Người phát minh ĐTDĐ mơ cấy 'alô' vào cơ thể người
Khi Martin Cooper làm ra "cục gạch" đầu tiên trên thế giới từ 35 năm trước, ông đã hình dung về một thế giới mà con người liên lạc không dây với nhau nhờ các thiết bị di động gắn trong cơ thể.
> Ai phát minh ra chiếc điện thoại di động đầu tiên?
Martin Cooper và một trong những mẫu điện thoại di động đầu tiên của mình. Ảnh: The Age. |
Nhưng mơ ước mãi vẫn chưa thành sự thật kể từ khi vị cựu chuyên gia của Motorola thực hiện cuộc gọi không dây đầu tiên tại một góc đường nhộn nhịp ở thành phố New York (Mỹ) tháng ngày 3/4/1973.
"Tôi từng đùa là số điện thoại quan trọng tới mức khi người ta sinh ra là phải có và nếu họ không có, họ sẽ chết mất", Cooper nói. "Tôi tưởng tượng ra rằng ta chỉ cần nghĩ tới một người là thiết bị di động sẽ tự động quay số để gọi".
Nhưng vì tưởng tượng của ông vẫn chưa đạt được nên ngành công nghiệp điện thoại di động vẫn còn nhiều đất để phát triển. "Hãy nghĩ đến tương lai điện thoại có thể đo được các đặc điểm của cơ thể và khi bạn ốm, nó sẽ thông báo đến bác sĩ ngay lập tức để bạn mau chóng khỏi bệnh", kỹ sư 79 tuổi bày tỏ. "Thiết bị còn sạc điện luôn nhờ năng lượng vận động của con người".
Hình mẫu điện thoại di động đầu tiên do ông phát minh mất 3 tháng để hoàn thành, nặng 0,92 kg, có pin chạy được 20 phút. Sau đó, hãng Motorola bán ra chiếc điện thoại đầu tiên vào năm 1978, cùng với dịch vụ liên lạc của AT&T. Họ gọi mẫu máy này là "hòn gạch".
Từng làm việc cho Motorola trong 29 năm, Cooper cho biết rất đau lòng khi nghe tin hãng phải chia tách để cứu mảng điện thoại di động sau nhiều báo cáo kinh doanh không mấy tốt đẹp. "Để lấy lại thị phần, Motorola cần mạnh bạo làm ra những ý tưởng đột phá", ông chia sẻ. "Người ta từng nghĩ tôi điên khùng khi muốn làm một chiếc điện thoại mang được trong túi quần".
Hiện Cooper là Giám đốc điều hành công ty ArrayComm hoạt động trong lĩnh vực không dây, thành lập năm 1992.
Việt Toàn (theo Reuters)