Thủ lĩnh thanh niên thời hội nhập
Nguyễn Đắc Vinh tâm sự: “Tôi muốn đem những kiến thức đã học được từ nước ngoài về phục vụ quê hương và hướng dẫn các bạn trẻ cùng làm”.
Từ cán bộ Đoàn năng nổ…
Nói là làm, vừa nhận công tác tại khoa Hoá, anh đã nhanh chóng “bén duyên” với công tác Đoàn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Vinh nhận thấy, giới trẻ hiện nay đã có sự thay đổi khá rõ rệt trong suy nghĩ và tư duy. Họ có nhiều thứ để đam mê, nhiều sức cuốn hút khác chứ không phải chỉ có Đoàn. Vinh cho rằng cần phải có sự thay đổi, phải làm mới những mô hình hoạt động, chứ không thể cứ đi theo lối mòn.
Không thể cứ tập hợp thanh niên lại để nói những điều họ đã biết, một cách dập khuôn, máy móc. Cần có sự thay đổi: các hoạt động phải phong phú, mềm mại và trí tuệ hơn. Trước đây, theo cách giáo dục truyền thống, đoàn tổ chức một chuyến tham quan hay giới thiệu về một tấm gương nào đó cũng đủ để thu hút thanh niên. Nhưng giờ đây, có điều kiện hơn, thanh niên hiểu biết đủ thứ vì thế muốn giáo dục họ không thể cứ tuyên truyền giáo dục bằng cách cầm giấy đọc theo kiểu thuyết giảng. Cần phải đổi mới bằng cách lồng ghép những nội dung tuyên truyền vào những hoạt động văn hóa, văn nghệ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giới trẻ.
PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, sinh năm 1972, Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hoá, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Dù mới ở tuổi 35 nhưng anh đã chủ trì 2 đề tài cấp Bộ và thành phố. Anh cũng là nhà nghiên cứu trẻ có tới 36 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam và quốc tế. Trong công tác Đoàn, anh cũng giành nhiều thành tích thật đáng kính nể: Bằng khen của TW Đoàn cho thành tích hoạt động giai đoạn 2000 - 2005; Thanh niên tiêu biểu của thủ đô Hà Nội năm 2006; Giải thưởng 26/3 về KHCN của Trung ương Đoàn năm 2006; Bằng khen của Hội Hoá học Việt Nam cho thành tích tổ chức Olympic Hoá học Toàn quốc năm 2003; Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2004, 2005, 2006. Anh là được bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2006. Hiện nay, ngoài công tác nghiên cứu giảng dạy, anh còn đảm nhiệm chức Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Trong thời đại thông tin như hiện nay, tổ chức Đoàn cần tạo được một sân chơi mới thực sự cho thanh niên để giúp thanh niên cân bằng đời sống tinh thần. Một số người cho rằng, thanh niên ngày nay thiếu tinh thần tự nguyện, lười tham gia hoạt động Đoàn nhưng Vinh không nghĩ vậy. Anh cho rằng vấn đề là ở chỗ các hoạt động đoàn có đủ hấp dẫn để lôi cuốn họ, có tạo được môi trường phù hợp cho họ hay không?
Bằng những nhận thức cũng như cách làm đó, hoạt động đoàn tại trường không ngừng phát huy hiệu quả, uy tín của anh cũng dần được nâng cao. Từ một bí thư liên chi đoàn khoa Hoá đến đại hội vừa qua, anh đã vinh dự được tín nhiệm giữ cương vị Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
…đến nhà khoa học trẻ
Nguyễn Đắc Vinh sinh ra trong một gia đình trí thức, bố anh, tiến sĩ Nguyễn Thụa và mẹ là kỹ sư Trần Thị Luật đều đã từng là lưu học sinh tại Đức và Tiệp Khắc. Tốt nghiệp tú tài trường cấp III Yên Hoà, Hà Nội, thi vào Trường ĐH Bách khoa, Vinh thừa điểm đi du học nước ngoài. Năm 2000, sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ hoá học Nguyễn Đắc Vinh đã từ chối mọi lời đề nghị của nhiều công ty nước ngoài với mức lương hàng ngàn đô la, để trở về Việt Nam, làm giảng viên của Bộ môn Hoá học thuộc Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với nhận thức: “lời nói phải đi đôi với việc làm”, “muốn người khác làm theo, mình phải làm trước”. Vinh đem những kiến thức hoá học về bảo quản thực phẩm giờ ra ứng dụng trong lĩnh vực xử lý nước thải. Nhận thức rõ tầm quan trọng của môi trường sống đối với con người, đặc biệt là vấn đề chất thải ngay từ những ngày đầu về nước,Vinh đã nuôi ý tưởng nghiên cứu xử lý nước thải tại các làng nghề.
Nhưng phải tới năm 2003, Vinh mới thực hiện được đề tài cấp Bộ là “Nghiên cứu đề xuất phương án xử lý nước thải của làng nghề tơ lụa Vạn Phúc - Hà Đông”. Sở dĩ chọn Vạn Phúc làm đối tượng nghiên cứu vì theo Vinh, Vạn Phúc là làng nghề truyền thống có tiềm năng du lịch lớn. Hơn nữa anh cho rằng Vĩnh Phúc chỉ là một trong số hàng trăm làng nghề truyền thống trên cả nước vốn chưa được quan tâm nhiều trong vấn đề xử lý chất thải gây ô nhiễm.
Nếu làm tốt ở Vạn Phúc thì khả năng nhân rộng mô hình ở nhiều làng nghề dệt nhuộm khác là điều có thể tính tới. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của người dân, cùng với sự nỗ lực nghiên cứu, Vinh đã nhanh chóng thử nghiệm thành công. Hiện nay, chỉ chờ có đủ kinh phí là có thể triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên quy mô lớn.
Sau thành công đáng kể của công trình nghiên cứu đề tài cấp Bộ về xử lý nước thải đó, Công ty Dệt len mùa đông đã đề nghị Vinh giúp họ triển khai hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm. Thành công trong công trình xử lý nước thải ở Công ty Dệt len mùa đông một lần nữa đã khẳng định năng lực nghiên cứu cũng như tính ứng dụng cao trong các công trình của Nguyễn Đắc Vinh.
Nhờ những thành tích đã đạt được, Nguyễn Đắc Vinh xứng đáng là tấm gương để các bạn trẻ noi theo. Trong buổi lễ phát động chương trình “thắp sáng ước mơ Việt Nam” (tối ngày 25/3/2008) anh đã xuất hiện với tư cách là một trong những thành viên của câu lạc bộ những người “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”.
Thái Bình