Hình mẫu này được xếp vào nhóm 50 sáng tạo nổi bật của Thụy Điển qua các thời kỳ trong gian trưng bày của nước này tại triển lãm Expo 2010 Thượng Hải (Trung Quốc).
Ericsson Tower Tube (ETT) là lời giải cho rất nhiều câu hỏi và mối quan tâm của các nhà khai thác mạng trong vấn đề tìm địa điểm lắp đặt và giảm chi phí vận hành. Thiết kế này bao gồm trạm phát sóng và ăng-ten, tất cả được đặt trong tháp hình ống khói bằng chất liệu xi măng. Toàn bộ thiết bị bên trong được che chắn, tránh bị hỏng hóc do những yếu tố không thuận lợi về thời tiết bên ngoài gây nên.
So với trạm phát sóng thông thường bằng chất liệu thép, nó có diện tích tiếp xúc đất ít hơn, hình dáng nhỏ gọn hơn nên các nhà khai thác mạng bớt khó khăn khi tìm địa điểm lắp đặt, bớt chi phí về thuê đất để lắp đặt nhà trạm. Chất liệu xi măng giúp giảm năng lượng và lượng khí thải trong quá trình sản xuất thiết bị và triển khai, đồng thời, số lượng các feeder bị trục trặc giảm đáng kể và không cần phải có hệ thống làm lạnh.
Theo tính toán của nhà thiết kế, toàn bộ thiết bị trong khâu sản xuất và vận chuyển giảm lượng khí thải CO2 vào môi trường tối thiểu là 30%. Do trạm phát sóng (BTS) được đưa vào tháp và được thang máy chuyển lên cao đặt gần đỉnh tháp nên hạn chế hiện tượng suy hao. Theo tính toán, thiết kế hình ống khói tận dụng hệ thống thông gió giúp tiết kiệm 40% năng lượng điện, giảm chí phí vận hành cho các nhà khai thác mạng.
Công trình được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu xi măng nên giảm thiểu mức gây hại đối với môi trường trong quá trình sản xuất. Thiết kế này cũng không gây phản cảm với mỹ quan của các vùng đô thị hay đông người. Chiều cao của ETT có thể điều chỉnh linh hoạt. Màu sắc cũng có thể tùy biến để phù hợp mỹ quan các công trình xung quanh.
Năm 2008, ETT đã giành được giải thưởng thiết kế cho các công trình công nghệ trong hạng mục các sáng tạo của tạp chí Wall Street Journal. Tháng 10/2008, Ericsson hợp tác với Vertical Wind AB và đại học Uppsala ở Thụy Điển phát triển giải pháp này ở mức độ tối ưu hóa năng lượng hơn bằng cách sử dụng năng lượng gió. Người thiết kế là kiến trúc sư Thomas Sandell. Trạm đầu tiên đặt ở Kista, nơi được coi là "Thung lũng Sillicon" của Thụy Điển.
Minh Hồng