Cơ chế chuyển giao công nghệ đang bóp nghẹt sáng tạo
Hoạt động chuyển giao công nghệ theo chiều dọc (từ viện, trường chuyển cho các doanh nghiệp) hiện nay còn ít, gặp nhiều rào cản và đặc biệt là thiếu các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết việc xác lập quyền sở hữu công nghệ, quyền chuyển giao các kết quả nghiên cứu và triển khai công nghệ mới...
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu trong một cuộc hội thảo mới đây tại Hà Nội, xung quanh vấn đề cơ chế chính sách và vai trò của các tổ chức nghiên cứu trong chuyển giao công nghệ.
Ông Trần Văn Lương, ở xưởng thực nghiệm - Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, đưa ra một ví dụ điển hình: Ở cơ sở của ông xảy ra một vụ tranh chấp trong chuyển giao công nghệ cho nhà máy giấy Bãi Bằng, nhưng 13 năm qua vẫn chưa giải quyết được. Chính vì thế mà công nghệ sản xuất giấy công suất cao, giá thành hạ này dù đã được thử nghiệm nhưng cả chục năm nay vẫn chưa được ứng dụng. Trong khi đó, việc mua công nghệ của nước ngoài đã làm giá giấy đắt hơn từ 30 đến 80%. Ông nói: Không phải công nghệ của Việt Nam kém, không phải vì vốn, vì trí tuệ mà là vì cơ chế!.
Giám đốc một doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc lại than thở rằng, chỉ vì những định nghĩa không rõ ràng trong quy định mà bên ông và đối tác (Hàn Quốc) đã mất hơn một ngày cãi nhau và không bàn tiếp được nữa. Cuối cùng đối tác phải bay về nước, thế là cũng mất luôn hợp đồng chuyển giao.
Ông Phan Huy Chi, giám đốc Trung tâm phát triển vùng, nhấn mạnh Nhà nước có chính sách nhưng không đến được với doanh nghiệp; mà đến được thì việc thực hiện còn khó khăn hơn vì những người thực hiện dường như không nắm được. Ông nói: Có lần chúng tôi chuyển giao công nghệ giống tôm nhưng đi qua cửa khẩu Tân Thanh vẫn phải nộp thuế. Cán bộ hải quan yêu cầu chúng tôi về xin giấy của Bộ Tài Chính thì được miễn nộp, nhưng đợi làm thủ tục xin được giấy thì công nghệ lạc hậu mất rồi, thà nộp cho xong". Ông Chi đề nghị mọi chính sách phải được xã hội hóa đến từng cán bộ thực thi thì mới thực sự có ý nghĩa.
Cũng chính vì những khó khăn trong cơ chế, mà dường như các cơ sở nghiên cứu không mặn mà mấy với việc sáng tạo công nghệ. Ông Hoàng Minh Hải, Viện Chiến lược - Bộ kế hoạch và Đầu tư, lấy ví dụ "cả một Viện Nông cụ lớn thế cuối cùng để một ông nông dân phát minh ra máy cắt lúa!" Ông kiến nghị cần phải có chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh hơn nữa về mặt tài chính thì mới thúc đẩy được chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Trần Dương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng kinh tế TP HCM, cho rằng: Chúng ta đang áp dụng một cơ chế chính sách tĩnh cho một hệ thống chuyển giao công nghệ rất động. Theo ông, vai trò của các cơ quan khoa học không giống nhau, ở mỗi lĩnh vực một khác, vì thế khi ban hành chính sách phải cụ thể tới từng lĩnh vực, cần linh hoạt chứ không phải cứ theo trình tự xét duyệt xin-cho và hỗ trợ theo kiểu nhỏ giọt.
(Theo Thanh Niên)