500 triệu đồng cho hai ý tưởng xanh
TT - Một trang thông tin điện tử tiết kiệm năng lượng. Một ý tưởng dùng gáo dừa khô làm nguyên liệu xây dựng. Hai dự án đoạt giải tại vòng chung kết “Ý tưởng xanh 2009” do Bộ GD-ĐT, Tổng cục Môi trường và Toyota Việt Nam tổ chức.
Phạm Ngọc Thắng tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng xanh 2009” - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Cả hai dự án đều thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường và sự sáng tạo của người trẻ. Công ty Toyota Việt Nam đã hỗ trợ 250 triệu đồng/dự án để các tác giả hoàn thiện áp dụng vào thực tế.
Đoàn tiết kiệm điện Thành đoàn TP.HCM vừa triển khai đến các quận huyện đoàn thực hiện tiết kiệm điện năm 2010. Theo đó, tổ chức đoàn sẽ phối hợp cùng công ty điện lực các khu vực, vận động người dân tham gia; tổng kết đánh giá tuyên dương các gia đình thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm, trong đó chú ý các hộ gia đình trẻ trong chương trình “Gia đình tiết kiệm điện” năm 2010 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Chương trình này nhằm so sánh việc tiêu thụ điện của các hộ gia đình trong hai tháng 5 và 6-2009 với hai tháng 5 và 6-2010 trên toàn TP. Tại mỗi phường, xã sẽ chọn khoảng 10 gia đình có chỉ số điện năng tiêu thụ tiết kiệm nhất để tặng quà (200.000 đồng/phần) với tổng giá trị quà tặng toàn chương trình khoảng 600 triệu đồng. Q.LINH |
Chàng trai 20 tuổi Phạm Ngọc Thắng (SV năm 1 ĐH FPT Hà Nội) đã lập trang điện tử toitietkiem.com để thông tin cho mọi người nhiều mẹo tiết kiệm năng lượng, không những giúp xã hội tiết kiệm một khoản tiền điện khá lớn mà còn mang lại lợi ích bảo vệ môi trường.
“Mình chọn đề tài tuyên truyền thông qua trang điện tử vì nó gần gũi với cuộc sống hiện đại, có thể ứng dụng ngay với số vốn ban đầu rất nhỏ mà lại an toàn tuyệt đối cho môi trường. Công nghệ truyền thông tác động trực tiếp vào giới trẻ, vì họ sử dụng nhiều và lãng phí năng lượng nhất hiện nay” - Thắng lý giải vì sao mình lại chọn đề tài ấy.
Dự án toitietkiem.com đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về những ý tưởng tiết kiệm, mẹo tiết kiệm năng lượng nhằm bảo vệ môi trường.
Đặc biệt trên trang thông tin, Thắng luôn cập nhật những tin tức, tư liệu mới nhất về môi trường. Tính ứng dụng cao vào thực tế, sự sáng tạo và an toàn với môi trường là những yếu tố quyết định giúp Thắng đoạt giải nhất.
Thắng cho biết: “Qua việc tiết kiệm, mọi người sẽ bớt thải ra không khí những chất độc hại. Ngoài ra dự án còn hướng đến các hoạt động xã hội như triển lãm, từ thiện, cung cấp những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản, hữu ích mà nhờ thế họ có thể tiết kiệm một khoản tiền”.
Với 250 triệu đồng, Thắng sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu về nội dung với sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà khoa học, các chuyên gia về năng lượng, môi trường. Từ đó sẽ hoàn thiện hơn trang thông tin ý nghĩa về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Bêtông từ gáo dừa
Nguyễn Tấn Khoa tại triển lãm chung kết cuộc thi “Ý tưởng xanh 2009” ở Hà Nội - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Đoạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng xanh 2009”, dự án “Bêtông nhẹ cốt liệu gáo dừa” cũng là nội dung khóa luận tốt nghiệp khoa xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM của Nguyễn Tấn Khoa.
Khi chuẩn bị làm đề tài khóa luận chuyên ngành vật liệu xây dựng, trong đầu Khoa luôn suy nghĩ tạo ra một loại bêtông mới, lạ, có tính thực tế cao. “Nhiều lần theo ba đến công ty chuyên chế biến cơm dừa nạo sấy, thấy mỗi lần công nhân lấy lõi dừa xong thì phần gáo dừa bỏ đi rất nhiều. Rồi mình nghĩ tiếp người dân quê ngoại Bến Tre cũng vứt bỏ nhiều gáo dừa mà không biết làm gì. Thế là ý tưởng tận dụng gáo dừa thay thế sạn đá làm nguyên liệu sản xuất bêtông trong xây dựng ra đời từ đó” - Khoa nhớ lại.
Đem ý tưởng cũng như nội dung khóa luận trao đổi với giảng viên hướng dẫn TS Lê Anh Tuấn, Khoa được thầy Tuấn ủng hộ nhiệt tình. Những ngày đầu tiên bước vào nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trường, Khoa phải đập vụn gáo dừa bằng tay, sàng lọc, lựa chọn kích cỡ phù hợp. Làm thủ công mất nhiều thời gian và hiệu quả không cao, Khoa mày mò nghiên cứu tạo ra chiếc máy đập búa. Bêtông nguyên liệu gáo dừa qua thử nghiệm có độ chịu nén 5-10 MPA (đơn vị đo lực nén - PV).
Giá thành ước tính 900.000 đồng/m3, được sản xuất theo dạng tấm phông 0,4-0,8m.
Với 250 triệu đồng do Công ty Toyota tài trợ, Khoa chia sẻ: “Tôi đang tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự án để áp dụng vào thực tế. Khi hoàn thiện tôi sẽ nhân rộng sản xuất và đồng bằng sông Cửu Long là thị trường tôi hướng đến vì ở đó có nhiều nguyên liệu gáo dừa, ít ảnh hưởng thiên tai”.
PHƯỚC TUẦN