Bệnh tâm thần và khả năng sáng tạo
Leslie Lemke có trình độ cao về âm nhạc. Lúc 14 tuổi, ông có thể chơi thuần thục bản concerto số 1 của Tchaiskovsky bằng piano khi chỉ nghe nó qua bộ phim truyền hình trước đó vài tiếng. Lemke chưa bao giờ học piano và đến nay vẫn chưa từng học. Ông bị mù, chậm phát triển và liệt não.
Lemke đã chơi và hát hàng nghìn bản nhạc, ca khúc tại các buổi hoà nhạc tại Mỹ và ở nước ngoài. Ông cũng sửa chữa và sáng tác nhiều nhạc phẩm.
Tài năng nghệ thuật của Richard Wawro được quốc tế thừa nhận. Thủ tướng Margaret Thatcher, Giáo hoàng John Paul II và nhiều chính khách khác đã đón tiếp ông. Một giáo sư nghệ thuật London bị "sét đánh" khi thấy những bức sơn dầu Wawro vẽ lúc nhỏ, đã mô tả chúng là sự hoà trộn không tin nổi giữa tính chính xác của thợ cơ khí với cái nhìn lãng mạn của nhà thơ. Wawro bị bệnh tự kỷ và sống ở Scotland.
Kim Peek là một bộ bách khoa toàn thư biết đi. Ông thuộc lòng hơn 7.600 cuốn sách. Ông có thể kể tên đường cao tốc nối tới từng thành phố, thị xã và quận huyện tại Mỹ, cũng như mã vùng, mã bưu điện, đài phát truyền hình và mạng điện thoại của từng nơi. Nếu bạn cho biết ngày sinh, ông có thể nói ngay đó là ngày thứ mấy trong tuần lúc bạn ra đời, cũng như lúc bạn 65 tuổi và "có thể nghỉ hưu". Peek nhận diện được hầu hết các tác phẩm âm nhạc cổ điển, biết ngày tác phẩm ra đời hay được công diễn lần đầu cũng như nơi sinh, ngày sinh và ngày mất của tác giả. Ông cũng chậm phát triển và phải sống phụ thuộc cha trong các nhu cầu hằng ngày. Khả năng của ông được nhân vật Raymond Babbitt thể hiện trong bộ phim Người mưa năm 1988.
Lemke, Wawro và Peek mắc hội chứng bác học, một chứng bệnh đặc biệt ít phổ biến, trong đó người bệnh chậm phát triển sở hữu một khả năng thiên tài kỳ lạ vượt trội so với mức trì độn chung của họ. Hội chứng bác học chiếm 1/10 số bệnh nhân tự kỷ, 1/2.000 người bệnh tổn thương não hay chậm phát triển tâm thần. Ít nhất một nửa trong số người có hội chứng là tự kỷ, số còn lại mắc bệnh chậm phát triển khác.
Có nhiều bí ẩn liên quan với hội chứng này. Tuy nhiên, tiến bộ trong kỹ thuật chụp ảnh não đã cho phép khảo sát hội chứng kỹ hơn và lý thuyết tổn thương não trái truyền thống đã tìm được chứng cứ thuyết phục. Thêm nữa, sự xuất hiện bất ngờ của hội chứng ở bệnh nhân mất trí đã dẫn tới kết luận thú vị là, một số yếu tố của "thiên tài" nằm sâu trong mỗi chúng ta.
Mô tả hội chứng từng xuất hiện trong y văn từ 1789, khi Benjamin Rush, người cha của ngành tâm lý học Mỹ, mô tả khả năng tính nhanh như chớp của Thomas Fuller, một người rất kém toán. Được hỏi một người đã trải qua bao nhiêu giây khi sống đến 70 năm 17 ngày 12 giờ, chưa đầy 2 phút sau, Fuller đưa ra con số chính xác là 2.210.500.800 giây. Nghiên cứu cuối thế kỷ 18 của Langdon Down (nổi tiếng vì mô tả hội chứng Down) cho thấy các "bác học" đó có hệ số trí tuệ rất thấp. Ngày nay chúng ta biết hội chứng bác học xuất hiện ở người có IQ nằm giữa 40 và 70, mặc dù có người đạt tới 114. Nó xuất hiện nhiều hơn ở đàn ông với tỷ lệ gấp 4-6 lần phụ nữ. Và nó có thể là bẩm sinh hay mắc phải, thường xuất hiện sau bệnh tật (như viêm não) hay chấn thương não.
Bất đối xứng phải - trái
Các kỹ năng của hội chứng bác học thường liên quan với bán cầu phải của não, khi thiên về các kỹ năng phi ký hiệu, nghệ sĩ, thị giác và vận động. Chúng gồm âm nhạc, nghệ thuật, toán học, tính toán cùng một số khả năng khác. Ngược lại, bán cầu trái liên quan với các kỹ năng phân tích, lý luận và ký hiệu, bao gồm khả năng ngôn ngữ và ăn nói.
Hầu hết bác học âm nhạc đều có khả năng thẩm âm tốt và chơi đàn rất hay, thường là chơi piano. Một số có khả năng sáng tác. Thiên tài âm nhạc thường đi đôi với mù loà và chậm phát triển, như trường hợp của Lemke. Vị "bác học" lừng danh nhất là Tom Bethune (1849-1908) với biệt danh "Tom mù". Ông từng được xem là "kỳ quan thứ tám của thế giới". Mặc dù chỉ nói được không tới 100 từ, ông chơi rất hay hơn 700 nhạc phẩm piano, một số do chính ông sáng tác. (Mới đây một số sáng tác của ông đã được ghi trên CD).
Các nghệ sĩ "bác học" thì thường vẽ tranh và nặn tượng. Alonzo Clemons chỉ nhìn thoáng ảnh con vật trên tivi là có thể khắc được bức tượng hoàn hảo sau 20 phút. Tượng sáp của ông hoàn hảo đến từng chi tiết, từng sợi tơ hay cơ bắp. Các bác học toán học thì tính cực nhanh, nhất là với số nguyên. Còn khả năng tính ngày tháng theo lịch như của Peek thì không chỉ liên quan với toán học mà còn với nhiều kỹ năng khác.
Các kỹ năng khác ít được phát lộ hơn. Một "bác học" loại hiếm thấy có thể có khả năng ngôn ngữ lạ thường như nhớ nhiều ngôn ngữ mặc dù không hiểu. Các kỹ năng khác bao gồm khứu giác hay thị giác nhạy bén, hiểu tốt về lịch sử, sinh lý thần kinh, khả năng thống kê hay định hướng... Chẳng hạn một bác học âm nhạc mù là Ellen có khả năng định hướng trong rừng rậm hay tại những nơi xa lạ. Ellen có thể biết thời gian mà không cần đồng hồ. Sau một lần nghe chuông báo giờ và giây qua ghi âm, Ellen chỉnh "đồng hồ" bên trong và từ đó có thể nói chính xác từng giây. Nói chung kỹ năng của các nhà "bác học" này thường được duy trì suốt đời.
Mặc cho những tiến bộ khoa học, hiện giới nghiên cứu chưa biết chính xác tại sao và bằng cách nào các nhà "bác học" thể hiện được kỹ năng. Cách giải thích tốt nhất hiện này là, khi bán cầu trái bị tổn thương, bán cầu phải sẽ tăng cường hoạt động để bù đắp phần mất mát. Nghiên cứu năm 1975 cho thấy, 15/17 bệnh nhân tự kỷ bị tổn thương bán cầu trái và 4/15 người có hội chứng bác học.
Nghiên cứu năm 1980 của Brink, nhà tâm lý tại Đại học Crafton Hills, California (Mỹ) khẳng định thêm điều đó. Ông mô tả một bé trai 9 tuổi bỗng bị câm, điếc và liệt nửa người bên phải khi một viên đạn làm tổn thương bán cầu trái. Ngay sau tai nạn, các kỹ năng cơ khí bất thường xuất hiện. Cậu sửa được xe đạp nhiều tầng líp và thiết kế nhiều dụng cụ kỳ lạ.
Phát hiện của Rimland, Viện nghiên cứu bệnh tự kỷ, San Diego, cũng ủng hộ giả thuyết này. Ông có ngân hàng dữ liệu lớn nhất thế giới với hơn 34.000 bệnh nhân. Ông thấy các kỹ năng bác học thường liên quan tới bán cầu phải, còn sự trì độn thì với bán cầu trái.
Cuối những năm 1980, các nhà khoa học tại Harvard đưa ra cách giải thích về một số nguyên nhân tổn thương bán cầu trái. Trong cuốn sách viết chung về cấu trúc não, hai nhà thần kinh học chỉ ra rằng, bán cầu trái thường kết thúc sự phát triển chậm hơn bán cầu phải, do đó là đối tượng của những ảnh hưởng mang tính bẩm sinh (gồm cả ảnh hưởng xấu) trong thời gian dài hơn. Trong phôi đàn ông, testosterone tuần hoàn có thể tạo ảnh hưởng xấu do ức chế sự phát triển và chức năng thần kinh của bán cầu trái còn "non tơ" hơn và do đó dễ bị tổn thương hơn. Kết quả là bán cầu phải thường phát triển bù, trở nên lớn hơn và quan trọng hơn ở đàn ông. Tỷ lệ đàn ông vượt trội phụ nữ không chỉ xuất hiện trong hội chứng bác học mà còn trong các dạng rối loạn hệ thần kinh khác, như rối loạn nói, chậm nói, tự kỷ...
Phần cuối(Theo Kiến thức Ngày nay)