Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Triển lãm tranh nghệ thuật trên máy tính

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:39
gửi bởi Zelda

Ngày 22/11, tại Viện Goethe (Hà Nội), lần đầu tiên cuộc triển lãm nghệ thuật trên máy tính của một nhóm họa sĩ chuyên nghiệp sẽ được tổ chức. Với những sản phẩm được sáng tạo hoàn toàn bằng kỹ thuật vi tính, các họa sĩ đã mở ra một hướng đi mới cho mỹ thuật trong thời đại CNTT.

Những nhà nghệ thuật tham dự triển lãm đều thừa nhận hình thức trên còn khá xa lạ với đa số họa sĩ Việt Nam, nhưng họ vẫn hy vọng thành công ở hướng đi mới mẻ này... Dưới đây là ý kiến của các họa sĩ có tác phẩm trưng bày.

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Tổ chức triển lãm nghệ thuật trên máy tính là một ý tưởng đã được các họa sĩ trẻ đề xuất từ lâu. Đây là một hoạt động nhằm thu hút những họa sĩ chuyên nghiệp có chung một ý tưởng, cùng hướng đi. Tất cả tranh trưng bày lần này đều được in trên chất liệu thống nhất tạo một nét chung. Trong thời đại công nghệ mới, máy tính thực sự là một "người trợ lý" đắc lực, vì thế chúng tôi không sợ bị kỳ thị. Mà nói đâu xa xôi, chẳng phải giải thưởng ASEAN 2002 vừa qua cũng đã trao giải cao nhất cho tác phẩm được sáng tạo hoàn toàn bằng kỹ thuật vi tính đó sao. Không hy vọng sẽ làm thay đổi cách nhìn của công chúng về nghệ thuật vi tính, chúng tôi chỉ mong muốn đưa ra một hướng đi mới, một cách làm việc mới của hội họa.

Họa sĩ Ngô Bá Hoàng: Về nghệ thuật, vẽ trên máy tính vẫn thế, bố cục, màu sắc... vẫn vậy, nhưng phương pháp thì khác. Ưu điểm của nghệ thuật vi tính là sáng tác đỡ tốn kém, linh động hơn, thay đổi bố cục nhanh hơn, dễ hình dung tác phẩm và dễ sửa chữa. Tuy nhiên, sáng tác trên giá vẽ, cây cọ thì nét bút khoáng đạt hơn... Nhưng suy cho cùng thì nghệ thuật quan trọng nhất là ý tưởng, là tiếng nói nghệ thuật, chứ chất liệu, máy tính hay đôi tay, cọ vẽ chỉ là công cụ. Trước đây, tôi vẫn thường dùng kỹ thuật vi tính để phác thảo nhiều ý tưởng khi sáng tác, tham gia triển lãm lần này tôi đầu tư làm kỹ hơn thành tác phẩm. Với Cổ tích hạt gạoSống giữa xã hội nhân bản vô tính, tôi muốn chứng minh một khả năng mới của hội họa trên máy tính.

Họa sĩ Nguyên Thị Yên Trang: Không thể phủ nhận giá trị ứng dụng cao của các phần mềm đồ họa vi tính như Photoshop, Corel draw, Painter, free hand, 3D max... trong thời đại CNTT ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực đồ họa, trình bày sách báo. Có nhiều ý tưởng vẽ tay thể hiện rất khó nhưng đưa vào vi tính thì lại xử lý rất dễ. Thể loại chính mà tôi theo đuổi vẫn là khắc gỗ, tôi chỉ tìm đến nghệ thuật vi tính để phục vụ công việc trình bày báo của mình. Nhưng một khi đã tham gia triển lãm nghĩa là công bố tác phẩm với công chúng, tôi muốn thăm dò xem suy nghĩ, hướng tìm tòi của mình như thế có phù hợp với thời đại không... Với những bức ảnh hiện thực được sắp xếp để thành không hiện thực, diễn tả trong một không gian không thực của vi tính, tôi nghĩ những tác phẩm nghệ thuật trên máy vi tính có thể sẽ hấp dẫn và lạ hơn đời thường.

Họa sĩ Ngô Đức Trí: Trên thế giới, hội họa vi tính đã xuất hiện hơn 10 năm nay. Khởi nguồn từ các phần mềm đồ họa vi tính, cũng xuất hiện một lớp họa sĩ sáng tác trên máy tính. Nếu nói là một thể loại thì chưa chính xác, nhưng đang hình thành một dạng tranh được vẽ trên máy tính trong đời sống mỹ thuật đương đại. Tất nhiên hội họa vi tính không thể thay thế được nhiều chất liệu sáng tác như sơn mài, sơn dầu... Cũng không thể gọi đấy là những bức ảnh dù một trong những nguyên liệu thường dùng để sáng tác trên máy tính là ảnh. Có thể nói, máy tính là công cụ đắc lực để nhào nặn tác phẩm của mình, nó có những hiệu ứng riêng mà vẽ bằng tay rất mất công và chưa chắc đã thể hiện được. Tất nhiên, các họa sĩ Việt Nam sử dụng máy tính như công cụ sáng tác thành thạo đến đâu, hiệu quả đến đâu không phải một sớm một chiều mà đến đích được. Ai đó có thể phủ nhận công cụ máy tính, nhưng tôi tin người họa sĩ nào biết tận dụng, sử dụng nó một cách thành thạo và hiệu quả thì nghệ thuật vi tính sẽ hỗ trợ rất tốt cho sáng tác.

Văn Hóa

Sưu tầm từ vnexpress