Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Phát minh khoa học - từ phim đến hiện thực

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:35
gửi bởi Zelda

Điện ảnh thế giới với vô số các bộ phim viễn tưởng khoa học, trinh thám... là mảnh đất màu mỡ để con người thể hiện những phát minh khoa học khiến biết bao khán giả phải mê say và thán phục. Cho dù phần lớn là giả tưởng, một số phát minh đó đã được con người biến thành hiện thực nhằm phục vụ cuộc sống.

Từ tên lửa cá nhân Jet Pack đến trực thăng cá nhân Solo Trek

Trong bộ phim Chiến dịch Sấm rền được trình chiếu năm 1965, khán giả chứng kiến điệp viên huyền thoại James Bond 007 tự bay lên cao 180 m và ở đó đến 4 phút nhờ một tên lửa cá nhân mang trên lưng Jet Pack. Từ ý tưởng trên, năm 1996, kỹ sư Michael Moshier, Giám đốc công ty Millenium Jets ở Mỹ, bắt tay vào nghiên cứu thiết kế một loại trực thăng cá nhân có thể cất cánh thẳng đứng lên một độ cao nhất định để có thể quan sát cảnh vật dưới mặt đất.

Đến tháng 6/1999, Moshier đã hoàn chỉnh việc chế tạo chiếc Solo Trek-XFV có thể bay trên không 90 phút, cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng trong một chu vi nhỏ cỡ mặt bàn ăn. Ngoài ra, bộ máy của chiếc Solo Trek cũng hoạt động theo một nguyên lý đơn giản. Hai cánh quạt với vận tốc 5.000 vòng/phút khuấy tầng không khí chung quanh tạo nên sức gió mạnh đủ để nâng một vài vật nặng 150 kg (kể cả người điều khiển). Khi đã cất cánh đến độ cao cần thiết, người lái sẽ điều khiển hai cánh quạt nghiêng từ 5 độ đến 10 độ nhằm tạo lực đẩy chiếc Solo Trek theo chiều bay ngang tới phía trước. Điểm đặc biệt là loại trực thăng cá nhân này sử dụng khí methan mà không sử dụng loại nhiên liệu đặc biệt dành cho máy bay. Do đó với một bình nhiên liệu nạp đầy, Solo Trek có thể bay được trong vòng 90 phút với vận tốc tối đa 130 km/giờ. Trong trường hợp gặp sự cố bất ngờ do máy móc bị hỏng, một bộ dù sẽ được bung ra để giúp chiếc Solo Trek cùng người điều khiển hạ cánh an toàn xuống mặt đất.

Theo kỹ sư Moshier, việc hỏng hóc của máy móc hầu như không thể xảy ra vì bốn pittông đẩy cánh quạt đều được thiết kế riêng biệt, do đó nếu một pittông hỏng vẫn còn lại ba cái khác hoạt động. Với đai an toàn cột chặt quanh người cùng một mũ bảo hiểm có trang bị hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, người lái có thể cùng chiếc Solo Trek bay lướt trên mặt đất, trên ngọn cây đến nơi định đến.

Từ đầu năm 2001, nắm bắt được tính khả thi của chiếc Solo Trek, Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) và Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tài trợ cho dự án thử nghiệm chiếc trực thăng cá nhân của Michael Moshier để có thể sử dụng trong lực lượng cảnh sát và quân đội Mỹ vào năm 2005.

Từ máy bay cá nhân Little Nellie đến máy bay phản lực siêu nhỏ Acrostar Jet

Little Nellie là một chiếc máy bay nhỏ có thể chở được một người. Cánh quạt của nó được thiết kế ở phần phía sau để đẩy máy bay lao về phía trước, trong khi chiếc cánh quạt thứ hai được thiết kế theo chiều thẳng đứng để giữ thăng bằng cho máy bay trên không. Trong phim Con người chỉ có thể sống được hai lần trình chiếu năm 1968, khán giả vô cùng thích thú khi trông thấy điệp viên James Bond 007 sử dụng chiếc Little Nellie tấn công các mục tiêu dưới đất.

Mãi đến năm 1995, lấy ý tưởng từ chiếc Little Nellie, một kỹ sư người Anh tên là Corkey Fornof đã chế tạo một chiếc máy bay phản lực siêu nhỏ Acrostar Jet nặng 128 kg và có thể bay nhanh đến 500 km/giờ. Việc chế tạo thành công chiếc Acrostar Jet chứng tỏ con người có thể tự mình bay lên không trung nhờ vào những thiết bị bay siêu nhỏ. Nhưng xét về mặt công năng, chiếc Acrostar Jet chỉ thoả mãn tính hiếu kỳ của Corkey Fornof khi được xem điệp viên James Bond tung hoành trên không trong chiếc Little Nellie.

Hệ thống nhận dạng và phác thảo chân dung

Trong các bộ phim trinh thám, gián điệp, việc phác thảo chân dung để nhận dạng đối phương bằng các thiết bị đặc chủng luôn hấp dẫn khán giả. Vào năm 1985, trong phim Nguy hiểm chết người, khán giả chứng kiến cảnh điệp viên James Bond bị một camera của đối phương bí mật ghi hình dưới nhiều góc độ và hình dạng ở mọi nơi. Sau đó tất cả những hình ảnh này được nhập vào máy tính để phác thảo chân dung chính xác của James Bond. Vì vậy, khi đến mục tiêu, James Bond cho dù có giả trang thành một người khác cũng vẫn bị đối phương phát hiện.

Vào thời điểm bộ phim trên được trình chiếu, kỹ thuật phác thảo chân dung dựa vào nhận dạng ngoài đời thực vẫn chưa phát triển. Thế nhưng chỉ vài năm sau, kỹ thuật này đã được nhiều quốc gia nghiên cứu. Đây chính là tiền đề để phát triển kỹ thuật phác thảo chân dung và nhận dạng tội phạm dựa vào dữ liệu lưu trữ trong máy tính. Hiện nay kỹ thuật này đang được cảnh sát nhiều nước áp dụng như một biện pháp phòng chống tội phạm và khủng bố hữu hiệu.

Môtô trượt nước

Năm 1977, nam diễn viên Roger Moore cưỡi một chiếc môtô mà vẫn có thể lướt trên mặt nước trong phimg Chàng điệp viên tôi yêu khiến hàng triệu khán giả trên thế giới phải ngạc nhiên và thích thú. Đây cũng là lần đầu tiên một mô hình môtô trượt nước xuất hiện trên thế giới.

Đánh giá đây là một phát kiến có thể mang lại thú vui cho nhiều người yêu các môn thể thao trượt nước, năm 1982, hãng Yamaha của Nhật đã nghiên cứu chế tạo ra loại môtô có thể lướt nhanh trên mặt nước nhờ một động cơ hai thì 200 phân khối. Nhưng phải đến cuối những năm 1980, loại môtô trượt nước mang hiệu Yamaha mới xuất hiện trên các bãi biển. Hơn hai thập niên sau, loại môtô này đã trở thành một phương tiện không thể thiếu đối với những ai yêu thích các môn thể thao dưới nước.

Kỹ thuật nhìn rõ vào ban đêm

Năm 1965, cũng trong phim Chiến dịch Sấm rền, khán giả chứng kiến cảnh điệp viên James Bond 007 sử dụng một thiết bị có thể ghi hình dưới mặt nước nhờ tia hồng ngoại. Đến năm 1968, trong bộ phim Không bao giờ và mãi không bao giờ, khán giả lại thích thú khi nhìn thấy hình ảnh rõ nét của một nhân viên bảo vệ được ghi hình bằng một thiết bị có thể nhìn rõ bóng đêm bằng tia hồng ngoại. Cho đến nay, mọi người đều biết đến loại thiết bị sử dụng tia hồng ngoại để nhìn thấy người hay vật trong bóng đêm nhờ nhiệt năng phát ra. Đây cũng là loại thiết bị mà quân đội nhiều quốc gia hiện đang sử dụng trong những cuộc hành quân ban đêm. Về mặt dân sự, loại thiết bị này có thể giúp các nhân viên bảo vệ rừng phát hiện kịp thời nguy cơ gây cháy rừng và ngăn chặn bọn lâm tặc.

Từ điện thoại trong ôtô đến điện thoại di động

Gọi điện thoại từ ôtô được chăng? Quả thật đây là điều không tưởng vào những năm 1960. Năm 1963, trong phimg Những nụ hôn dành cho nước Nga, khán giả đã ngạc nhiên khi chứng kiến điệp viên James Bond 007 sử dụng điện thoại từ ôtô của mình để liên lạc với căn cứ. Thế nhưng phải đợi đến ba thập niên sau thì mọi người mới có thể liên lạc với nhau từ khắp nơi nhờ điện thoại di động. Rồi đến năm 1997, khán giả lại thích thú một lần nữa khi chứng kiến điệp viên James Bond 007 sử dụng điện thoại di động để điều khiển chiếc xe của mình trong bộ phim Ngày mai không bao giờ chết. Khi xem xong phim này, có lẽ nhiều khán giả tự hỏi không biết đến bao giờ thì kỹ thuật điều khiển ôtô bằng điện thoại di động lại thành hiện thực?

Thế Giới Mới (theo Excelsior)

 
Sưu tầm từ vnexpress