bởi một nguyên nhân nào đó. Triệu chứng được phát hiện để thay thế hoạt động bị ngăn chặn này và như thế đã có một sự thay bậc đổi ngôi; khi phương pháp trị liệu hủy bỏ được liên quan này tức là phương pháp đã đạt được mục đích.
Phát minh của Breuer cho đến bây giờ vẫn là căn bản của phương pháp trị bệnh bằng phân tâm học. Đề luận: những triệu chứng sẽ biến mất một khi các điều kiện vô thức đã được hữu thức hóa đã được mọi công trình khảo cứu về sau khẳng định, mặc dù gặp biết bao nhiêu sự phức tạp kỳ khôi và không chờ đợi nhất trong việc áp dụng vào thực tế. Phương pháp trị bệnh của chúng ta là làm sao biến vô thức thành hữu thức, phương pháp đó chỉ hữu hiệu khi làm được việc đó.
Các bạn đừng lầm tưởng rằng công việc trị bệnh như thế sẽ dễ áp dụng. Người ta sở dĩ mắc bệnh thần kinh chính vì không biết rằng bên trong mình có một hoạt động tinh thần nào đó mà đáng lẽ mình phải biết. Đề luận này làm ta nhớ lại một đề luận khác của Socrate khi ông cho rằng tội lỗi chính là kết quả của một sự ngu dốt. Một vị bác sĩ không khó khăn gì không tìm ra dễ dàng những hoạt động tinh thần mà người bệnh không ý thức được. Cho nên vị bác sĩ phải giải thoát cho người bệnh ra khỏi sự ngu dốt đó bằng cách nói cho y biết điều mình tìm ra. Vị bác sĩ phải có đủ khả năng hủy bỏ một phần nào tính cách vô thức của những triệu chứng, còn về liên quan giữa triệu chứng và biến cố trong đời sống người bệnh thì bác sĩ làm sao đoán ra được và phải chờ đợi người bệnh cho mình biết. Nhưng về điểm này, bác sĩ có thể có được tài liệu bằng cách hỏi những người sống xung quanh người bệnh để biết về những biến cố trong đời người bệnh, cả về những biến cố mà người bệnh không biết vì xảy ra trong thời thơ ấu. Hòa hợp hai phương pháp này, bác sĩ có thể trong một khoảng thời gian ngắn đạt được mục đích định đến, nghĩa là làm cho những hoạt động tinh thần vô thức trở thành hữu thức.
Kết quả như thế thực hoàn hảo, chúng ta đã đạt được những kinh nghiệm không chờ đợi. Cũng như theo Molìere có thứ củi này có thứ củi nọ, có thứ hiểu biết này, cũng như có thứ hiểu biết nọ, và mọi thứ hiểu biết đều không có giá trị tâm lý như nhau. Sự hiểu biết của bác sĩ không giống sự hiểu biết của người bệnh và không thể có cùng một hiệu quả. Nếu bác sĩ nói cho người bệnh điều hiểu biết của mình, bác sĩ không thể thành công. Hay nói cho đúng hơn, sự thành công của bác sĩ không phải ở chỗ đã hủy bỏ được những triệu chứng, nhưng là khởi đầu một sự phân tích mà những dấu hiệu đầu tiên thường do chính những điều mâu thuẫn do người bệnh cung cấp. Người bệnh biết một điều trước kia không biết, đó là ý nghĩa của triệu chứng căn bệnh của mình, vậy mà người bệnh cũng không biết gì hơn trước. Như thế chúng ta thấy rằng có hơn một sự không biết. Muốn biết những điều không biết có khác nhau ra sao, cần có những hiểu biết sâu xa về tâm lý. Nhưng không phải vì thế mà đề luận của chúng ta là: những triệu chứng sẽ biến mất một khi ý nghĩa của chúng trở thành hữu thức trở thành không đúng. Chỉ có điều là sự hiểu biết phải đặt nền tảng trên một sự thay đổi bên trong người bệnh, sự thay đổi này chỉ phát hiện sau một công việc tinh thần theo đuổi một mục đích nhất định. Chúng ta đứng trước những vấn đề mà sự tập hợp lại sẽ xuất hiện như một động lực trong công việc cấu thành những triệu chứng.
Và bây giờ tôi hỏi các bạn: điều tôi vừa nói các bạn có cho là quá tăm tối và rắc rối không? Các bạn có bị lạc hướng khi thấy tôi rút lại những điều vừa đưa ra, bao quanh những đề luận của tôi bằng mọi thứ giới hạn, đi vào một chiều hướng này để rồi lại quay theo một chiều hướng khác không? Tôi tiếc rằng sự việc đã xảy ra như thế. Nhưng tôi quả không thích đơn giản hóa chân lý, không thấy có gì trở ngại khi trình bày cho các bạn biết rằng vấn đề của chúng ta có nhiều khía cạnh phức tạp kỳ lạ, không thấy hại gì khi đưa cho các bạn biết những điều mà bạn chưa thể dùng ngay trong lúc này. Tôi biết là mỗi sinh viên đều sắp xếp những ý tưởng của giáo sư theo tiện lợi riêng cho mình, vắn tắt hóa bài thuyết trình, giản dị hóa và trích ra trong đó những điều mình muốn giữ lại. Tất nhiên càng có nhiều điều được trình bày bao nhiêu thì những điều được giữ lại càng nhiều bấy nhiêu. Dù sao tôi cũng hy vọng rằng trong bao nhiêu điều trình bày, các bạn cũng đã có được một ý niệm khá rõ ràng về phần chính trong bài thuyết trình của tôi, nghĩa là phần liên quan đến ý nghĩa của các triệu chứng đến vô thức và đến liên quan giữa vô thức và các ý nghĩa này. Có lẽ các bạn sẽ hiểu rằng sau này công trình khảo cứu của chúng ta sẽ hướng về hai điểm sau đây: một đằng tìm hiểu tại sao loài người lại bị bệnh, trở thành nạn nhân của một chứng bệnh thần kinh có thể kéo dài suốt đời, và đó là vấn đề trị bệnh; đằng khác tìm xem triệu chứng bệnh hoạn đã phát triển như thế nào với các điều kiện của chứng bệnh thần kinh, và đó là vấn đề động lực tinh thần. Thế nào cũng có những nơi mà hai vấn đề này tiếp giáo với nhau.
Tôi không muốn đi xa hơn nữa nhưng vì còn một chút thì giờ nên tôi muốn các bạn để ý đến một đặc tính khác trong hai vụ phân tích nói trên: đó là những lỗ hổng trong trí nhớ hay chứng mất trí nhớ. Tôi đã nói là công việc của phương pháp trị bệnh theo lối phân tâm là: biến vô thức, căn nguyên của bệnh thành hữu thức. Các bạn sẽ ngạc nhiên nếu thấy công thức này có thể được thay thế bằng công thức sau: lấp hết những lỗ hổng trong trí nhớ, hủy bỏ bệnh mất trí nhớ. Công thức sau chẳng khác gì công thức trước. Vậy chứng mất trí nhớ của người bệnh thần kinh giữ một vai trò quan trọng trong việc phát sinh các triệu chứng. Nhưng suy nghĩ kỹ về trường hợp người bệnh thứ nhất, chúng ta thấy là vai trò gán cho sự mất trí nhớ có lẽ không đúng lắm. Người bệnh không hề quên quang cảnh đêm tân hôn, trái lại nhớ rất kỹ và trong suốt câu chuyện không có một sự quên lãng nào khác trong việc phát sinh ra triệu chứng. Tuy không rõ ràng hơn nhưng trường hợp của người con gái trong trường hợp thứ hai cũng thế. Cô này cũng nhớ rất rõ dù nhớ một cách ngập ngừng, miễn cưỡng, thái độ của mình ngày xưa lúc nhất định đòi mở cửa phòng mình thông sang phòng cha mẹ và bắt mẹ nhường chỗ cho mình trong giường cha. Điều duy nhất làm chúng ta ngạc nhiên là người bệnh thứ nhất, sau khi làm đi làm lại cử chỉ ám ảnh của mình rất nhiều lần, không hề hay biết gì đến liên quan giữa cử chỉ này với biến cố trong đêm tân hôn và mặc dù sau này chúng ta đã hướng dẫn bà, bà cũng không hề nhớ lại kỷ niệm đó. Người con gái trong trường hợp sau cũng thế, cô ta cho rằng các lễ nghi và những cơ hội gây ra lễ nghi đó bắt nguồn ở tình trạng của cô phải làm đi làm lại một số công việc mỗi ngày. Trong cả hai trường hợp không hề có chứng mất trí nhớ thực sự: chỉ có đứt mất sợi dây liên lạc để cho biến cố quay trở lại trí nhớ thôi. Nhưng nếu sự rối loạn trong trí nhớ này đủ để cắt nghĩa sự ám ảnh thì trong trường hợp náo loạn tinh thần sự việc không phải thế. Trong sự náo loạn tinh thần thường có mất trí nhớ rất nhiều. Phân tích mỗi triệu chứng trong sự náo loạn tinh thần người ta thấy có rất nhiều cảm tưởng của đời sống trong quá khứ mà người bệnh cho là mình quên hết. Một đằng những cảm tưởng này thuộc về những năm đầu tiên của cuộc sống, thành ra sự mất trí nhớ trong sự náo loạn thần kinh chỉ là sự kéo dài trực tiếp của chứng mất trí nhớ của trẻ con về những giai đoạn đầu tiên trong cuộc sống tinh thần ngay cả đối với những người bình thường. Đằng khác những biến cố mới nhất trong đời người bệnh cũng bị quên, nhất là những cơ hội gây ra bệnh hay làm cho bệnh nặng hơn cũng bị quên một phần hay toàn thể. Luôn luôn những chi tiết quan trọng biến mất trong toàn thể kỷ niệm hay bị thay thế bằng những kỷ niệm sai lầm. Thường thường chỉ một ít thời gian sau khi được phân tích là những kỷ niệm về những biến cố mới này trở lại, những kỷ niệm này thường bị dồn ép để lại trong trí nhớ những lỗ hổng rất lớn.
Những sự rối loạn trong trí nhớ đặc biệt biểu thị cho bệnh náo loạn thần kinh với những triệu chứng là những cơn động kinh không để lại một dấu vết gì trong trí nhớ. Bởi vì sự việc không xảy ra tương tự trong sự ám ảnh nên chúng ta phải kết luận là những sự mất trí nhớ là một đặc tính tâm lý của chứng náo loạn thần kinh chứ không phải là một triệu chứng chung cho mọi bệnh thần kinh khác. Tầm quan trọng của sự khác biệt này được giảm bớt bởi nhận xét sau đây. Ý nghĩa của một triệu chứng có thể được quan niệm theo hai lối: một về phương diện ngôn gốc một về phương diện mục đích, nghĩa là nói một cách khác, một về những cảm giác và biến cố phát sinh ra nó, một về ý muốn mà nó phục vụ. Nguồn gốc của một triệu chứng chỉ là những cảm giác từ bên ngoài vào, có một lúc có tính cách hữu thức nhưng sau đó trở thành vô thức và bị quên lãng. Mục đích của triệu chứng, khuynh hướng của nó trái lại trong mọi trường hợp đều là một sự hoạt động tinh thần có tính cách hữu thức trong một lúc nào đó, nhưng cũng có thể bị vùi lấp trong vô thức mãi mãi. Vậy việc mất trí nhớ liên can đến nguồn gốc, nghĩa là đến những biến cố làm nền tảng cho triệu chứng, như trong trường hợp náo loạn thần kinh không quan trọng; chính mục đích khuynh hướng có thể có tính cách vô thức ngay từ đầu, chính mục đích và khuynh hướng này mới quy định sự lệ thuộc của triệu chứng với vô thức và trường hợp này xảy ra trong sự ám ảnh cũng như trong bệnh náo loạn thần kinh.
Chính vì gán cho vô thức một tầm quan trọng như thế nên chúng ta mới bị phê bình chỉ trích một cách gay gắt như thế. Các bạn đừng cho rằng chống đối này bắt nguồn ở chỗ người ta không quan niệm được vô thức hay không làm được những cuộc thí nghiệm về vô thức. Lịch sử khoa học đã hai lần cải chính nghiêm trọng đối với tính ích kỷ ngây ngô của loài người. Lần thứ nhất khi khoa học chứng minh rằng trái đất không hề là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là một phần nhỏ bé, vô nghĩa lý trong hệ thống vũ trụ mà chúng ta không thể tưởng tượng được là to lớn như thế nào. Sự chứng minh thứ nhất này là công của Copernic dù trước đó khoa học thời Alexandre đã loan báo một vài điều tương tự. Lần thứ hai là khi khoa học chứng minh rằng con người không phải giữ một địa vị đặc biệt cao cả trong sự sáng tạo mà cũng lệ thuộc vào giới động vật, cũng có tính chất như mọi động vật. Cuộc cách mạng này được thực hiện sau những công trình của Darwin, Wallace và các người đi trước, và đã gặp sự chống đối kinh khủng của người đương thời. Lần cải chính thứ ba đánh vào tính tự cao tự đại của loài người khi cho rằng cái tôi của con người không là chủ độc tôn trong nhà mình, chỉ được biết một vài điều lẻ tẻ, hiếm hoi về những sự xảy ra ngoài ý thức của mình trong đời sống tinh thần. Những nhà phân tâm học không phải là những người độc nhất và đầu tiên kêu gọi lòng khiêm tốn của loài người nhưng họ có nhiệm vụ phổ biến thật rộng rãi quan niệm này với tất cả tấm lòng hăng hái và cung cấp cho mọi người những vật liệu lấy từ trong các cuộc thí nghiệm ra để dùng cho bất cứ ai. Do đó người ta tới tấp chỉ trích khoa học của chúng ta, quên hết mọi sự lịch sự trong giới văn học, phản kháng chúng ta với mục đích giũ bỏ những sự ràng buộc của một sự họp lý và vô tư. Thêm vào đó, họ còn sợ những thuyết của chúng ta gây rối loạn trong hòa bình của thế giới như các bạn sẽ có dịp nhận thấy về sau đây.
(còn nữa)