Sức sống mới của pha lê
Từ xưa pha lê Tiệp luôn là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Nay, vẻ đẹp đó ngày một lung linh và rạng rỡ hơn qua những mẫu ảnh độc đáo được in trên biểu tượng pha lê. Dây chuyền pha lê lại là trang sức ấn tượng của giới "xì-tin".
Các cửa hàng trên các phố Thái Hà, Đê La Thành, Nguyễn Du, Kim Mã (Hà Nội) bày bán nhiều đồ bộ bình ly, đĩa hoa quả, lọ hoa pha lê nhập khẩu từ Tiệp Khắc, Trung Quốc, Pháp, hoặc do các cơ sở trong nước sản xuất. Chị Trang Vân - nhân viên cửa hàng pha lê Osum (Kim Mã) - giới thiệu, bên cạnh những sản phẩm pha lê Trung Quốc, Nhật, Pháp có độ sáng vừa phải, giá tiền khoảng 300.000 đồng, thì pha lê Tiệp có độ sáng, độ trong hơn nhiều, giá tiền cao hơn gấp 2-3 lần. Khi để các sản phẩm cạnh nhau, khách mua hàng lần đầu cũng có thể phân biệt được pha lê Tiệp và các loại khác.
Bộ bình ly làm bằng pha lê trong suốt. Ảnh: osum.vn. |
Chị Mai Trang- nhân viên cửa hàng pha lê Việt Tiệp (Nguyễn Du) - cho hay: "Những sản phẩm được làm từ thủy tinh nhiều lớp, hay còn gọi là ga lê, trông rất độc đáo và lạ mắt. Pha lê Tiệp cũng nhiều loại, có pha lê pha chì và pha lê không pha chì".
Pha lê pha chì có kiểu dáng đơn giản, trọng lượng nặng hơn với giá thành khá rẻ, chỉ khoảng trên 300.000 đồng một sản phẩm. Pha lê không pha chì có độ sáng trong đặc biệt, lại được chạm khắc tinh xảo dưới bàn tay của nghệ nhân, giá trị cũng đắt hơn rất nhiều, thường là trên 1 triệu đồng một sản phẩm.
Chỉ bán toàn pha lê nhập khẩu từ Tiệp, trong cửa hàng Bohemia (Nguyễn Ngọc Thạch), chiếc lọ hoa màu sắc lung linh có hoa văn mài tinh tế giá đều trên 500.000 đồng, bộ bình ly giá 2-3 triệu.
Pha lê Tiệp có độ bền cao, đặc biệt là càng lau càng sáng, cách bảo quản cũng rất đơn giản. Chị Trang tư vấn, người sử dụng chỉ cần lấy khăn khô thấm một chút nước lau kính chà nhẹ lên bề mặt ly, tách, lọ hoa là pha lê sẽ sáng bóng.
Bên cạnh việc kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, những cửa hàng như Việt Tiệp còn nhận sản xuất pha lê theo đơn đặt hàng của khách với số lượng ít nhất là 50 chiếc và đặt cọc trước 30%. Sau một tháng, khách có thể đến nhận hàng.
Riêng shop pha lê Osum có thêm dịch vụ in ảnh lên pha lê, đang dần trở thành một hình thức quà tặng độc đáo.
Ảnh được in trên biểu tượng pha lê. Ảnh: ttvnol.com. |
Ảnh in trên pha lê được chia làm 2 loại: ảnh 2D và 3D. Thường, ảnh 2D được in lên mặt trước và sau của biểu tượng pha lê, là ảnh gốc mà khách mang tới cửa hàng. Ảnh 3D được chụp bằng máy chuyên dụng đa chiều và in trên nhiều góc cạnh của biểu tượng pha lê. Khách chụp ảnh 3D phải chụp riêng từng người rồi ghép hình lại.
Để in ảnh lên pha lê, đầu tiên thợ dùng máy in màu mực nước Epson in hình ảnh lên phim, sau đó dùng keo UV dán phim lên bề mặt pha lê. Keo UV khi sử dụng phải dùng đèn UV để làm khô, có giá bán trên thị trường là 400.000-500.000 đồng một lọ.
Pha lê không chỉ là chất liệu được trưng bày, mà nay còn trở thành đồ trang sức ấn tượng của phái đẹp.
Cửa hàng pha lê Crystal (Hàng Bông) thu hút nhiều khách trẻ tuổi ghé thăm. Trang sức pha lê chủ yếu được nhập khẩu từ Áo, hạt nhỏ và nhẹ, thường gắn với dây bằng bạc xi hoặc mỹ ký. Ngoài ra còn có dây gắn hạt ngọc trai lấp lánh. Giá dây chuyền, nhẫn cũng khá mềm, từ 70.000 đồng trở lên.
Chị Thanh Hương - nhân viên cửa hàng - cho hay: "Pha lê Áo có đặc điểm nhẹ và sáng, dây có thể ngâm vào nước mà không bị mờ. Lắc tay được kết bằng hạt pha lê, dùng lâu hay bị xỉn theo thời gian. Người dùng có thể lấy lại độ sáng của pha lê qua việc ngâm hạt vào nước loãng pha với bột giặt Omo". Cách làm này được nhiều khách hàng áp dụng.
Hồng Nhung