Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Hai chàng trai “Ý tưởng xanh 2010”

Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 4 2011, 14:28
gửi bởi Zelda

TT - Đánh giá cao tính khả thi của hai ý tưởng đoạt giải nhì và ba tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng xanh 2010” vừa tổ chức tại TP.HCM, Công ty Toyota Việt Nam đã hỗ trợ 250 triệu đồng/ ý tưởng để các tác giả hoàn thiện dự án, áp dụng vào thực tế.

Nguyễn Thành Phương (phải) thuyết minh dự án thiết bị tiết kiệm thông minh - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Hệ thống quản lý tiết kiệm thông minh

Ý tưởng tạo bộ cảm ứng điều khiển công tắc tự động cho hệ thống đèn đường là của Nguyễn Thành Phương, sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM, bằng việc sử dụng cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh để tạo ra hệ thống thiết bị quản lý tiết kiệm điện tự động.

“Sử dụng năng lượng bền vững phải bắt đầu từ việc tiết kiệm. Ý tưởng này xuất phát từ việc mình quan sát sự lãng phí điện khi những bóng đèn đường bật sáng suốt đêm, thậm chí có những đường gần như không có người qua lại và máy điều hòa tại hộ gia đình hoạt động chưa hợp lý”, Phương cho biết.

Cuộc thi “Ý tưởng xanh 2010” do Công ty Toyota Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục - đào tạo, Tổng cục Môi trường và Văn phòng tiết kiệm năng lượng - Bộ Công thương tổ chức, thu hút 424 đề án của gần 1.000 bạn trẻ trong cả nước tham gia với chủ đề “Sử dụng tiết kiệm năng lượng bền vững” từ tháng 8-2010. Ban giám khảo chọn ra ba dự án xuất sắc nhất trong số 15 dự án vào vòng chung kết để hỗ trợ 250 triệu đồng/ dự án cho các tác giả hoàn thiện áp dụng vào thực tế.

Tháng 12-2010, sau bốn tháng quan sát và miệt mài nghiên cứu, hệ thống quản lý tiết kiệm thông minh của Thành Phương chính thức ra đời. Hệ thống có thể đo nhiệt độ trong phòng, từ đó sẽ đưa ra nhiệt độ thích hợp và tự điều chỉnh máy điều hòa.

Với cấu tạo gồm ba cảm biến tự động âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ, hệ thống còn có tác dụng tự động mở ngắt hệ thống đèn đường. Bộ cảm biến sẽ tự bật đèn đường khi trời tối và tự tắt khi trời sáng. Hệ thống cũng được cài đặt sẵn bốn chế độ: bật hết đèn, xen kẽ một bóng sáng một bóng tắt, xen kẽ hai bóng tắt một bóng sáng và tắt hết đèn theo những ngưỡng mức nhất định. Vào ban đêm, hệ thống cảm biến âm thanh sẽ được tự động kích hoạt để xác định có xe cộ lưu thông trên đường hay không, nếu có xe qua lại đèn đường sẽ được hệ thống bật sáng tùy cường độ âm thanh mà cảm biến tiếp nhận. Sau 10 phút không có người qua lại, cảm biến âm thanh sẽ giúp hệ thống nhận biết để tự động tắt đèn.

Với 250 triệu đồng được hỗ trợ, Phương cho biết: “Mình sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý tiết kiệm thông minh sử dụng được cho nhiều bóng đèn đường hơn (so với 16 bóng hiện tại theo đề án đang nghiên cứu) sau đó mới đưa vào sản xuất để sử dụng cho các hệ thống đèn đường ở một số đô thị lớn. Và mình sẽ đưa ứng dụng này đến các thành phố cả nước để tiết kiệm năng lượng điện”.

Làm than từ bã dong riềng

Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội nổi tiếng là làng nghề làm miến dong xưa nay. Hằng năm làng thải ra môi trường 400.000-500.000 tấn chất phế thải từ bã cây dong riềng, vừa phí phạm lại gây ô nhiễm môi trường.

Điều này khiến chàng trai làng 25 tuổi Nguyễn Phi Trường suy nghĩ: các nguồn năng lượng khí đốt khá đắt đỏ và đang cạn kiệt thì tại sao không tận dụng lượng chất thải hữu cơ - bã cây dong riềng - làm chất đốt?

Và chàng trai bắt tay vào việc, tìm cách ép bã dong riềng, phơi khô đem đốt thử. Nhưng ngay từ đầu cách làm này đã thất bại: các thanh củi ép chỉ cháy một phần.

Làm lại. Trường thử cán mịn bã dong riềng trộn với than bùn ở tỉ lệ 50-50 cùng ít mùn cưa để tạo than tổ ong bán hữu cơ. Và kết quả thử nghiệm loại than mới này rất khả quan: nhiệt lượng tỏa ra nhiều hơn, chi phí sản xuất thấp hơn và xỉ than lại có hàm lượng kali cao có thể bán cho nhà máy phân bón hoặc trực tiếp bón cho cây. Trường đặt tên loại than bán hữu cơ ấy là STC999.

Tình cờ một hôm xem truyền hình biết về cuộc thi “Ý tưởng xanh 2010”, Trường rủ thêm em trai và chị họ làm hồ sơ dự thi. Để bổ sung hồ sơ, Trường nhờ bố mang sản phẩm than STC999 lên Cục Đo lường chất lượng kiểm định về nhiệt lượng, hàm lượng kali trong xỉ than. Và dự án “Sản xuất, kinh doanh than bán hữu cơ sinh học từ chất thải làng nghề” của Trường đã đoạt giải ba cuộc thi cùng với số tiền 250 triệu đồng hỗ trợ phát triển dự án vào cuộc sống.

Nguyễn Phi Trường (trái) trình bày dự án sản xuất than bán hữu cơ sinh học từ chất thải làng nghề - Ảnh: P.TUẦN

Đề cập đến lợi ích mà dự án mang lại, Trường cho biết: “Dự án đưa vào hoạt động sẽ tiêu thụ 600-700 tấn bã thải dong riềng ở địa phương mỗi năm. Người dân có thể dùng than bán hữu cơ này với giá dao động 1.700 đồng/bánh, xỉ của than có thể bón trực tiếp cho cây trồng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho 22 lao động địa phương. Và quan trọng là nó làm giảm lượng ô nhiễm môi trường tại làng nghề quê mình”.

Trường cho biết sẽ dùng 250 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở, trang bị hệ thống máy móc, thuê nhân công, hệ thống xử lý chất thải và thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Ban giám khảo nhận xét dự án có thể xoay vòng vốn nhanh với nguyên liệu dồi dào, không những là ý tưởng bảo vệ môi trường hay mà còn là cách khởi nghiệp rất khả thi của một thanh niên nông thôn.

PHƯỚC TUẦN - HƯƠNG ĐIỆP

Sưu tầm từ tuoitre