Khởi đầu từ… tình yêu
“Tình yêu ấy không ở đâu xa, xuất phát từ chính gia đình Đăng đấy”.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm sứ nhiều đời. Lúc còn nhỏ, Đăng đã say mê với nào là bát, đĩa, bình gốm cổ của các nghệ nhân xưa. Thế nên trong cậu ấy lúc nào cũng tâm niệm: “Mình muốn làm một điều gì đó để cho mọi người biết và hiểu sâu hơn về những công đoạn làm gốm bằng tay, cách thức làm gốm cổ của ông cha ta ngày xưa.... Mình rất muốn các bạn trẻ qua đó hiểu và bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc”.
Nhưng mọi người tới đây chủ yếu chỉ là để “mắt thấy, tai nghe” mà chưa được “thỏa mãn tay chân”, thế nên anh thợ gốm bắt tay vào mở dịch vụ cho khách được “tự sướng”: “Mình nghĩ chỉ khi được tự tay vuốt, vẽ, nặn tại xưởng gốm thì mới đã được”.
Gốm “handmade”
Vuốt: là người thợ gốm tạo hình từ cục đất dẻo để tạo ra: bát, đĩa, bình, cốc, chén… Vẽ: từ những sản phẩm gốm mộc người thợ gốm trang trí hình hoa văn hay hình các con giống. Nặn: là công đoạn người thợ gốm làm ra các đồ trang sức như: vòng tay, vòng cổ. |
Tới thăm xưởng sản xuất gốm của gia đình Đăng, chúng tôi thấy có rất đông các bạn trẻ đang ngồi nặn, “vuốt”. Chị Hoa - chị gái Đăng cho biết: “Cứ cuối tuần là các em sinh viên ở bên Hà Nội sang đây đông lắm. Vào các ngày lễ tết, khách đến đông còn không có đủ chỗ ngồi. Nhiều du khách trẻ nước ngoài cũng tìm đến để “nặn”, đã về đây là họ phải ngồi “vuốt” hàng buổi ”.
Mỗi người đều có những cảm nhận rất riêng về công đoạn “vuốt”: “Hay, là lạ, khó nhưng rất hứng thú. Tớ tưởng tượng khi mình làm xong nó, sẽ tự hào đem khoe khắp nơi” - Lê Phương Dung, K44 khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại Thương Hà Nội vừa làm vừa nói.
Còn Bùi Hồng Minh thì bày tỏ cảm xúc của mình về lần đầu tiên được làm thợ gốm: “Tớ rất thích cảm giác đất chạy qua tay, nó hay lắm. Tớ chẳng biết diễn tả thế nào cả. Phải làm mới biết được...”. Cậu ấy bật mí rằng sau khi hoàn thành “tác phẩm đầu tay” sẽ dành tặng cho mẹ.
Những sản phẩm gốm làm xong được mang đi phơi, sấy khô và sau đó đưa vào lò nung. Công đoạn trong lò nung phải mất từ 3 đến 4 ngày. Thường là các vị khách sẽ quay trở lại đây sau một tuần để chiêm ngưỡng “tác phẩm” của mình.
Ngoài loại đất chuyên làm gốm cộng thêm đầu tư kỹ càng về màu (loại màu bột, màu nước chuyên dụng của dân mỹ thuật) và cọ vẽ đã hấp dẫn trí tò mò của các bạn trẻ và tạo nên một cơn sốt gốm handmade. “Chi phí cho dịch vụ này chỉ có 10.000đ/ người/giờ. Vừa hay, vừa rẻ cho sinh viên tụi mình” - một khách “ruột” hay đến xưởng của Đăng tâm đắc.
Luôn luôn “sẵn sàng phục vụ”
Đăng hy vọng với dịch vụ này dần dần sẽ có đủ vốn để đầu tư mở được một xưởng gốm to ở gần chợ, có thể tiếp cả trăm vị khách và “có tiền xây dựng nhiều lò nung gốm bằng ga để khách lấy sản phẩm ngay, chứ không phải vất vả quay trở lại lấy như thế này” - Đăng vẫn vừa miệt mài làm vừa chia sẻ ước mơ lớn của mình.
Ước mơ để mọi người biết và hiểu về gốm Bát Tràng của Đăng nay đã trở thành hiện thực. Có du khách “trở đi trở lại” xưởng gốm của anh đến bốn lần chỉ để “sờ vào loại đất mìn mịn như da em bé”. Không ít đôi bạn yêu nhau cùng đến để tận tay làm nên “tác phẩm” của riêng mình.
Với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, Đăng đã được nhận bằng khen của Trung tâm hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống Việt Nam. Yêu nghề, nhiệt huyết và “chiều khách tận tình”, chắc chắn Đăng sẽ còn làm được nhiều hơn thế.
Quảng Dân - Thu Phương