Bên cạnh điều bí ẩn (phần 10)
Ảo ảnh và quầng sáng những bóng ma trong núi, mặt trời nhiều màu sắc - tất cả những cái đó là sáng tạo của chính tự nhiên. Nhưng trong lịch sử còn xảy ra những điều khác nữa...
Còn có những điều như thế
Ảo ảnh và quầng sáng những bóng ma trong núi, mặt trời nhiều màu sắc - tất cả những cái đó là sáng tạo của chính tự nhiên. Nhưng trong lịch sử còn xảy ra những điều khác nữa.
Năm 1914 chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Trên một khu vực của mặt trận Nga - Đức đã xảy ra một điều kỳ lạ: trên nền những đám mây ban đêm xuất hiện hình ảnh khổng lồ của tượng đức mẹ Kadan. Hình ảnh đó rõ đến nỗi hàng ngàn binh lính đều nhìn thấy được. Điều kỳ lạ chưa từng thấy đó được đánh giá như điềm báo là thần linh cùng chiến đấu với quân Nga chống bọn Đức.
Song khi tin tức về hiện tượng này truyền lan khắp thế giới, một số tờ báo nước ngoài đã vạch trần trò ảo thuật đó: điều kỳ lạ kia của người Nga hoàn toàn không phải là điều kỳ lạ, không thể gọi nó là chưa từng thấy được. Những quan tư tế thời Ai Cập cổ đại đã từng cho các tín đồ thấy những cảnh tượng tương tự. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của ngôi đền xuất hiện hình ảnh to lớn của các vị thần có hào quang bao bọc. Bằng cách áp dụng những quy luật quang học mà chỉ có họ biết được vào thời gian đó, các viên quan tư tế đã cho các tín đồ được thấy thần linh.
Bây giờ chúng ta đã biết được bí mật của những trò ảo thuật như vậy. Đó là chiếc đèn chiếu, hoặc như người ta gọi trước kia: đèn thần mở ra vào những lúc cần thiết. Một viên tư tế đứng trên mái đền. Ông ta đứng ở một vị trí sao cho hình ảnh của ông ta khi đi qua khe hở sẽ đập vào một trong những bức tường của đền. Khi người đó chuyển động, cái bóng to tướng của ông ta ở trong đền cũng chuyển động. Cái khe được đóng lại và hình ảnh biến mất. Để gây được ấn tượng mạnh hơn đối với đám đông, âm nhạc được cử lên trong đền, mùi các chất thơm khác nhau thoang thoảng trong làn khí linh thiêng.
Sau này, điều kỳ lạ đó của quang học còn phục vụ bọn lừa bịp đủ loại đâu chỉ một thế kỷ. Mặc dầu nhiều người đã biết được bí mật đơn giản của nó, bằng sáng chế về đèn chiếu mãi đến năm 1799 mới được cấp. Nhà vật lý Rôbecxông đã sử dụng đèn chiếu để đánh lừa những người mê tín trước khi công bố phát mình của mình. Vào năm 1797, ông tổ chức ở Pari một cuộc trình diễn trong đó ai mua vé có thể được xem linh hồn của bất cứ người chết nào.
Rôbecxông cũng đã từng sang Nga. Trên đường ông trở về, ở Pôlôtxcơ, các giảng viên chủng viện dòng Tên đã đề nghị nhà ảo thuật giúp họ răn đe một trong những học viên của chủng viện. Một thanh niên, như các đức cha dòng Tên nhận xét, có khuynh hướng chính thống giáo. Sau khi thấy được ở một chiếc đèn chiếu một phương tiện tuyệt với để răn dạy, được sự đồng ý của Rôbecxông, họ đã chiếu cho gã trai nọ xem linh hồn của người cha đã quá cố của gã quỷ sứ bị bắt xuống địa ngục vì gã đã trở thành tín đồ chính thống giáo chứ không phải là tín đồ đạo thiên chúa. Sau đó Rôbecxông đã mô tả tỉ mỉ câu chuyện này trong hồi ký của mình, thậm chí ông còn minh họa bằng tranh vẽ của ông nữa.
Khi những trò ảo thuật của chiếc đèn thần thôi không còn làm cho mọi người ngạc nhiên nữa, những kẻ mê hoặc lại nghĩ ra những hình chiếc ghê gớm hơn. Tượng đức mẹ Kadan chính là một hình ảnh như vậy được chiếu cho binh lính xem ở dạng phóng đại thật to trên nền những đám mây ban đêm nhờ các đèn chiếu. Sau đó nhiều năm, vào năm 1920, trò ảo thuật đó được lặp lại ở trên sông Vixla. Trên trời hiển hiện tượng Đức mẹ Taenxtôkhôpxkaia: Đức mẹ đã phải đứng ra giúp quân Ba Lan trong một cuộc chiến đấu chống lại bọn Bônsêvich. Như chúng ta biết, điều đó chẳng hề có tác dụng gì.
Cuối cùng, tôi muốn kể về một câu chuyện hiếm có xảy ra trước kia tại một nhà thờ Cơ đốc giáo Ba Lan. Trong lúc làm lễ, một gã quỷ sứ hiện lên trong không khí. Mặc dầu vóc nó không to, nhưng tất cả những người trong nhà thờ đều nhìn rõ cặp sừng và cái đuôi của nó.
Nhiều năm trôi qua, và quỷ lại xuất hiện trong ngôi nhà thờ đó. Sự thật là lần này chỉ có người gác tu viện nhìn thấy nó mà thôi. Nhưng ông ta đã viện hết các thánh ra để thề rằng ông ta không thể nhầm được.
75 năm sau, các nhà nghiên cứu cổ học sực nhớ đến sự hiển hiện của quỷ sứ và quyết định tìm cho ra sư bí ẩn trong đó. Họ đã chú ý đến một điều là trong nhà thờ, tại nơi qủy sứ hiện, ở một chỗ dễ thấy có treo một chiếc gương kim loại đã bị bụi rậm phủ kín. Sau khi xem xét nó, các nhà khoa học đọc thấy dòng chữ mà nhờ đó họ biết được rằng, khi xưa, chủ của chiếc gương này là nhân vật trong nhiều truyền thuyết dân gian Ba Lan tên là Pan Tvađôpxki sống vào thế kỷ XVI, ông đã từng nghiên cứu thuật chiêu hồn, chiêm tinh học và các khoa học khác. Trong sử biên niên những năm đó có một lần ông ta đã gọi hồn người vợ quá cố của vua Dicmun đệ nhị Auguxtơ. Đồng thời (bạn hãy chú ý đến chi tiết này), Pan Tvađôpxki luôn luôn mang bên cạnh mình đầu lâu, cây thập tự có hình chúa Giêxu bị đóng đinh câu rút và chiếc gương.
Cuộc tìm kiếm ngừng lại ở đó bẵng đi vài chục năm. Mãi thời gian gần đây, người ta mới tiếp tục công việc nghiên cứu. Lý do của nó là các cuộc tranh luận về chiếc đèn "thần": liệu nó có xuất hiện ở Ba Lan ngay từ triều đại vua Dicmun đệ nhị Auguxtơ hay không?
Sự liệu khẳng định rằng, Pan Tvađôpxki đã cho vua thấy lại khuôn mặt người vợ quá cố của mình. Chúng ta tin vào điều này. Vậy ông ta có thể làm điều đó bằng cách nào? Có lẽ, ông ta đã sử dụng đèn chiếu. Đó là ý kiến của đa số. Nhưng cũng có những ý kiến khác được nêu lên: chiếc đèn "thần" quá to, ông ta khó có thể giấu được nhà vua. Cần phải đi tìm một "khí cụ" khác.
Và khi đó người ta nhớ tới chiếc gương. Khi các nhà khoa học nghiên cứu nó kỹ lưỡng một lần nữa thì họ phát hiện ra chiếc gương đó có những hình ảnh khác nhau, trong số đó có hình vẽ hoàng hậu và quỷ sứ!
Những hình ảnh được khắc trên kim loại dưới những góc khác nhau có thể phản chiếu được tia sáng. Như vậy, chiếc gương là một loại đèn chiếu độc đáo. Phụ thuộc vào việc người ta đặt gương dưới góc nào theo nguồn sáng, có thể nhìn thấy hình ảnh này hay hình ảnh khác trên màn ảnh.
Nhưng vào thời đó thì màn ảnh có thể là cái gì đây? Rất đơn giản: khói bốc lên từ các bình hương đã đóng vai trò của một màn ảnh. Và trong các cuộn khói đã hiện lên những hình thù sinh ra từ thứ ánh sáng đó trước mắt những người xem đầy sửng sốt.
Trong câu chuyện hoàng hậu "hiển hiện" này, Pan Tvađôpxki đã trù liệu trước mọi việc. Còn với gã quỷ sứ thì lại là một sự ngẫu nhiên. Có lẽ khi chuẩn bị cho ngày lễ, các thầy tu đã lau sạch gương khỏi bụi bẩn.
Trong ngày lễ, nhà thờ được chiếu sáng rực rỡ. Làn khói từ các bình hương bốc lên trên trên trần. Và gã quỷ sứ bé nhỏ ẩn trong gương liền xuất hiện trước mắt những người đang cầu nguyện.
Nó đã lại xuất hiện lần thứ hai trước mắt người trông coi tu viện trong những điều kiện tương tự. Và đó là lần hiển hiện cuối cùng của nó. Vị thầy tu hoảng sợ đã quăng cả trùm chìa khóa, và những chiếc chìa khóa đã lam hư hại hình khắc chạm ẩn trong bề dày lớp gương.
Còn nếu đó là một người mê tín, thì chỉ cần một điều gì đó xảy ra là óc tưởng tưởng của anh ta sẽ vẽ nên tất cả những gì có thể có. Một khi trong ý thức của mình, anh ta đã sẵn sàng đón gặp quỷ sứ, thì đối với anh ta trong tự nhiên sẽ luôn luôn có sẵn những hiện tượng và điều kiện để nuôi dưỡng cái đầu óc mông lung thần bí của anh ta.
(còn nữa)