Người có 13 sáng chế 'không đụng hàng'
Căn phòng nhỏ, gói gọn trong không gian chừng 3 m2, ông ngồi đó, tỉ mỉ với những hình vẽ, con số... Phía đầu chiếc giường đơn ọp ẹp, hồ sơ, biểu mẫu, mô hình những phát minh của ông xếp gọn trong từng bộ hồ sơ dày cộp. Ở cái tuổi gần thất thập, ít ai nghĩ rằng, ông vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo.
"Tôi lớn lên từ cọng rơm, gốc rạ nhưng lại trưởng thành nhờ sắt thép, xi măng- ông có thói quen giới thiệu về mình bằng những lời đơn giản ấy.
Anh công nhân bậc 6 và ước mơ thành tiến sĩ
Ngày còn là cậu bé cưỡi trâu, rong ruổi ngoài đồng, Đào Huân đã có thói quen mày mò, tìm hiểu cấu trúc của các vật dụng quanh nhà. Thấy con có khiếu, và với ước mong con mình sẽ học hỏi được thêm nhiều kiến thức, cha Đào Huân chấp nhận cho anh vào làm con nuôi, học nghề ở một xưởng cơ khí tại Hà Nội. Rời vùng quê thân yêu, cậu bé Đào Huân như bước vào một thế giới đầy ắp sự khám phá. May thay, những kiến thức mà ông học được từ những ngày ở xưởng cơ khí lại rất hữu ích khi làm việc tại công trường xây dựng. Ở cái tuổi 25, Đào Huân đã là anh công nhân bậc 6, bậc của một người thợ lành nghề.
Đào Huân càng làm việc càng khát khao kiến thức. Lúc ấy, tôi như thằng mù, chỉ biết dựa trên sự hiểu biết ít ỏi, vận dụng liều để cải tiến mấy chiếc máy cũ kỹ của công trường. Càng làm, càng ước ao phải chi mình được đến trường, được tiếp xúc với kiến thức bài bản- ông nhớ lại.
Nguyện vọng của ông may mắn được công ty chấp nhận. Có ai ngờ, anh công nhân lao động chân tay, mà thi một lần lại đỗ ngay vào đại học xây dựng. Thừa thắng xông lên, anh vừa làm việc vừa học tập, trở thành kỹ sư cao cấp, rồi trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
10 năm và 13 công trình sáng chế
Công trình nghiên cứu về chiếc máy ép cọc tự hành đa năng mà ông đang sở hữu khiến nhiều người ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi xe xích có bàn tựa quay, thiết bị ép cọc thủy lực được ghép với nhau thành một cỗ máy ép cọc tiện dụng, có khả năng di chuyển, tiết kiệm nhân công và thời gian lao động. Đây chính là kết quả của ông trong những ngày ấm ức vì các công trình thi công không kịp tiến độ. Mỗi lần ép cọc là mỗi lần phải lắp đặt, tháo dỡ và lắp đặt ở vị trí kế tiếp. Tại sao không thử vận hành một chiếc máy ép cọc có khả năng điều khiển vị trí ép? Đó là câu hỏi ám ảnh ông trong suốt thời gian làm việc ở tổng công ty xây lắp máy. Tuy nhiên, công việc hằng ngày lại chiếm hết thời gian của ông, khiến các công trình nghiên cứu cứ dở dang.
Nhìn những công trình còn bỏ ngỏ của mình, 55 tuổi, Đào Huân quyết định nghỉ việc, dồn sức vào sáng chế. Những nhân viên Cục Sở hữu Trí tuệ phải ngạc nhiên vì chỉ với 10 năm, ông đã lần lượt cho ra đời và đăng ký bảo hộ đến 13 công trình sáng chế. Từ máy băng chuyền tự hành đa năng đến các máy ép cọc, máy kích mở rộng phạm vi sử dụng cần trục ôtô... Hình như, tôi 'chế' nhiều hơn là 'sáng'" - ông đùa. Tuy nhiên, đây chính là các công trình mang tính khắc phục những nhược điểm và mở rộng những tính năng mới cho các thiết bị hiện tại.
Đặc biệt, công trình nghiên cứu dây chuyền công nghệ mà ông vừa hoàn tất đã mở ra một triển vọng mới cho ngành xây dựng khi mà các khâu lao động đều được thực hiện trong một dây chuyền kỹ thuật khép kín, hạn chế được tai nạn trên những công trường xây dựng hiện nay. Ít ai biết, công trình ấy đã khắc dấu trong ông một kỷ niệm thật buồn.
Nỗi đau của nhà sáng chế
Tiếng thét đau đớn từ một công nhân mê sáng tạo đã vang lên trên những tạp âm ồn ã của công trường trong ngày ông vận hành thử chiếc máy ép cọc tự hành đa năng. Chẳng do ông, cũng chẳng phải do lỗi của thiết bị. Với bản tính hay hòa đồng với công nhân, khi lắp đặt xong hệ thống máy, ông đã xuống cùng với công nhân để hướng dẫn họ. Trên đầu máy, anh chàng kỹ sư vận hành đã điều khiển máy không đúng thao tác, làm cần trục xúc thẳng vào chân của nhà sáng chế.
Gãy nát xương đầu gối, tưởng chừng phải tháo khớp nhưng ông may mắn được các bác sĩ điều trị tận tình, tránh được tình trạng mất chân nhưng từ đó, ông đi lại rất khó khăn. Lầm lũi trong căn hộ chung cư cũ với người con gái, lại thiếu sự chăm sóc từ bàn tay người vợ, không gian trong nhà dường như buồn hơn. Tôi mải mê công việc, chẳng còn thời gian để chăm sóc những người thân yêu mình. Bây giờ, có lẽ tất cả đã muộn... - ông nói vậy với cái nhìn xa xăm.
Nhìn những công trình nghiên cứu với tất cả tâm huyết của mình trong ngần ấy năm vẫn còn nằm trên giấy vì thiếu kinh phí đầu tư sản xuất, con người mê sáng tạo này lại càng đau đáu nỗi buồn. Chất xám của mình đang đóng bụi, buồn lắm! - ông tâm sự. Không màng đến lợi nhuận, ông đã cho vận hành miễn phí một vài công trình của mình nhằm kiểm chứng tính ứng dụng. Thực tế đã chứng minh những công trình của ông hoàn toàn có thể ứng dụng được tại Việt Nam. Nhà sáng chế không ngần ngại chia sẻ mong ước gần như là cuối đời: Tôi sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư, chỉ mong các công trình trên giấy của mình được đi vào cuộc sống.
Liên hệ: TS Đào Huân - Lô D1, phòng số 7, cư xá 304, P.25, Q. Bình Thạnh TP HCM.
(Theo Người Lao Động)