Hạt gạo khắc chữ, tranh trừu tượng vẽ bằng chất liệu 3D, dịch vụ cho khách tự làm bánh gato, thiệp tình yêu… có thể là những món quà ý nghĩa cho dịp 8/3 năm nay.
Trước ngày Quốc tế Phụ nữ một tuần, Nguyễn Trọng Đại, sinh viên Học viện Công nghệ Thông tin NIIT Thăng Long, Hà Nội đã nhận được 80 đơn đặt hàng cho mặt hàng hạt gạo có khắc chữ. Đây là sản phẩm được Đại mày mò tìm hiểu và tự tay làm. Đại chia sẻ, thấy một người quen có móc đeo chìa khóa chứa hạt gạo bên trong rất thú vị nên đã lên mạng tìm kiếm nguyên liệu vật liệu và nghiên cứu cách khắc chữ. Mỗi mặt của hạt gạo có thể viết được 5-6 ký tự. Sau đó, gạo được đặt vào bên trong viên pha lê trong suốt và đổ dung dịch bảo quản. Theo Đại, công đoạn khó nhất là khi bơm dung dịch bảo quản. Lúc đầu, bạn mất cả tiếng mới có thể bơm đầy được dung dịch trong viên pha-lê. “Hầu hết, khách hàng thường đặt khắc tên người yêu hoặc ngày kỷ niệm quan trọng của họ lên hạt gạo”, Đại nói.
Sản phẩm hạt gạo khắc chữ đựng trong viên pha lê: Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Những viên pha lê có hạt gạo khắc chữ bên trong được dùng làm móc đeo chìa khóa, dây treo điện thoại… Mới kinh doanh từ gần Tết nhưng số người “mách” nhau về món quà độc đáo này ngày càng tăng. Ban đầu, mỗi ngày Đại chỉ bán được 2-3 sản phẩm, đến nay có ngày nhận được hàng chục đơn đặt hàng số lượng lớn. Ngày 14/2 vừa qua, khách hàng của Đại thường ở lứa tuổi “teen” nhưng dịp này người đến mua hàng chủ yếu lại là dân văn phòng. Hiện nay, công việc kinh doanh của Đại chủ yếu qua mạng vì bạn chưa có vốn nhiều nhưng trong tương lai Đại dự định mở một cửa hàng lưu niệm chuyên bán các sản phẩm như móc chìa khóa có gắn biển xe, các sản phẩm có chứa hạt gạo…
Khác với các bức vẽ đơn thuần, Trang và Cường đã sáng tạo kiểu tranh vẽ ấn tượng - tranh trừu tượng bằng chất liệu 3D. Thoạt đầu, nhìn vào tranh, nhiều người sẽ không hiểu ý nghĩa của chúng nhưng sau đó thấy thú vị vì mỗi người lại có những sáng tạo, tưởng tượng riêng. Đặc biệt, loại tranh này được dùng mực 3D vẽ lên trên tạo thành viền nổi. Trang chia sẻ, tuy không theo ngành hội họa nhưng từ bé đã mê vẽ nên hay nghịch bột màu và các chất liệu vẽ khác. Sau một lần dùng thử mực 3D tạo viền cho các bức tranh, hai bạn quyết định kinh doanh loại tranh này. Từ tháng 10/2009, Trang đã bán được 600 sản phẩm. Mỗi sản phẩm tranh của Trang và Cường chỉ có duy nhất một chiếc và không bị trùng hàng. Đôi khi, hai bạn sáng tạo các bức tranh theo gợi ý của khách hàng. Mỗi tranh vuông khổ 25x25 có giá 180.000 đồng một bức.
Sản phẩm tranh trừu tượng vẽ bằng chất liệu 3D. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Ban đầu, Trang và Cường chỉ bán tranh cho các phòng triển lãm nhưng sau thấy nhu cầu của khách hàng mua lẻ tăng cao nên hai bạn kết hợp bán thêm ở nhà. Tiền vốn kinh doanh được hai bạn tích góp từ việc làm thêm. “Lúc đầu, bố mẹ không ủng hộ ý thích mỹ thuật của mình nên không cho tiền vốn nhưng bọn mình năng góp nhặt, tích kiệm cũng kiếm được vốn kinh doanh”, Trang cho biết thêm.
Nguyễn Diệu Linh, chủ cửa hàng bánh ngọt La Pomme sáng tạo thêm dịch vụ cho khách hàng tự tay làm bánh tặng người thân. Không như nhiều bạn trẻ khác, công việc kinh doanh của Linh có tính truyền thống gia đình. Cô của Linh có cửa hàng bánh ngọt muốn mở cơ sở 2 nên Linh đứng ra quản lý. Linh chia sẻ: “Mình muốn cửa hàng có điểm độc đáo riêng. Các sản phẩm được làm ra theo ý tưởng của khách hàng”. Dịch vụ tự tay làm bánh gato tuy mới giới thiệu từ tháng 2 nhưng được sự ủng hộ đông đảo khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vì mua những chiếc bánh ngọt làm sẵn tại các cửa hàng, khách hàng có thể đến tự tay tạo ra sản phẩm ngộ nghĩnh với sự tư vấn của các thợ làm bánh. Vì số lượng khách hàng đông nên khách hàng muốn làm bánh phải đặt giờ để cửa hàng sắp xếp. Mỗi khách hàng có khoảng 1 tiếng để thiết kế cho chiếc bánh của mình. Chiếc bánh sau khi hoàn thành có giá từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng.
Một khách hàng tự làm bánh tại La Pomme. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Diệu Linh chia sẻ sau khi đi làm 2 năm trong ngành Du lịch, bạn nghỉ làm để học thêm nhưng cuối cùng lại gắn bó với nghề truyền thống của gia đình. Trong tương lai, ngoài mở rộng dịch vụ tự làm bánh cho khách hàng, Linh còn sản xuất thêm nhiều loại bánh với hình dáng độc đáo như bánh gato hình ôtô, hình gấu Pooh... hay bất cứ hình mẫu nào mà khách yêu cầu. Trong những khách làm bánh đến cửa hàng, Linh đặc biệt ấn tượng với một bạn nam học cấp 3. “Em khách hàng tuy trông bụi bặm nhưng khéo tay và tình cảm. Mình nghĩ nếu có đủ dụng cụ, nguyên vật liệu thì bạn nam đó có thể tự làm bánh ở nhà với hình dáng không kém ngoài hàng”.
Những tấm thiệp của Trần Thu Trang, sinh viên Cao đằng Du Lịch thu hút khách hàng bởi "chất riêng" của sản phẩm. Các tấm thiệp được in hình ảnh của chính người sở hữu hoặc hình ảnh của người được tặng với những câu chúc do chính chủ nhân nghĩ ra. Sản phẩm được cô chủ đặt tên là thiệp tình yêu. Thu Trang cho biết ý tưởng kinh doanh thiệp tình yêu xuất hiện khi Trang nhờ một người bạn chỉnh sửa, in hình mình và người yêu lên thiếp. Cô sinh viên năm thứ 2 này nhận thấy đây là mặt hàng quà tặng độc đáo nên phát triển thành sản phẩm kinh doanh. Mỗi tấm thiệp có giá từ 25.000 đồng đến 39.000 đồng. Ngày 8/3 sắp tới, khách hàng đặt thiệp chủ yếu là nam giới, Thu Trang cho biết thêm.
Phương Thảo