Cách đây 40 năm, một kỹ thuật ưu việt, được coi là “thần kỳ” của y học thế giới như chẩn đoán, sinh thiết tổn thương, cắt bỏ polyp qua ống nội soi được đưa vào bộ phận cơ thể mà không đau, không mất máu hoặc mất máu không đáng kể hay phẫu thuật loại bỏ khối u, cắt ruột thừa, cấp cứu chảy máu thông qua vài lỗ nhỏ trên thành bụng mà không phải mổ phanh, giảm nhiều đau đớn, ảnh hưởng sức khỏe và thời gian hồi phục cho bệnh nhân, đã được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, đó là “nội soi”. Thời điểm đó, kỹ thuật nội soi vẫn rất mới mẻ ngay cả đối với các nước có nền y học tiên tiến.
Giải thưởng 400 cây vàng và những thiết bị nội soi đầu tiên ở Việt Nam
Năm 1965, Nhà nước có chủ trương đào tạo bác sỹ trình độ cao để phục vụ đất nước, bác sỹ Đặng Ngọc Ký được cử đi học nghiên cứu sinh tại CHDC Đức. Năm 1971, ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học y học chuyên ngành nội soi.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh và sau này làm chuyên gia cho nước bạn, TS. Đặng Ngọc Ký đã trực tiếp thực hiện các kỹ thuật nội soi chẩn đoán, phẫu thuật và các thủ thuật thông tim mạch cho hơn 3.000 bệnh nhân, được các nhà khoa học nước bạn đánh giá cao về trình độ tinh thông kỹ thuật. Giáo sư Gutz, Giám đốc Bệnh viện đa khoa - Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức nhận định: "Về nội soi, anh Ký, người bạn và người đồng nghiệp quý mến của chúng tôi rất tinh thông kỹ thuật, xác định và chẩn đoán một cách chính xác. Ở lĩnh vực này, anh hoàn toàn là một chuyên gia".
Luôn đề cao y đức, tận tâm vì người bệnh
Về nước 1973 và theo lời mời của cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Trần Quốc Hoàn, TS. Đặng Ngọc Ký vào công tác tại ngành y tế Công an.
Lúc đó kỹ thuật nội soi quá mới, quá "thần kỳ" khiến ngay cả các bác sĩ trong nước cũng thấy vừa khó tin, vừa tò mò háo hức. Do vậy, thời gian đầu, TS. Đặng Ngọc Ký phải mất khá nhiều công sức để giải thích thế nào là nội soi, từng bước xây dựng giáo trình và giảng dạy nội soi cho các y, bác sỹ. Niềm say mê của ông truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp và các lứa học trò, họ cùng ông "rồng rắn" vác máy soi đi nhiều nơi trong cả nước, mang những tiến bộ của nội soi để thăm khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Và ông đánh dấu những mốc đáng nhớ trong lịch sử ngành nội soi Việt Nam khi tháng 11-1973, ông triển khai ca nội soi đầu tiên trong ngành y tế Công an tại Bệnh viện 367 (nay là Bệnh viện 198) và năm 1974 ứng dụng kỹ thuật nội soi lần đầu trong ngành y tế Quân đội tại Viện Quân y 108.
Năm 1985, TS Đặng Ngọc Ký hoàn thành hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nội soi nước ta: "Dị biến tiền ung thư dạ dày" và "Phương pháp cắt bỏ polyp đại tràng qua ống soi". Trong văn bản đề nghị giải thưởng quốc gia, Hội đồng nghiệm thu đánh giá: "Đây là hai công trình đầu tiên ở nước ta có tầm cỡ khoa học sáng tạo cao, mang tính thời đại, đã được kiểm chứng trong thực tiễn lâm sàng với độ chính xác cấp 3 (cấp cao nhất) trên cơ sở nhiều phương pháp chẩn đoán hiện đại".
Năm 1992, nhân dịp tổng kết 5 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Nội soi, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã đánh giá: "Quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm Nội soi của GS. TSKH. Đặng Ngọc Ký và tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nội soi cũng như sự hợp tác đông đảo của giáo sư và chuyên viên các ngành y tế quân dân y đã góp phần cống hiến quan trọng cho sự nghiệp y học nước ta. Đảng và Nhà nước đánh giá cao lòng nhân ái, đức tính cần cù lao động và thành tựu khoa học kỹ thuật của tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nội soi".
Trong văn bản gửi các Bộ, ngành năm 1993, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nêu rõ: "Đây là một ngành khoa học mới, có tác dụng tốt phục vụ yêu cầu bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân dân và LLVT trong cả nước. Ban Tổ chức cán bộ cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề nghị của GS. Đặng Ngọc Ký để giúp cho ngành Nội soi đủ đáp ứng yêu cầu trong nước và từng bước mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, làm tờ trình để Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định".
Sau đó một thời gian, Trung tâm Nội soi Bộ Nội vụ được chuyển sang Bộ Quốc phòng để thành lập Viện Nội soi quân đội, GS Đặng Ngọc Ký được điều động sang làm Viện trưởng. Đến năm 2000, Viện Nội soi quân đội được chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế để xây dựng thành Viện Nội soi quốc gia, đúng như mong ước của Giáo sư.
Đến nay, ngành y học nội soi ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, đồng nghiệp và những thế hệ học trò của ông đang tiếp tục học tập, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật nội soi hiện đại phục vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có những người thầy thuốc như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của ngành y học nội soi tại Việt Nam.
Hơn 1/3 thế kỷ, ngoài việc đã hoàn thành mục tiêu của cuộc đời mình là xây dựng nền móng vững chắc cho ngành nội soi tại Việt Nam, GS. TSKH. Đặng Ngọc Ký đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ với 87 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài khoa học cấp Nhà nước được ghi nhận là những thành tựu y học xuất sắc; 13 đề tài khoa học cấp Bộ; 35 đề tài được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, báo cáo trong các hội nghị khoa học trong và ngoài nước; được Ủy ban khoa học Nhà nước cấp 11 bản quyền tác giả cho 11 công trình nghiên cứu; 2 lần được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Huy chương và Bằng lao động sáng tạo cho 12 công trình, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu và nhiều phần thưởng cao quý.