Công ty kinh doanh ý tưởng
Đề tài nghiên cứu thiết kế và xây dựng phần mềm kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng của Phạm Thái Bình (ĐH Y dược TP.HCM) - Ảnh: T.T.D. |
* Thưa anh, anh có thể cho NST biết mục đích, nguyên nhân ra đời của Quỹ nghiên cứu khoa học kỹ thuật sáng tạo (gọi tắt là Quỹ sáng tạo)?
- Cái chính là tạo cho anh em trong giới có thêm điều kiện mạnh dạn nghiên cứu khoa học. Hiện nay nhà khoa học muốn xin kinh phí phải làm nhiều thủ tục như đăng ký đề tài, lập đề cương, thuyết minh, chờ duyệt... có khi mất cả năm, hoặc cứ làm rồi mới đi chào bán đề tài thì chậm hoặc không bán được.
Có một số đề tài đón đầu được nhu cầu thị trường hay làm theo đơn đặt hàng nhưng vẫn rất hiếm. Chính phủ cũng có quỹ dành cho nghiên cứu khoa học khoảng 200 tỉ đồng nhưng áp dụng trong cả nước, dành cho nhiều ngành nghề khác nhau nên cũng phải đợi rất lâu. Quỹ sáng tạo mong giúp hạn chế những khiếm khuyết đó.
Cần nói thêm nòng cốt sẽ là một số kỹ sư trẻ trong Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật (thuộc trung tâm) vốn đã ứng dụng loại hình này rồi nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ. Nhóm đang muốn mở rộng, vận động thêm nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia góp vốn với hình thức cổ đông, giống như một công ty cổ phần vậy.
* Một công ty kinh doanh ý tưởng? Theo anh, khả năng ưu việt nhất của Quỹ sáng tạo là gì?
- Là cấp kinh phí nhanh. Chỉ cần người có ý tưởng, sáng kiến, công trình khoa học thuyết phục được hội đồng quản trị về khả năng ứng dụng, tính khả thi của đề tài là được cấp ngay kinh phí. Riêng một số đề tài về khoa học cơ bản có thể có lợi cho xã hội về mặt lâu dài, nếu chưa đủ khả năng trả lãi ngay tức thời thì quĩ vẫn chấp nhận đầu tư với điều kiện quĩ đã hoạt động tốt (tức là số vốn nhiều).
Có thể nói quỹ là đơn vị “cửa giữa”: nhận đặt hàng nghiên cứu từ các doanh nghiệp, giúp nhà khoa học đăng ký bảo hộ bản quyền, hỗ trợ phương tiện, tài liệu; đại diện doanh nghiệp giám sát chất lượng công trình, bảo vệ thông tin công trình... Đảm bảo hai bên gặp nhau cùng có lợi. Đặc biệt, quĩ sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong nghiên cứu, xóa bỏ lối mòn trong nghiên cứu khoa học theo kiểu “tôi đặt hàng anh làm một cái ly, anh làm ra cái ly nào tôi cũng phải chấp nhận cái ly đó”.
Khi có đơn đặt hàng nghiên cứu, quĩ kêu gọi nhiều chuyên gia cùng “đấu thầu”, phương án tối ưu nhất sẽ được chọn. Ngoài ra, quĩ còn tìm kiếm, móc nối ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước...
* Anh có thể cho biết thêm về quy mô cũng như phương thức “trả lãi” của quỹ?
- Khi thành lập, quỹ phải lận lưng ít nhất 1 tỉ đồng. Nhưng nếu “đụng” những đề tài mang tính quy mô lớn, quan trọng, rất cần thiết cho xã hội thì quỹ có thể vận động nhiều hơn, có thể lên đến hàng trăm tỉ.
Khi chuyển giao công nghệ (gọi nôm na là bán công nghệ) cho doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ phải hoàn trả 100% vốn đầu tư nghiên cứu cho quĩ. Chuyển giao lần hai, lần ba, nhà khoa học phải góp vào quỹ một khoản tiền nhất định 10-20% nhưng được coi như phần góp vốn của nhà khoa học. Đây là việc bắt buộc để quỹ phát triển.
* Những đối tượng trẻ như sinh viên, học sinh chẳng hạn có là đối tượng của quỹ không ?
- Tất nhiên là có rồi, Quỹ sáng tạo không chê một ai, miễn là có đề tài, ý tưởng hay, có ích cho xã hội. Ngay trong dự thảo quy chế, quỹ cũng đề cập nhiều đến đối tượng sinh viên như tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, tham quan thực tiễn đơn vị sản xuất, hỗ trợ nghiệp vụ, cố vấn kỹ thuật, tìm đầu ra... để kích thích sinh viên nghiên cứu, sáng tạo.
* Chừng nào “công ty” mới ra đời, thưa anh?
- Hiện Quỹ sáng tạo vẫn còn trong... hậu trường, thực hiện các thủ tục xin thành lập, dự kiến tháng 6-2004 sẽ ra mắt. Do đây là một hình thức khá mới ở nước ta (nhưng khá phổ biến ở nước ngoài) nên cũng cần thời gian để mọi người thích nghi.
* Xin cảm ơn anh.
THI NGÔN thực hiện