Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tính trong hội họa phương Tây (phần I)

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:39
gửi bởi YTSTNews

Một nhà tâm lý học phát biểu: "Nơi đáy sâu tâm linh mỗi người đàn ông đều có hình bóng một phụ nữ (anima). Và cũng thế, tận cõi lòng mỗi phụ nữ đều có hình tượng một người đàn ông (animus)". Chính vì những "anima" trong trái tim mình, các nam hoạ sĩ qua nhiều thời đại đã vẽ nên nét đẹp của người phụ nữ trong thế giới sáng tạo.

Trong giai đoạn sơ khởi của nhân loại, người phụ nữ ánh xạ qua hình tượng Eva - tượng trưng tầng bản năng và sinh vật học. Kế là hình ảnh Helena diễn tả khát vọng truy cầu cái đẹp và sự lãng mạn. Sau đó là hình tượng Maria nhân ái, thuần khiết. Rồi phá sản với cái nhìn trục xuất linh hồn ra khỏi thân xác, hoạ sĩ biến phụ nữ thành quái vật...

Trong lịch sử mỹ thuật phương Tây, các nhà hội hoạ tỏ ra rất chung tình với người đẹp Aprodite (tức Venus). Họ sáng tạo hình tượng này với ý nghĩ: đó là sự kết tinh của 2 đặc chất Eva và Helena - vừa có sức quyến rũ của tính cảm đồng thời cũng là hoá thân của cái đẹp và sự lãng mạn.

Venus của Botticelli.

Trong lĩnh vực tôn giáo và triết học phương Tây, phụ nữ chỉ là nhân vật số 2. Xuất phát điểm của cách nhìn này bắt nguồn từ câu chuyện Eva vốn là chiếc xương sườn của Adam. Nhưng cuộc hôn phối này chứng minh rằng dù ở vai trò thứ yếu, phụ thuộc, Eva vẫn có khả năng uy hiếp Adam, vì một lẽ Adam không thể tồn tại một mình, có nghĩa là người đàn ông không hoàn hảo, cần được bổ sung. Và hôn phối là kết hợp 2 yếu tố đối lập trong thế hài hoà. Vì thế một mặt, người đàn ông ca tụng phụ nữ là hoá thân của cái đẹp và tình yêu, nhưng mặt khác, họ cũng coi phụ nữ là tai họa. Không phải ngẫu nhiên người Trung Quốc cổ đại đặt bộ "nữ" trong các từ có ý nghĩa không cao đẹp. Niềm vui và sự nguy hiểm; cái đẹp và tội ác; tình yêu và dục vọng; bí ẩn và quyến rũ, có lẽ đó là những đối cực khó hiểu mà người phụ nữ đã làm cho đàn ông đau khổ và say mê.

Cho nên trong lĩnh vực hội hoạ, đàn ông rất mê vẽ phụ nữ. Để làm gì?

Một là ca tụng thân thể nữ tính. Hai là mượn hội hoạ để "đóng khung" nữ giới, muốn nữ giới trở nên đẹp theo tiêu chuẩn của mình. Qua hình tượng Maria, các nhà nghệ thuật hy vọng nữ giới sẽ trinh khiết và nhân hậu. Ba là phóng xuất dục vọng của mình trên đối tượng miêu tả. Trong tư liệu Người nghệ sĩ và tranh khoả thân thế kỷ XX, ta bắt gặp lý giải của hoạ sĩ Kandinsky: "Đầu tiên nền tranh thuần khiết như một xử nữ. Rồi với ngòi bút đầy khát vọng của mình, tôi phác chỗ này, vẽ chỗ kia, đậm nhạt nông sâu. Thông qua cây cọ, tinh lực của tôi chinh phục hoạ diện...".

Venus của Tiziano.

Vào thời đồ đá cũ trên 20.000 năm trước Công nguyên, con người đã sáng tạo hình tượng nữ tính. Trong Bác vật quán tự nhiên, ta có bức tượng Venus cao 11 cm, cách đây 30.000 năm với chiếc đầu tròn, bộ ngực đồ sộ, tượng trưng cho sức mạnh sinh thực nữ tính. Đương thời cái đẹp của người phụ nữ đặt nền tảng trên khả năng phồn diễn hậu đại. Ở đây, thân thể phụ nữ đã được tách khỏi đời sống tự nhiên, để đảm nhận vai trò có ý nghĩa thiêng liêng nhất là sinh nở.

Trong ý nghĩ đó, tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định cái đẹp nữ tính bấy giờ là "tính trưng" (ngựa và cơ quan sinh dục) có nổi bật lên hay không.

Thời đại đồ đá cũ thuộc xã hội mẫu hệ nguyên thuỷ đặc biệt chú trọng đến năng lực sinh dục của phụ nữ. Do đó nảy sinh quan điểm liên tưởng hoá sinh sản lực và sinh dục lực của nữ tính. Vì thế dưới mắt của người thời kỳ tiền sử, Venus giữ vai trò "nữ vu" đầy pháp lực để duy trì sự phồn diễn và sản sinh trên trái đất.

Đến thời Cổ Hy Lạp, thuộc tính của Venus càng lúc càng có xu hướng phức tạp hoá. Trong nữ thần Hy Lạp, Venus bắt nguồn từ thần thoại Cận Đông, ngoài sinh dục và sản lực, còn tiếp nhận nhiều đặc tính khác của phụ nữ. Dưới cái nhìn của các điêu khắc gia Hy Lạp, Venus có thần thái ưu nhã, cơ thể hài hoà, cân đối, sung mãn. Dù bị ước thúc bởi hình thức cổ điển nhưng hình tượng Venus vẫn không giấu nổi sức quyến rũ nữ tính. Bức tượng Venus de Milo nổi tiếng được coi là tác phẩm tượng trưng cho nền nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Cao 204 cm, tác phẩm này thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Hy Lạp về phụ nữ: mềm mại và tình cảm.

Venus của Bouguereau.

Vào thời đại La Mã, Venus có nhiều chuyển hoá. Ngoài việc giữ lại địa vị nữ thần, Venus thời đại La Mã bắt đầu có quan hệ với hoàng đế, trở thành hoàng tộc được tôn quý và hưởng thụ khoái lạc nhân gian. Nhưng do khuynh hướng trọng thị thực tế, thiếu khả năng tưởng tượng phong phú, các nghệ sĩ La Mã thường sáng tạo hình tượng Venus không diễm lệ và quyến rũ. Từ những bích hoạ khai quật được ở Pompeii (Italy), hoặc tranh vẽ phụ nữ trong các quan tài, có thể phát hiện cái đẹp của người La Mã. Phụ nữ La Mã có các kiểu tóc cầu kỳ, trang sức diễm lệ nhưng thiếu hẳn nét uyển chuyển cổ kính của Hy Lạp. Cái đẹp của họ mang vóc dáng thế tục.

Đến thời Trung Cổ, toàn bộ châu Âu bị cuốn hút vào cơn lốc tôn giáo. Điều này góp phần làm thay đổi diện mạo phụ nữ trong mỹ thuật. Vẻ đẹp Venus hiển lộ tính chất quyến rũ nhục thể đã bị chỉ trích; hình tượng Đức Mẹ xuất hiện với thuộc tính từ ái, trinh khiết, cao nhã có khả năng vỗ về thời đại bất an, đề cao tiêu chuẩn đạo đức.

Do đó nếu Venus đại diện cho cái đẹp của nữ tính thì Đức Mẹ toả sáng phẩm chất mẫu tính của phụ nữ.

Còn nữa

(Theo Kiến Thức Ngày Nay)

 
Sưu tầm từ vnexpress