Gặp cô thủ khoa điểm văn cao nhất nước
Kỳ thi tuyển sinh đại học tại Cần Thơ có một bài văn đặc biệt, dài 12 trang giấy tinh tươm và từng nét chữ gãy gọn. Bài thi được chấm đi chấm lại tới 4 vòng giám khảo. Cuối cùng phải lập một Hội đồng giám khảo đặc biệt với 75 người chấm, một nửa hội đồng chấm 10 điểm, nửa còn lại chấm 9,5 điểm. Cuối cùng, bài văn của em là Nguyễn Trung Ngân được tính 9,75 điểm.
Thủ khoa cơm hộp
Từ trung tâm TP Cần Thơ, mất gần một giờ đồng hồ tôi đến được nhà Ngân, băng qua con đường nhão nhẹt bùn lầy, nhằng nhịt ổ gà và hơn 10 cây cầu ván. Con đường dài gần 20 cây số gắn bó với Ngân suốt 3 năm cấp 3. Căn nhà nhỏ rộng chừng 75 m2 ở tổ 15, ấp Thới An A, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ sáng sủa, ngăn nắp và tuyệt đối yên tĩnh.
Khi tôi đến, Ngân cùng với ba đang ngồi bên bàn sách vở, miệt mài bàn luận. Mẹ Ngân hì hục ở sau bếp chuẩn bị “khao” cả nhà một bữa cơm thật ngon nhân sự kiện em vừa là thủ khoa, vừa là người có điểm thi môn văn cao nhất nước.
Mẹ chính là người đầu tiên được tin Ngân đạt điểm cao rồi báo tin cho cả nhà. Một tuần nay, cả nhà em vẫn chưa hết cảm giác hạnh phúc. Riêng với Ngân, đó là một món quà quá lớn, nhưng quan trọng hơn, nó là thành quả của những cố gắng không ngừng nghỉ.
“Khi mẹ nói bài văn đạt điểm cao, đầu tiên em không tin, sau đó thì mừng phát khóc” - Ngân tâm sự. Những ngày qua, Ngân thường xuyên nhận được những lời chúc mừng của gia đình, thầy cô, bạn bè và cả những người chưa quen nữa, cảm giác thật tự hào.
Ngân dự thi nghành Tài chính-Ngân hàng, ĐH Cần Thơ và trở thành thủ khoa với tổng cộng 25 điểm. Để đạt được điều đó, em đã phải trải qua 3 năm khổ luyện, sống tự lập xa nhà.
Ngân học nội trú tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Bình Thủy, Cần Thơ) cách nhà em gần 20 cây số. Ngân kể lại: Những tuần đầu tiên của lớp 10, em phải đạp xe đi học từ sáng sớm tinh mơ, tan trường thì quá nửa chiều mới về đến nhà, được vài tuần thì em mệt lả, kiệt sức. Sau đó, Ngân chuyển hẳn vào ở trong trường, thời gian đầu, mỗi tuần ba của Ngân phải đưa đón em một lần, sau này em phải tự đi xe buýt.
Ở xa nên một tuần Ngân mới được về thăm nhà một lần, nhiều khi việc học hành bài vở quá nhiều thì phải một tháng em mới về nhà. Mỗi ngày, ngoài buổi sáng lên lớp, Ngân dành toàn bộ thời gian còn lại để học bài, ngoại trừ lúc ăn và ngủ. Thỉnh thoảng, để bớt căng thẳng, cô thủ khoa lại giải trí bằng những cuốn truyện tranh, một niềm yêu thích từ nhỏ và sẽ còn theo em trong 4 năm đại học sắp tới.
15 tuổi, Ngân đã phải tự lập, một mình tự chăm lo cho cuộc sống. Ở trường, mọi sinh hoạt của Ngân đều có giờ giấc khoa học và rất kỷ luật. Hàng ngày, Ngân thường ăn sáng bằng xôi, bữa trưa và buổi tối là những hộp cơm ít ỏi để tiết kiệm một phần chi phí đỡ đần cha mẹ.
Lớp của Ngân có 26 người, phần lớn đều cùng cảnh ngộ nên rất thân nhau, và giúp đỡ nhau rất nhiều trong sinh hoạt và học tập. Hầu hết trong lớp đều là học sinh giỏi và đều có kết quả tốt trong kỳ thi đại học vừa qua.
Với bài văn điểm cao nhất nước, đề thi có 3 câu, một câu lý thuyết và một câu phân tích tâm trạng nhân vật Mỵ trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, Ngân viết một mạch 2 tờ giấy thi.
Văn học là cuộc sống
Riêng câu cuối cùng, đề yêu cầu phân tích khổ thơ thứ 2 trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Ngân cho biết em đã liên tưởng rất nhiều đến cuộc sống thực khi phân tích đoạn thơ này. Em giảng giải: Tâm trạng của Hàn trong câu thơ là buồn da diết vì đã mất đi điều gì đó thiêng liêng, dẫu vậy, trong hoàn cảnh đó, nhân vật vẫn luyến lưu, chờ đợi, khao khát một cái gì đẹp đẽ và thiêng liêng.
“Văn học là cuộc sống, con người, đặc biệt là người trẻ cần phải biết quý trọng cuộc sống, sống có khát khao để không mất đi những gì thiêng liêng, tốt đẹp. Phải biết quý trọng cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Ngân nói thêm.
Bảng thành tích một năm liền là học sinh xuất sắc của Nguyễn Trung Ngân có một phần lớn sự vun đắp hy sinh của cha mẹ. Cha Ngân là thầy giáo dạy môn Sinh, mẹ cũng là cô giáo dạy Toán, cả hai người đều gắn bó với nghề sư phạm trên dưới 20 năm trời.
Ngân thật thà: “Lúc nhỏ em cũng thích được làm giáo viên như ba mẹ nhưng lớn lên thấy thích ngành tài chính hơn vì nó có thể phát huy tất cả những tiềm năng của mình”.
Ngân cho biết: việc chọn nghề này đã được em và ba chọn từ những năm cấp 2. Vì vậy, từ lâu Ngân đã đầu tư cho môn Anh, Ngân cũng là học sinh lớp chuyên Anh Văn nhưng kết quả môn văn và các môn khác lúc nào cũng cao. Thầy giáo Vũ Anh Khuyến, trưởng môn văn trường PTTH chuyên Lý Tự Trọng cho biết: “Ngoài chăm chỉ học hỏi, các bài văn của Ngân luôn có tính sáng tạo cao nên hầu hết đều đạt điểm tuyệt đối. Ngân có lối trình bày đẹp và bài viết luôn có hồn, lôi cuốn người đọc”.
Là một học sinh chuyên Anh, Ngân có rất nhiều giải thưởng ở các cuộc thi cấp thành phố và đã từng đại diện cho trường dự thi Olympic Tiếng Anh các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, thành tích môn Văn của Ngân còn ấn tượng hơn: Năm học lớp 5, Ngân đã đoạt giải nhất thành phố cuộc thi viết văn chủ đề “Người cha trong trái tim tôi”; năm lớp 9, em đoạt giải 3 cuộc thi văn hay chữ tốt ĐBSCL và giải dành cho bài văn xúc động nhất với đề tài cảm nhận sự đổi mới về quê hương.
Khi tôi hỏi về “bí kíp” học giỏi môn Văn, Ngân cười nói: “Em không có bí quyết gì cả, chỉ viết theo mạch cảm xúc của mình, liên hệ văn học với cuộc sống của mình thôi”.
Ngân thừa nhận, em luôn quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống thật để soi vào Văn học. Đặc biệt, những tác phẩm tình cảm gia đình, tình yêu quê hương luôn giúp em tìm được sự đồng cảm. Một phần hồn trong những bài văn em viết là nhờ tích lũy từ những câu chuyện cổ tích do ông nội kể lại.
Ngân kể, từ nhỏ em được ông nội kể chuyện về con người, quê hương, làng xóm, dần dà thấy yêu thương hết thảy. Dù đã 18 tuổi nhưng lúc nào về thăm nhà Ngân cũng nũng nịu bắt ông nội kể chuyện. “Ông năm nay đã 71 tuổi nhưng rất minh mẫn, nghe tin em đạt điểm cao ông tự hào lắm”, Ngân nói.
Ngân khẽ cười gượng khi tôi gọi em là “nhà hiền triết”. Em không dám nhận, chỉ thấy mình hồn nhiên, nói những gì mình nghĩ mà thôi.
Nhật Trường