Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

7 thí sinh lọt vào vòng chung khảo sáng tạo phần mềm

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:41
gửi bởi Theme Hunter

Sau khi trải qua các vòng sơ khảo tại trường Đại học Bách khoa (Hà Nội), cuộc so tài tại Đài truyền hình VN tối qua đã phân định 3 giải nhất và 2 giải nhì ở bảng D. Trong khi đó bảng E chỉ có 2 giải nhì mà không có người đứng đầu.

2 giải nhì của bảng E, dành cho khối chuyên toán - tin thuộc về Diễn đàn offline của Nguyễn Bá Sơn và Thành phố của em của Nguyễn Đặng Việt Anh.

Trao đổi với VnExpress, Nguyễn Bá Sơn, lớp 10A1, trường phổ thông chuyên toán - tin, Đại học sư phạm Hà Nội, tâm sự: Việc quản lý được một diễn đàn trên mạng hiện rất khó khăn vì thông tin và chuyên mục trong diễn đàn rất phong phú, trong khi đó chất lượng đường truyền của chúng ta vẫn còn hạn chế mà giá cước lại không rẻ chút nào. Do đó, em nảy ra ý tưởng phần mềm này nhằm mục đích giúp người sử dụng vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm thiểu chi phí.

Diễn đàn offline (Diễn đàn ngoại tuyến) download nội dung thông tin trên diễn đàn xuống máy tính của người dùng. Nhờ đó, người sử dụng vẫn có thể thưởng thức tất cả những nội dung vừa tải xuống, dù máy tính không thực hiện kết nối Internet. Phần mềm sẽ hỗ trợ người dùng nâng cao mức độ kiểm soát và sẽ chủ động hơn về mặt thời gian.

Với vai trò là người quản lý Giangvo.com, 1 diễn đàn hiện đang hoạt động trên Internet, Bá Sơn rất tự tin với phần mềm của mình: Em phổ biến Diễn đàn offline để phục vụ các bạn trong diễn đàn của mình và cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình làm phần mềm này, Sơn cũng gặp phải khó khăn về tính bảo mật và cách thức xử lý các file nén.

Đây là lần thứ 2 em tham gia Hội thi tin học trẻ không chuyên. Trong cuộc thi lần trước, tổ chức ở Đà Nẵng, Bá Sơn đã giành được giải nhất với phần mềm ED 1.3 - dùng để hỗ trợ quá trình học toán.

Nguyễn Đặng Việt Anh, lớp 10 chuyên tin, trường Hà Nội Amsterdam, đã 4 lần tham gia Hội thi tin học trẻ không chuyên với nhiều thành tích. Lần này, Việt Anh lại tiếp tục khẳng định mình với phần mềm có tính thực tiễn Thành phố của em. Mọi người có thể khai thác sản phẩm này tại trang web: http://lugia.premium.ws/Mycity.swf.

Việt Anh cho biết: Hiện nay, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông là một trong những vấn đề bất cập nhất. Do đó, ý tưởng viết phần mềm game này của em giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc chấp hành luật lệ giao thông và khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Tại bảng D (phần mềm sáng tạo không chuyên), khối tiểu học có Trần Quang Thiện (lớp 5 trường Trần Cao Vân, Đà Nẵng) đoạt giải nhất với sản phẩm Hướng dẫn an toàn giao thông cho học sinh tiểu học. Trần Thụy Vũ My, lớp 5/6 trường tiểu học Ngô Quyền, Cần Thơ, giành giải nhì với phần mềm Học và chơi.

Phạm Hoàng Huy và Trần Thụy Vũ My. Ảnh: D.H
Phan Hoàng Huy và Trần Thụy Vũ My. Ảnh: D.H.

Ở khối THCS, giải nhất thuộc về em Phan Hoàng Huy (Đà Nẵng) với phần mềm Thư viện toán học. Võ Thành Minh Tuệ (TP HCM) giải nhì với sản phẩm Địa lý tự nhiên Việt Nam. Phần mềm của Tuệ thích hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh phổ thông. Cậu cho biết, sản phẩm dự thi này cung cấp kiến thức về địa lý Việt Nam, giúp người dùng có thể ôn tập, đánh giá kết quả trắc nghiệm. Đặc biệt, người sử dụng cũng có thể tìm kiếm thông tin về 1 vị trí địa lý nào đó ngay trên phần mềm này.

Khối PTTH, giải nhất thuộc về em Lê Xuân Tiến (TP HCM) với Bán hàng qua mạng-Eshop. Phần mềm Công cụ hỗ trợ quản lý trường học của em Nguyễn Trọng Nhân (TP HCM) giành giải nhì.

Đại diện của Hội đồng giám khảo, ông Chử Đức Nhã, Thư ký Ban chỉ đạo CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho VnExpress biết: Dựa vào 5 tiêu chí đánh giá các sản phẩm phần mềm là tính sáng tạo, tính ứng dụng, giao diện thân thiện, đóng gói và khả năng thuyết trình, chúng tôi đã chọn ra được những thí sinh tiêu biểu nhất giải cho các khối D và E. Tuy nhiên, theo ông, Hội đồng giám khảo đặt kỳ vọng rất lớn rằng các thí sinh dự thi bảng E sẽ đem lại nhiều sản phẩm phần mềm sáng tạo, độc đáo nhưng vòng chung khảo kết thúc lại không có giải nhất giành cho khối chuyên toán - tin. Đây là một điều rất đáng tiếc đối với hội thi.

Ông Nhã gợi ý: Trong những năm tới, hội thi nên ra chủ đề và một số công cụ trước và thí sinh sẽ tự nghĩ ra cách lập trình sản phẩm của mình. Như vậy, chất lượng cuộc thi sẽ trở nên cao hơn và phong phú hơn.

Diễm Hằng - Nguyễn Hương

Sưu tầm từ vnexpress