Học mọi lúc, mọi nơi
Gặp Việt lúc nào cũng thấy đeo túi nặng trên vai cộng với dáng người nhỏ nhắn nên ai cũng trêu như “đi buôn”. Việt chỉ cười mỉm, nói rằng “Đó là đồ nghề của tôi đó”.
Đồ nghề của Việt là những quyển sách, tạp chí về chuyên ngành Luật. Việt đọc nhiều lắm, bất kể những cuốn sách nào liên quan tới chuyên ngành mình học. Việt nhớ rất chính xác tên các bài viết, tên các sách, đề tài khóa luận, luận văn, luận án chuyên ngành của mình.
Ngay từ thời sinh viên, Việt xác định ngay cho mình phải học tập thật tốt và trở thành một người có ích cho xã hội chứ không nghĩ mình trở thành giảng viên đại học.
Vốn tính ham học, ham đọc, rảnh rỗi lúc nào là thấy Việt mang sách ra đọc, đọc mọi lúc, mọi nơi. Nhà Việt có nhiều thành viên sống trong ngôi nhà diện tích có 24m vuông mà sách của Việt đã chiếm đến gần 1/3 diện tích. Thậm chí đến nhà người yêu Việt cũng mang sách đến đọc.
Việt sinh ra không phải con nhà nòi, bố mẹ đều làm nghề buôn bán nhỏ, gia đình đông anh em nhưng chỉ có duy nhất Việt theo ngành luật, chỉ có Việt là niềm tự hào của gia đình.
Gia đình nhỏ của Trịnh Tiến Việt
Trong tháng 10/2008 vừa qua, Việt bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật học với đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về miễn trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam”- được Hội đồng khoa học nhận xét là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học luật hình sự Việt Nam nghiên cứu một cách toàn diện và đồng bộ những vấn đề lý luận và thực tiễn về chế định miễn trách nhiệm hình sự ở cấp độ một luận án Tiến sĩ Luật học.
GS. TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng đã không tiếc lời khi nhận xét: “Chúc mừng tân Tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam chuyên ngành luật hình sự. Mong sao Việt hãy tiếp tục phát huy khả năng và đóng góp cho việc phát triển chuyên ngành luật hình sự”.
Học được chữ “Tâm” từ người thầy
Nghiên cứu khoa học đã thấm sâu vào Việt từ hồi sinh viên, hiện Việt đã có khoảng hơn 70 công trình nghiên cứu về chuyên ngành Luật và nhiều bài báo có giá trị. Việt đã có những thành tích huy chương tuổi trẻ sáng tạo của VIFOTEC (2000); Gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN (2005); được cấp học bổng từ Quỹ học bổng TOSIBA dành cho nghiên cứu sinh năm 2006…
Đặc biệt, Việt cũng đã có báo cáo khoa học tại Hội thảo Maxcơva năm 2007. Đã xuất bản được 3 cuốn sách, hoàn thành và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp Trường và cấp Bộ.
Có thể nói, Việt là một trong những Tiến sĩ Luật chuyên ngành luật hình sự trẻ tuổi nhất Việt Nam khi bảo vệ luận án mới 29 tuổi. Đặc biệt, Việt đã bảo vệ luận án Tiến sĩ trước thời hạn hơn một năm.
Tiến sĩ Việt cùng thầy giáo PGS.TSKH Lê Cảm
trong chuyến giảng dạy tại Trung Quốc
Tuy nhiên, thầy Cảm rất quý tài năng của Việt và xin lãnh đạo Khoa cho Việt ở lại khoa làm việc, mặc dù Việt không có bằng giỏi nhưng là một trong những sinh viên xuất sắc đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học.
Để được ở lại khoa Luật thì Việt phải có điều kiện là thi đỗ cao học năm đó và Việt đã đỗ với số điểm cao. Hơn hai năm sau thì anh đã bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ của mình và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật.
Tại sao anh không ra nước ngoài học? Việt cho rằng, muốn hiểu Luật Việt Nam và đóng góp cho đất nước thì học ở Việt Nam chứ không nhất thiết là ra nước ngoài học. Tuy vậy, Việt không ngừng tham khảo, tìm hiểu những bộ Luật của nước ngoài
Việt đã hiểu được chữ “Tâm” của đạo làm thầy, khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, đôi khi thấy sinh viên khó khăn, Việt cũng đã giúp đỡ không nhận thù lao giáo viên hướng dẫn để sinh viên có tiền phôtô tài liệu, đóng bìa... phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Việt thường xuyên tặng Tạp chí, sách chuyên ngành luật cho sinh viên, các lớp Việt dạy nếu ham thích nghiên cứu khoa học.
Để đạt được thành công này, theo Việt trước tiên đó là thanh thản trong cuộc sống, sự say mê trong nghiên cứu khoa học-giảng dạy, nghiêm túc và mẫn cán trong công việc, sự giúp đỡ, động viên của các thầy cô, gia đình và bè bạn...
Hồng Hạnh