TT - Những sản phẩm, mẫu vật hình thành từ nhiều ý tưởng, với đủ chất liệu, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc. Sáng tạo khoa học một lần nữa cho thấy vẫn là sân chơi hấp dẫn với tuổi học trò TP.HCM.
Nguyễn Vương Thanh Duy (12 tuổi) thuyết minh sản phẩm dự thi của mình: “Máy phân hủy nilông” - Ảnh: Q.LINH |
64 sản phẩm dự thi Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP lần 4-2009 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp Sở Khoa học - công nghệ, Sở Giáo dục - đào tạo, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức đã nhận được 64 sản phẩm dự thi (gấp ba lần cuộc thi năm 2008) của ba bảng dành cho ba cấp: tiểu học, THCS và THPT. Các sản phẩm dự thi tập trung vào các lĩnh vực: đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em, đồ dùng sinh hoạt gia đình, phần mềm tin học, bảo vệ môi trường... Dự kiến cuộc thi sẽ được tổng kết và trao giải đầu tháng 7. |
Nguyễn Vương Thanh Duy (Q.Gò Vấp), một thí sinh 12 tuổi, khiến nhiều người ngạc nhiên với mô hình máy phân hủy nilông khá bắt mắt. Dù kiến thức hạn chế, công nghệ sử dụng vận hành máy chưa đủ để phân hủy nilông nhưng Duy tỏ ra khá chững chạc khi trả lời câu hỏi mà theo đánh giá của hội đồng giám khảo là “có những kiến thức khoa học cơ bản khá tốt”.
Còn Nguyễn Phương Duy (Q.1), 13 tuổi, không chỉ nhận được nhiều lời khen từ hội đồng giám khảo mà còn của chính các thí sinh. Mô hình công viên điện tử với các trò chơi tạo cảm giác mạnh, có nhạc đều được vận hành hoàn toàn tự động. Mô hình thứ hai với xe đua điều khiển được Duy chế tạo “biết cua, quẹo chứ nếu chỉ tiến thẳng hay lùi thì đơn giản quá”, cậu lý giải. Cậu bé còn trình làng sản phẩm thứ ba là mô hình robot đồ chơi điều khiển tự động, theo mẫu một nhân vật trên phim mà mình rất thích.
Trong khi đó, những sản phẩm dự thi của bảng dành cho học sinh THPT gắn liền và hoàn toàn có thể hỗ trợ thêm cho việc dạy học. Giáo án điện tử của bạn Vương Hải (Q.Tân Phú), 17 tuổi, khá sinh động, và bổ trợ thêm nhiều kiến thức, hình ảnh minh họa bên ngoài sách giáo khoa cho bài học. Phần mềm ChemIdea của Lê Quang Thái (Q.1), 16 tuổi, là một thư viện về kiến thức hóa học; không chỉ hỗ trợ cân bằng các phương trình hóa học mà còn có thể tự động gửi lại kết quả các phương trình đã được cân bằng khi yêu cầu được gửi qua mạng Yahoo! Messenger.
Hay mô hình đo vận tốc truyền sóng của Trần Minh Hiếu (Q.1) được ban giám khảo góp ý hoàn chỉnh thêm và cho rằng có thể chế tạo để đưa vào sử dụng trong trường học vì chi phí chế tạo không quá cao.
Cần một quy chế cho tuổi nhỏ sáng tạo
PGS.TS Đinh Xuân Thắng (phó viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường, ĐHQG TP.HCM) - một thành viên hội đồng giám khảo, đánh giá: “Không chỉ tăng về số lượng, cuộc thi năm nay còn tăng về chất lượng. Nhiều thí sinh có kiến thức nền tốt, nhiều sản phẩm thể hiện sự tư duy, khả năng sáng tạo cao của các em”. Điều này được chứng minh ở tính ứng dụng của nhiều sản phẩm dự thi, và hoàn toàn có thể bổ trợ cho các thiết bị dạy học, thí nghiệm trong nhà trường.
Đồng thời không ít sản phẩm tận dụng những vật liệu thông thường, đồ phế thải đã chuyển đi thông điệp lớn về việc bảo vệ môi trường. Kệ sách được thiết kế từ vỏ lon nước uống các loại của Phạm Bá Duy (Q.4), 11 tuổi, chẳng hạn là một ý tưởng khá thú vị.
Tuy vậy, nếu hiểu sáng tạo là sự phát huy tố chất, khả năng tự thân vận động của mỗi các bạn trẻ, thì việc can thiệp quá sâu của một số phụ huynh, người phụ trách vào các sản phẩm dự thi đã làm mất đi ý nghĩa của việc tìm kiếm những “nhà sáng tạo nhỏ tuổi” thật sự. Thậm chí có những công trình “dán nhãn” đi thi vì đã có thí sinh không thể trả lời được bất kỳ câu hỏi nào của giám khảo về sản phẩm dự thi của mình và thật thà khai: “Chẳng làm gì trong số những sản phẩm dự thi, nhờ người lớn, thầy cô làm giùm rồi đem dự thi”.
Có lẽ việc xây dựng quy chế và quy định cho phép dự thi đối với học sinh tiểu học cũng nên được tính toán một cách hợp lý hơn.
QUỐC LINH