Ý tưởng sáng tạo trẻ từ cuộc sống
TTO - Dùng vỏ bắp, lõi, cùi bắp, râu bắp làm đồ thủ công mỹ nghệ; xây dựng trang web trao đổi sách cũ để hạn chế lượng sách trở thành rác thải, xây dựng chương trình radio online về môi trường; kết hợp game giáo dục ý thức môi trường với hình thức mua hàng theo nhóm... là những ý tưởng môi trường của sinh viên được ban tổ chức đánh giá sáng tạo, trẻ trung trong chương trình "Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam" 2011.
Thí sinh Châu Chí Thành - sinh viên ĐH Mở TP.HCM - trình bày dự án "Tổ chức, đẩy mạnh công tác giáo dục môi trường đến học sinh các trường phổ thông khu vực TP.HCM thông qua các buổi học ngoại khóa chính thức trong hay ngoài trường học" - Ảnh: Trung Uyên |
Những ý tưởng từ cuộc sống
Các bạn trẻ đã có dịp trình bày các dự án và lắng nghe phản biện, góp ý từ ban tổ chức và khán giả vào chiều 16-5 tại TP.HCM.
Bạn Trần Nhã Chi - sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng - mang đến bình hoa xinh xắn làm từ các phế phẩm của trái bắp. Bạn cho biết: "Các phế phẩm từ bắp hoàn toàn có thể sử dụng làm các đồ nội thất như đèn ngủ, bàn,ghế...; các phụ kiện như kẹp tóc, cài áo,túi xách, dép...". Ý tưởng môi trường này xuất phát từ quan sát vỏ bắp, cùi bắp, lõi bắp... đang là nguồn phế thải lớn mà chưa thật sự được tận dụng tối đa.
Bình hoa làm từ các phế phẩm của trái bắp do bạn Trần Nhã Chi - sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng - thực hiện - Ảnh: Trung Uyên |
Thí sinh Bùi Hoàng Mỹ Linh - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - cũng kịp giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật làm từ giấy trong dự án "Tuyên truyền 3R trong việc sử dụng giấy" của mình. Với một chút khéo léo, cô bạn đã biến những loại giấy đã qua sử dụng trở thành hộp đựng bút, giỏ đựng đồ, dây đeo cổ, hộp đựng đĩa... Thông điệp 3R mà Mỹ Linh chia sẻ chính là giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle). Mỹ Linh cho biết: "Đối tượng dự án là học sinh. Tôi và cộng sự sẽ tổ chức các buổi học nâng cao ý thức tiết kiệm giấy, hướng dẫn học sinh thực hiện tái sử dụng và tái chế giấy, triển lãm sản phẩm tái chế từ giấy...".
Một ý tưởng cũng gây chú ý vì mang đậm tính "thời sự tiêu dùng" là kết hợp game giáo dục ý thức môi trường với hình thức mua hàng theo nhóm của Nguyễn Ngọc Huy Vũ - sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM. Huy Vũ giải thích: "Hình thức mua hàng theo nhóm đang được nhiều người lựa chọn. Nếu một trang web mua theo nhóm được thiết kế mà điều kiện để mua được phiếu mua hàng giảm giá là tham gia một trò chơi thú vị về môi trường thì sẽ cùng lúc mang lại hai lợi ích: bán hàng và giáo dục ý thức môi trường".
Đại sứ trẻ về hổ Lê Minh Quốc - sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - mang đến ý tưởng "không đụng hàng": bộ nhận diện doanh nghiệp xanh, bao gồm: túi - bao bì giấy, danh thiếp bằng giấy tái chế; bút bi bằng sản phẩm tái chế hoặc dễ phân hủy... Minh Quốc "ký gửi" nhiều hy vọng ở dự án này: "Bộ sản phẩm sẽ giành được các nhìn thân thiện của khách hàng, tạo ra nét đặc trưng của doanh nghiệp, đồng thời lan tỏa trong cộng đồng tinh thần sử dụng chất liệu tái chế hoặc dễ phân hủy".
Kể chuyện môi trường theo phong cách cổ tích
"Đại sứ môi trường Bayer" là chương trình hợp tác quốc tế giữa tập đoàn Bayer và Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc. Tại Việt Nam, chương trình được tổ chức thường niên kể từ năm 2006, với sự hợp tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Phát triển hợp tác quốc tế thanh niên (thuộc Trung ương Đoàn) và Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM. "Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam" 2011 thu hút 75 dự án môi trường của sinh viên cả nước. |
Không hẹn mà gặp, khá nhiều ý tưởng của các bạn thí sinh hướng đến các giải pháp giáo dục ý thức với đối tượng chính là học sinh các cấp.
"Sao không viết những câu chuyện về môi trường theo phong cách cổ tích hoặc hài hước? Như thế có thể sẽ rất thu hút các em học sinh" - đó là ý tưởng của bạn Đỗ Thị Thu Thủy - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Thu Thủy còn mong muốn kết hợp với các trường thực hiện những nội san hấp dẫn chuyên về môi trường và chính các học sinh là các "cây bút" chủ lực.
Nhan Kiết Lệ - sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM - tâm huyết với dự án "Lớp học xanh". Ngoài việc "tô vẽ" lớp học bằng những màu sắc gợi liên tưởng về thiên nhiên tươi đẹp, tác giả sẽ còn trang trí lớp học bằng các bức tranh về môi trường do học sinh vẽ, các tranh ảnh sưu tầm được về hình ảnh môi trường bị hủy hoại...
Lam Hân Huy - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - có ý tưởng thành lập câu lạc bộ “Mầm xanh” tại các trường tiểu học ở TP.HCM. Các thành viên câu lạc bộ sẽ tiến hành thu gom và phân loại giấy, làm các sản phẩm từ vật liệu tái chế...
Các sản phẩm mỹ thuật làm từ giấy trong dự án "Tuyên truyền 3R trong việc sử dụng giấy" của Bùi Hoàng Mỹ Linh - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Trung Uyên |
Ông Hồ Quốc Nguyên - Bayer VietNam, thành viên ban tổ chức - cho biết: "Điểm mạnh của các thí sinh là sự sáng tạo, trẻ trung, táo bạo trong các dự án môi trường. Sắp tới, ban tổ chức sẽ tổ chức khóa học về quản lý dự án dành cho các thí sinh xuất sắc. Đây sẽ là hành trang giúp các bạn thêm tự tin thực hiện vai trò đại sứ môi trường".
Dự kiến vào tháng 8-2011, ban tổ chức sẽ công bố danh sách sinh viện được phong danh hiệu "Đại sứ môi trường". Hai đại sứ xuất sắc nhất sẽ tham gia chuyến du khảo sinh thái tại Leverkusen (Đức) từ ngày 16-10 đến ngày 21-10-2011 cùng Đại sứ môi trường Bayer từ nhiều nước.
TRUNG UYÊN
>> Khởi động chương trình "Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam" 2011
>> Cô gái “lãnh đạo toàn cầu”
>> Những đại sứ môi trường thầm lặng
>> Cùng trẻ em mái ấm bảo vệ môi trường
>> Đại sứ môi trường trẻ