Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Nhà ngoại ô của họa sĩ Thành Chương

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:22
gửi bởi Zelda

"Từ lâu tôi đã muốn có một khu đất rộng, xây nhà theo ý tưởng riêng, thoáng mát, dân dã, đồng thời là nơi tôi có thể trưng bày những vật dụng sưu tầm được từ nhiều năm nay", họa sĩ nói về ý tưởng dẫn đến quyết định tậu khu nhà này.

Tìm kiếm rất lâu anh Chương mới hài lòng với mảnh đất rộng 10.000 m2 tại Sóc Sơn, nằm sau lưng một quả đồi trọc. Bỏ ra 200 triệu, nghệ sĩ đã có một không gian sống vô cùng độc đáo. Toàn bộ khu đất được chủ nhân chia làm ba phần.

Chính giữa là khu nhà bảy gian bằng gỗ lim, đặc trưng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, mà hoạ sĩ Thành Chương đã chuyển nguyên bản từ Nam Định về. 

Bên cạnh là ngôi nhà sàn của người Mường ở Hoà Bình. Với ngôi nhà này, anh đã phải vận chuyển và dựng lại suốt cả tuần lễ.

Khu vườn rộng hàng trăm m2.
Tháp nước cao năm tầng.
Hành lang nhà sàn có bày tràng kỷ bằng tre.

Khu ở của gia đình hoạ sĩ là ngôi nhà cổ năm gian hai chái, diện tích 120 m2, bằng gỗ lim, cũng được mua ở Nam Định. Với ngôi nhà này, hoạ sĩ cho phục chế nguyên hiện trạng bên trong, sơn son thiếp vàng cùng với những hoành phi câu đối. Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, anh xây ẩn phía sau một ngôi nhà cao năm tầng lợp ngói, mái cong đầu đao. "Từ ngoài nhìn vào, hai ngôi nhà rất ăn nhập với nhau. Nó vẫn giữ nguyên nét cổ kính bên ngoài nhưng bên trong lại có nội thất hiện đại", chủ nhà tự hào nói.

Ngoài ba phần chính, từ xa nhìn lại, bạn sẽ chú ý ngay đến một tháp nước trung tâm cao 25 m, giống hệt như ngôi tháp trong các chùa Việt. Ngoài chức năng cấp nước cho toàn bộ khu nhà, đây còn là ý tưởng đột phá về không gian kiến trúc của ông hoạ sĩ tài hoa. Ở mỗi tầng, anh đều kê những bộ tràng kỷ, sập gụ. Nhờ vậy, chủ nhà và khách đến chơi có thể ngồi uống trà và thư giãn ngắm nhìn toàn bộ khu vườn.

Phòng khách bầy bộ bàn ghế bằng tre, gỗ.
Nhà sàn của người Mường rộng gần 200 m2.

Nhà nghỉ chân bên ao cá là một chỗ thư giãn tuyệt đẹp. Ngôi nhà cũng được làm bằng gỗ, với tấm mái lợp cói khô cùng chất liệu với mái nhà sàn. Thực chất, đây là một phần của ngôi nhà sàn nguyên bản, nhưng do không thích hợp nên được chủ nhân cải tiến, dựng độc lập ngoài vườn.

Phía sân trước là một ao lớn, bên dưới thấp thoáng những chú cá vàng đang bơi lượn. Một chiếc cầu đá bắc qua được mua tại Thanh Hoá.

Nhà tám mái được xây bằng gạch thô.
Nơi nghỉ chân trong vườn là phần trước nhà sàn.

Bên phải khu vườn là ngôi nhà giếng được xây theo mẫu của một ngôi miếu cổ, với tám mái, đầu đao. Tường miếu được xây bằng gạch già, để mộc.

Hoành phi, câu đối được bài trí rất phù hợp. Hai con hạc gỗ sưu tầm được trong chuyến đi Tây Nguyên đứng hai bên cửa như chào khách. Bộ bàn ghế và chiếc phản tre tạo một cảm giác mát mẻ, dân dã.

Phía sau khu nhà còn có một cổng phụ, xây bằng đá ong theo nguyên mẫu cổng ở làng cổ Đường Lâm. Con đường dẫn từ cổng đi vào khu nhà được lát bằng gạch Bát Tràng.

Nhà nghỉ trong vườn là nơi thư giãn lý tưởng.
Cửa sổ ngôi nhà được làm theo kiểu tò vò.

Chủ nhân cũng rất quan tâm đến ánh sáng. Dọc các lối đi là hai hàng đèn đá đặt làm tại Ninh Bình.

Do diện tích ngôi nhà quá rộng nên riêng chi phí cho trồng cây cối cũng đã là một con số khổng lồ.

Ngôi nhà đã hoàn thiện, nhưng người hoạ sĩ có cái thú sưu tầm và nhặt nhạnh những gì người ta bỏ đi vẫn đang ấp ủ những ý tưởng kỳ lạ, mới mẻ.

(Theo Tiếp Thị Gia Đình)

Sưu tầm từ vnexpress