Chiều nay tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải Thưởng đã công bố những công trình đoạt giải trong 5 lĩnh vực khoa học công nghệ, đã được ứng dụng vào thực tế và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng hai lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, và Công nghệ Thông tin không có giải nhất.
Với tiêu chí vừa có hàm lượng sáng tạo khoa học, vừa đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, ban giám khảo đã chọn ra 96 trong tổng số 140 công trình gửi dự thi để xét duyệt, thuộc các lĩnh vực: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ Thông tin; Cơ khí và Tự động hóa; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Trong số này, có 3 giải nhất, 8 giải nhì, 13 giải ba và 16 giải khuyến khích.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, trưởng ban thư ký Giải thưởng, các công trình năm nay phân bố khá đồng đều (chẳng hạn lĩnh vực mới được bổ sung năm ngoái là Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường đã có tới 14 công trình dự thi). Nhiều đơn vị mới lần đầu tham dự nhưng đã chuẩn bị hồ sơ rất chu đáo và có chất lượng cao, chứng tỏ Giải đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
Ba giải nhất được trao cho: - Lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới: Công trình "Nghiên cứu công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn chất lượng cao", của PGS-TS Đỗ Huy Định và cộng sự, Công ty phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ. - Lĩnh vực Cơ khí tự động hóa: Công trình "Nghiên cứu thiết kế và công nghệ chế tạo máy lọc khuấy lauter loại đường kính 3.600 mm", của Tiến sĩ Hoàng Văn Gợt và cộng sự, Viện nghiên cứu Cơ khí. - Lĩnh vực Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên: Công trình "Các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để nâng cao công suất sản xuất axit sunphuric và giảm thiểm ô nhiễm môi trường tại Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao", của Kỹ sư Nguyễn Văn Loan và cộng sự, Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm thao. |
Giáo sư Hà Học Trạc, Phó ban thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết, trong quá trình chấm điểm, khi xét thấy một công trình có khả năng đoạt giải, các thành viên Ban giám khảo đều xuống tận cơ sở để xem xét thực tế, kể cả với các công trình ở xa.
Ban tổ chức cũng đã chọn một công trình sáng tạo xuất sắc năm 2002 đề nghị Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải thưởng WIPO, đó là công trình của PGS-TS Đỗ Huy Định, Công ty phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ. Ngoài ra, ban tổ chức còn đề nghị trao một giải thưởng WIPO cho nhà sáng tạo nữ (là Giáo sư Nguyễn Thu Vân, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương 1, Bộ Y tế - Giải nhì với Công nghệ sản xuất vacxin viêm gan A và viêm gan B tái tổ hợp). Đây cũng là một điểm mới của Giải thưởng năm nay.
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều cơ quan khác tổ chức. Lễ Tổng kết trao giải thưởng sẽ được tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội vào ngày 20/3, và được Đài truyền hình Việt Nam truyền trực tiếp, từ 8 đến 11 giờ.
Bích Hạnh