Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Công bố giải thưởng sáng tạo khoa học VN 2004

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:42
gửi bởi Inviblesi

Một trong số những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã được trao tối qua, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Trong số 5 lĩnh vực dự thi, chỉ có 2 lĩnh vực có giải nhất, là Công nghệ vật liệu mới và Cơ khí -Tự động hóa.

Đáng chú ý nhất trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa là Thiết bị sản xuất sữa chua công suất 6.000 lít/giờ đạt tiêu chuẩn quốc tế, của tập thể tác giả PGS Đinh Văn Nhã, kỹ sư Mai Kiều Liên và cộng sự. Giải nhất lĩnh vực cơ khí và tự động hóa. Lâu nay, các nhà máy sữa của Việt Nam thường dùng sữa bột nhập ngoại để sản xuất sữa chua, nhằm tránh khâu sơ chế. Song cách làm này khiến cho sản phẩm sữa bò tươi của người nông dân khó được chấp nhận. Thiết bị mới ra đời đã giúp sản xuất sữa chua trực tiếp từ sữa tươi, góp phần giảm nghèo cho những người nông dân vùng xa, giúp tăng sản lượng đàn bò từ 29.000 con năm 1999 lên 75.000 con năm 2004. Đề tài đã được ứng dụng cho gần 50 nhà máy sữa ở Việt Nam, như nhà máy Sữa Hà Nội, sữa Sài Gòn, Trường Thọ, Thống Nhất, Cần Thơ..., tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước do không phải nhập sữa bột.

Máy biến áp của Nhà máy thiết bị điện Đông Anh.
Máy biến áp của Nhà máy thiết bị điện Đông Anh.

Cũng trong lĩnh vực này, kỹ sư Trần Văn Quang, Nguyễn Thị Nguyệt và cộng sự Nhà máy thiết bị điện Đông Anh đã chế tạo thành công máy biến áp 125 MVA - 220 kV, hiện đại, với tính năng tương đương nhưng giá rẻ hơn máy nhập ngoại từ 10-15%. Máy biến áp này là thiết bị truyền tải điện năng và cũng là thiết bị chính trong hệ thống lưới điện quốc gia. Để sản xuất nó, đòi hỏi có trình độ hiện đại. Công trình tuy chỉ đoạt giải nhì, nhưng được đánh giá rất cao, là minh chứng cho "tính mới, tính sáng tạo" của cán bộ nhà máy, mở ra hướng sản xuất mới cho doanh nghiệp, tiết kiệm ngoại tệ cho ngành điện Việt Nam.

Với công trình này, Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã được nhận giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giành cho nhà sáng tạo nữ xuất sắc.

Cũng lần đầu tiên ở Việt Nam, kỹ sư Trần Quang Vũ và cộng sự thuộc Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đã chế tạo thành công vật liệu hàn chất lượng cao, dùng cho đóng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công trình đoạt giải nhất trong lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới.

Trong lĩnh vực sinh học, nhiều đề tài đang được ứng dụng trong thực tế như công trình "Tận dụng dư phẩm nguồn gốc thiên nhiên tạo ra phụ gia thực phẩm an toàn thay thế hàn the độc hại" của PGS Nguyễn Ngọc Tú và cộng sự, Phòng nghiên cứu Polymer dược phẩm - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (giải nhì).

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, đáng chú ý là công trình của GS Hoàng Bá Chư, Đại học Bách khoa Hà Nội, đã chế tạo lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người công nhân. Đến nay, đã có hàng nghìn lò gạch kiểu này ở các tỉnh Hải Dương, Hòa Bình. Ngoài ra, còn có công trình thu gom, xử lý rác thải nilon của tiến sĩ Mai Ngọc Tâm và cộng sự, thuộc Viện Vật liệu xây dựng, giúp giải quyết một vấn đề bức xúc hiện nay là xử lý rác thải nilon thành sản phẩm hữu ích cho xã hội (cả hai đều đoạt giải nhì).

Lĩnh vực Công nghệ thông tin và viễn thông không có giải nhất. Cả hai giải nhì đều thuộc về các đề tài ứng dụng phần mềm trong khai thác mỏ dầu tại Việt Nam, của TS Phạm Hoàng Nam và cộng sự (Học Viện kỹ thuật quân sự) và PGS Nguyễn Văn Gia, Viện Cơ học ứng dụng TP HCM.  

Đây năm thứ 10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ. Cũng nhân dịp này, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã trao giải thưởng cho 4 đề tài xuất sắc nhất.

Các giải nhất Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam 2004

Lĩnh vựcTên đề tàiTác giả
Vật liệu mớiHoàn thiện công nghệ sản xuất vật liệu hàn chất lượng cao dùng cho đóng tàu.KS Trần Quang Vũ và cộng sự, Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.
Cơ khí và Tự động hóaNghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị sản xuất sữa chua công suất 6000l/hPGS Đinh Văn Nhã (ĐH Bách khoa Hà Nội), Kỹ sư Mai Kiều Liên (Tổng giám đốc công ty sữa Việt Nam) và cộng sự.

Các giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

Doanh nghiệp: Công ty May Việt Tiến - cho doanh nghiệp xuất sắc nhờ áp dụng có hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới vào sản xuất kinh doanh. Mỗi năm, Việt Tiến đầu tư trên 500 triệu đồng cho việc phát triển các sáng chế, sáng kiến và bảo hộ bản quyền sản phẩm.
Nhà sáng tạo xuất sắc: PGS Đinh Văn Nhã (ĐH Bách khoa Hà Nội), PGS Đinh Văn Thuận (Công ty Cơ điện lạnh Bách khoa), kỹ sư Mai Kiều Liên (Công ty sữa Việt Nam), với thiết bị sản xuất sữa chua công suất 6.000 lít/giờ.
Nhà sáng tạo nữ xuất sắc: Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, Nhà máy thiết bị điện Đông Anh, Hà Nội, đề tài chế tạo máy biến áp 125 MVA - 220 kV.
Nhà sáng tạo trẻ xuất sắc: Nhóm sinh viên Học viện quân y (Lê Việt Anh, Đỗ Như Bình, Lê Đức Mạnh, Lại Bá Thành, Mai An Giang), công trình Nghiên cứu nhân trắc vùng cổ cằm trên người trưởng thành ứng dụng trong tạo hình sẹo bỏng.

Thuận An

 
Sưu tầm từ vnexpress