Từ khi còn là một cậu học sinh cấp III trường chuyên Lê Hồng Phong, Thanh Tùng đã là một trong 3 học sinh giỏi Văn của trường dù học chuyên Anh. Nhưng ngày ấy, Thanh Tùng không hề có ý định trở thành một nhà báo dù được tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn. Thậm chí anh chàng còn “chê” luôn khoa diễn viên điện ảnh dù đã đỗ vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh một cách thuyết phục.
Cùng năm đó, Thanh Tùng đỗ Á khoa vào trường Kiến Trúc, điều đó củng cố niềm tin cho Tùng để bắt đầu tự gieo mầm tài năng của mình trong một môi trường được coi là nơi tập trung những tài năng này. Nhưng rồi một lần nữa “cái duyên” lại đến, thay vì theo học khoa Thiết kế nội thất, thì Tùng lại được “đưa” qua học Thiết kế thời trang. Từ đó bắt đầu chuỗi ngày miệt mài trên ghế nhà trường của anh chàng.
Cũng từ những ngày sinh viên ở đây, một sinh viên Thanh Tùng tài năng thực sự đã bắt đầu tỏa sáng. Từ những hoạt động Đoàn sôi nổi, tham gia vào tất cả các cuộc thi văn nghệ truyền thống của trường, trở thành sinh viên 3 tốt, đoạt giải Sao Tháng Giêng, rồi trở thành sinh viên tiêu biểu cấp Thành phố, và còn chiếm nốt một chỗ trong cuốn sách Gương sáng Sinh Viên của Hội Sinh viên Trung ương... Nói theo cách mà Thanh Tùng vẫn nói là: “Học hành thì cũng điên đảo mà vui chơi thì cũng dữ dội lắm!”.
Cái duyên với nghề thầy giáo
Bản thân tự nhận mình “thất bại” với bài luận văn tốt nghiệp ra trường, nhưng Thanh Tùng vẫn tốt nghiệp lại giỏi bởi số điểm tổng kết cao ngất ngưởng trong các năm học trước đó. Chính bộ sưu tập mang hơi hướng văn học dân gian thiết kế dựa trên ý tưởng về Truyện Kiều mà Tùng nhận là “điểm thấp một cách khó chấp nhận” đã vô tình đem Tùng đến với Hiệp hội thời trang Singapore, họ đã mời anh qua Sing biểu diễn bởi bộ sưu tập mang hơi thở văn hóa Việt Nam. Và cũng chính từ đó, nó chính là cơ sở để Tùng “tiếp cận” đến với học bổng chuyên sâu về thiết kế.
MC Thanh Tùng (ngoài cùng, bên phải) trong một chương trình có sự tham gia của diễn viên Thanh Vân (ngoài cùng, trái) và ca sĩ Mai Khôi (giữa).
Trong vòng một năm, Thanh Tùng di chuyển liên tục ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồng Kông. Tùng được học để nắm bắt thị trường ở châu Á. Nhưng từ những ngày ấy, trong Tùng đã nung nấu ý chí trở thành giảng viên, tất cả những tài liệu mà anh học đều là học cách để giảng dạy như thế nào. Tùng in tài liệu để dạy học chứ không phải để làm bài... Định hướng trở thành thầy giáo đến trong Tùng từ những ngày Tùng còn rất trẻ, từ khi Tùng còn là một cậu bé. Bố Tùng là một thầy giáo, và số lương ít ỏi của ông đã nuôi lớn Tùng thành người. Tùng muốn cảm nhận và thấu hiểu được hết những lí do trong con người ông, điều gì đã thôi thúc ông “gà trống nuôi con” một mình trong suốt khoảng thời gian dài như thế.
Ngay sau khi về nước, Tùng “đi cày” và trả nợ hết cho công ty bởi họ đã đài thọ tiền học bổng thì Tùng chuyển ngạch qua làm giảng viên một cách thật quyết tâm, không dính dáng gì đến tất cả những công việc đã được công ty định sẵn. Chính sự định hướng quá rõ ràng đó của Tùng khiến họ hoàn toàn bất ngờ... Và hiện Thanh Tùng đang là giáo viên trẻ dạy giỏi của trường, và những giờ dạy của anh luôn khiến sinh viên cảm thấy hào hứng và thích thú.
Cái duyên với viết báo và trở thành MC
Và công việc báo chí của Tùng “lan rộng” ra rất nhiều các tờ báo có tiếng khác. Nhưng rồi thời gian eo hẹp, giờ Tùng chỉ có thể lựa chọn để viết khi thật sự muốn viết. Tùng cho rằng, việc viết lách là cái duyên bởi ngay từ đầu anh đã không chọn nó, để rồi cuối cùng nó vẫn gắn kết với anh.
Chính nhờ khả năng viết lách, mà những ngày còn là học sinh cấp III, Thanh Tùng đã bắt đầu viết lời mở đầu, dẫn dắt cho chương trình văn nghệ của lớp. Rồi trở thành MC cấp trường, gắn kết cùng cô bạn cùng lớp cho đến khi lên đại học. Rồi từ chương trình “Chào thiên niên kỷ” ở trường Đại học Kiến trúc do Tùng và một bậc đàn anh đưa ra ý tưởng, sự hoành tráng và vui nhộn của party ấy đã lôi kéo được cả các văn nghệ sỹ ở ngoài vào trường. Và Thanh Tùng bước chân vào nghề MC ở các quán bar, cafe, sàn diễn ở khắp chốn Sài Gòn. Nhưng rồi tự bản thân Tùng thấy công việc không ổn, nó khiến Tùng bị xa cách với bạn bè cùng lớp, nên Tùng quyết định bỏ việc để tập trung cho việc học của mình.
Cơ duyên bước chân lên làm MC truyền hình chính từ cuộc tìm kiếm MC cho cuộc thi VN Idol năm 2007. Người ta cần tìm một gương mặt mới, ngoài khả năng nói tốt, lại còn biết rõ về báo chí, nên Thanh Tùng có một ưu thế khá tốt và gần như là ứng cử viên chắc chắn cho cuộc thi này. Nhưng rồi đến lúc cuối cùng, Tùng lại không được lựa chọn. Tuy nhiên, chính khả năng của Tùng đã ghi điểm đối với những người làm đài truyền hình, để rồi sau đó, có chương trình khác, người ta đã mời Tùng đến casting và Tùng đặt chân chính thức lên truyền hình là gameshow Nào ta cùng hát. Bản thân Tùng tự biết những ưu và khuyết điểm của mình, và anh biết cách để bù trừ cho những khuyết điểm của bản thân. Để rồi từ gameshow ấy, anh được các đài truyền hình khác mời và trở nên đắt show MC hơn bao giờ hết.
Bài và ảnh: Phan Anh