Anh nông dân Tây Nguyên giàu sáng kiến

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ

Anh nông dân Tây Nguyên giàu sáng kiến

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 17 Tháng 7 2010, 08:14

Một nông dân phát minh ra ba sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng cho nông dân. Ông là bác sĩ duy nhất chữa khỏi bệnh tuyến trùng rễ ở cây tiêu và cũng là người đầu tiên ghép thành công cây tiêu trên gốc cây trầu không.

Thời bao cấp, anh là giáo viên Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, nhưng vì nhiều lý do nên quyết định bỏ ngang để chuyển về đầu tư mở cửa hàng xay xát hàng nông sản. Tưởng như cái nghề bụi bặm này sẽ cho anh thu nhập cao nhưng thực ra nó chỉ tồn tại được khoảng 5 năm thì bão hòa.

Cuối cùng, anh phải chọn nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Dấn thân vào nghiệp chân lấm, tay bùn, anh thấu hiểu sự cơ cực của người nông dân khi bỏ ra nhiều công sức, đầu tư nhiều tiền của cho các đám rẫy nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi những mùa vụ thất bát, nợ nần chất chồng. Thực tế ấy khiến nhiều hộ dân đành phải bỏ rẫy hoang; chặt bỏ gốc cà phê thay thế cây trồng khác hoặc chỉ chăm sóc cầm chừng giữ lại vườn cây để chờ... thiên thời.

7 ha cà phê của anh Vũ Văn Tam Lang (93 Phan Đình Phùng, TP Pleiku - Gia Lai) cũng không đứng ngoài vòng xoáy nên mỗi năm chỉ thu được khoảng vài chục triệu đồng (lấy công làm lãi). Số tiền này giống như hạt muối bỏ biển khi anh tái đầu tư cho sản xuất vụ tới: mua phân bón, thuốc; thuê công làm cỏ, đào hố, banh bồn...

Đã có lần, anh Lang bất lực và đứng nhìn đám rẫy của mình biến thành đám rừng hoang với những loại dây leo chằng chịt, động vật gặm nhấm, chim chóc rủ nhau về làm tổ...

Không chịu bó tay, anh khăn gói sang tận Đăk Lăk tìm hiểu kinh nghiệm ghép cà phê, rồi trở về tiếp tục vay vốn, thuê máy móc ủi bật những gốc cây dại để trồng mới cà phê lại từ đầu. Kiên trì vậy, nhưng giá cà phê ngày càng tụt giảm mạnh, nợ nần cứ phình to...

Trăn trở duy nhất của anh lúc này là làm sao để giảm bớt được số ngày công thuê mướn lao động, nhưng vẫn phải đảm bảo năng suất vườn cà phê không giảm. Và sáng tạo cải tiến máy cày tay thành máy banh bồn, ép xanh gốc cà phê đã được ra đời.

Banh bồn, ép xanh là một công đoạn quan trọng nhất của những người trồng cà phê - quyết định đến 50% năng suất trong mùa vụ tới. Kể từ khi đưa máy vào sử dụng trên những đám rẫy của mình thấy hiệu quả vượt ngoài sức tưởng tượng, anh Lang đã đem máy đi giúp đỡ miễn phí cho các hộ dân quanh vùng.

Trong những năm trước, cứ vào đầu mùa mưa, người nông dân trồng cà phê đều phải sử dụng tối đa lao động (thuê mướn hàng chục lao động/ha) dùng cuốc đào những hố có chiều sâu và rộng (20 x 20 cm) rồi ép xanh (chôn các loại cây cỏ rác, cành, lá cà phê...) nhằm tạo độ tơi xốp cho đất, giữ độ ẩm trong mùa khô và phòng chống dịch bệnh...

Khi dùng máy cải tiến của anh Lang, chỉ cần 1 hoặc 2 lao động là có thể dễ dàng len lỏi trong các lô cà phê đào được những vệt dài (banh bồn theo ý muốn tùy thích), với độ sâu, chiều rộng hố trung bình đạt 40 x 40 cm (1 người nông dân có thể dễ dàng dùng máy cải tiến vừa xới đất, vừa banh bồn được ít nhất là 1 ha/ngày).

Trước đây, mỗi hecta cà phê, người nông dân phải tốn kém hàng trăm ngày công (tổng chi phí hết khoảng 5 triệu đồng/ha), nhưng áp dụng phương pháp cải tiến của anh Lang thì chỉ tốn 240.000 đồng tiền công + 60.000 đồng tiền xăng dầu = 300.000 đồng/ha (giảm hơn 16 lần/ha).

Bằng phương pháp mới này, anh Lang đã giảm chi phí cho đám rẫy của gia đình được hơn 30 triệu đồng/năm. Anh Lang cho biết: Dùng phương pháp này sẽ hạn chế tối đa việc bón phân chuồng, giữ được độ ẩm cho cây trong mùa khô, tận dụng hết được các loại phế phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh, làm tơi xốp đất... nên cây cà phê phát triển mạnh, tán rộng, năng suất đạt 20-40 kg quả/gốc.

Không những thế, anh Lang còn là người đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên nghiên cứu thành công việc tìm ra phương pháp chữa khỏi bệnh cho cây tiêu bị nhiễm bệnh tuyến trùng rễ (bệnh vàng lá) - đây là loại bệnh mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra biện pháp chữa trị (trong những năm qua, dịch bệnh này đã xóa sổ hàng trăm hecta tiêu trên địa bàn huyện Chư Prông, TP Pleiku, huyện Chư Sê...).

Khó chữa vì bệnh nằm trong bộ rễ của cây hồ tiêu và mức độ lây lan rất nhanh. Khi cây tiêu lâm bệnh, dây tiêu sẽ chết lụi dần. Vườn tiêu của gia đình anh Lang có hơn 2.000 trụ, nhưng bỗng nhiên khi cây bò lên được nửa thân trụ thì lá bắt đầu chuyển sang màu vàng, rồi rụng quả, rụng đốt (trụ bị nặng nhất là lá và quả tiêu đã rụng hết, cây héo teo tóp - cây tiêu đã chết hơn 90%). Trước nguy cơ trắng tay, anh Lang đi vái tứ phương, kể cả đi gõ cửa các cơ quan chức năng cầu cứu... nhưng tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Không chịu bó tay, anh nhanh chóng trở về và cần mẫn với từng gốc tiêu để tìm cách chữa bệnh với những tia hy vọng cuối cùng.

Giữa lúc khốn cùng, một phát minh đã lóe sáng trong đầu anh. Đó là áp dụng phương pháp dẫn nước (đưa thuốc vào trong bộ rễ của mỗi cây) để diệt hết tuyến trùng. Đặc biệt khi dùng phương pháp này, người nông dân không phải đào gốc cây tiêu lên (vì điều kỵ nhất của cây tiêu khi đang nhiễm bệnh là không được làm thương tổn bộ rễ). Với phương pháp này, chỉ hai tuần sau vườn tiêu của anh đã có những chuyển biến rõ rệt: lá cây dần xanh trở lại, các đốt cành không rụng nữa và xuất hiện những chồi non mới.

Đến nay, nhiều cây hồi phục nhanh đã cho trái trĩu cành. Ông Nguyễn Quý - cán bộ kỹ thuật Phòng kinh tế huyện Chư Sê - nơi được xem là vựa tiêu của Tây Nguyên - cho biết: Đến nay, các cơ quan chức năng chưa tìm ra phương pháp chữa bệnh khi cây tiêu bị nhiễm bệnh tuyến trùng rễ mà hiện chỉ dùng phương pháp đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hiện, trên địa bàn huyện Chư Sê, loại dịch bệnh này vẫn đang hoành hành, số lượng tiêu bị chết đã chiếm khoảng 15% tổng diện tích. Chúng tôi vừa nghe nói có ông Lang ở Pleiku đã tìm ra biện pháp chữa khỏi bệnh cho cây tiêu rất hiệu quả nên trong thời gian tới sẽ đưa cán bộ đến nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm.

Đặc biệt, cũng trong lúc cây tiêu đang bị nhiễm bệnh vàng lá nói trên, anh Lang trở thành kỹ sư đầu tiên nghĩ ra một phương án đối phó mới: đó là ghép cây hồ tiêu lên cây trầu không. Với một suy nghĩ rất nông dân là: cây trầu không cùng họ với cây tiêu, rễ cây trầu cay nồng nên khó có khả năng mắc chứng bệnh tuyến trùng rễ... Và hiện nay, hơn 1.000 gốc cây tiêu ghép trên gốc trầu không của ông kỹ sư Lang đang phát triển rất mạnh, không thấy xuất hiện dịch bệnh.

Thông tin về anh kỹ sư, bác sĩ Lang cứ vậy được truyền miệng giữa các nông dân vì đối với họ giữa lúc làm nông nghiệp khó khăn như hiện nay mà kiếm thêm được 1.000 đồng đã là quý lắm rồi. Và với hiệu quả từ những sáng kiến trên, không nhớ từ lúc nào anh Lang đã trở thành một khuyến nông viên thực thụ khi trình bày kinh nghiệm cho những nông dân khác. Tuy rất bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng tất cả những yêu cầu của các học viên đều được anh chỉ bảo tận tình và hoàn toàn miễn phí.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)


 
Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Khoa học - Công nghệ

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]302 khách


cron