Bà Phạm Thị Hòa, Giám đốc TT chăm sóc Sức khỏe Hương Sen tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập
3 lần thuyết phục GS Nguyễn Tài Thu
Sau khi cơ sở vật lý trị liệu tại khách sạn Hà Nội ngừng hoạt động vì khách sạn liên doanh với đối tác nước ngoài, bà Phạm Thị Hòa đau đáu đi tìm và xác định mảnh đất mới chính là Viện Châm cứu TƯ.
Hồi ấy, lần đầu tiên gặp GS. Nguyễn Tài Thu, bà Phạm Thị Hòa đã nhiệt tình trình bày ý tưởng thành lập cơ sở vật lý trị liệu tại Viện Châm cứu TƯ. Tuy nhiên, nghe xong, “GS nhìn tôi từ đầu tới chân mà không nói một lời”, bà Hòa nhớ lại.
Lần thứ 2, sau khi nghe bà tỉ mỉ giải thích và thuyết phục, GS suy nghĩ một lúc rồi bảo rằng hiện tại Viện châm cứu TƯ chưa cần tiền.
Không từ bỏ ý định và hiểu rằng GS đã hiểu rõ ý tưởng của mình nhưng chưa tin vào nhân cách và ý định làm nghề nghiêm túc thực sự của mình, nên bà đã tiếp tục xin được gặp GS Tài Thu lần thứ 3 để trình bày rõ hơn nữa ý tưởng của mình. Lần này, GS có phần xuôi xuôi nhưng cũng chưa biểu lộ ý định rõ ràng.
Đến lần thứ 4, khi đọc lộ trình phát triển và hiểu được ý nghĩa vì sức khỏe cộng đồng của công việc này, GS Tài Thu đã gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, GS ra một điều kiện: Trong vòng 3 tháng, nếu cơ sở Vật lý trị liệu này hoạt động không đúng tính chất của Viện thì sẽ hủy hợp tác và toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ là của Viện.
“Nghe GS Tài Thu nói, tôi vừa mừng vừa lo đến rơi nước mắt”, bà Hòa nhớ lại.
Nhưng tất cả mới chỉ là bước khởi đầu.
“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Nhiều nhân viên đã gắn bó với nghề cả chục năm qua
3 năm đầu tiên là quãng thời gian vô cùng gian nan, bộn bề khó khăn chồng chất. Và cái khó nhất, như bà Giám đốc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn chia sẻ là sự kỳ thị của cả xã hội. Chuyện gặp những người khách không đàng hoàng, nhẹ nhàng thì buông lời cợt nhả, bậy bạ, nặng thì yêu cầu nhân viên thỏa mãn họ từ A đến Z và không được thỏa mãn thì họ mắng chửi, lăng mạ, thậm chí còn đánh đuổi nhân viên... không hiếm. Nhiều kỹ thuật viên từng sầm sập chạy ra khỏi phòng rồi ôm mặt khóc tức tưởi vì bị khách xúc phạm, đòi quấy rối tình dục.
Nhưng áp lực nhiều nhất chính là anh em cán bộ trong Viện Châm cứu TƯ. Người ta liên tiếp đặc ra câu hỏi rằng tại sao đất của Viện lại cho tư nhân thuê để làm một thứ dịch vụ không mấy đàng hoàng kia. Cán bộ trong Viện liên tiếp đặt câu hỏi rằng: Dư luận xã hội sẽ đánh giá Viện như thế nào. Phần đông cho rằng Hương Sen thực ra chỉ là dịch vụ kinh doanh nhan sắc trá hình, dùng những lời lẽ cao đạo, đúng đắn để ngụy biện cho những hoạt động dấm dúi, bất chính. Đến nỗi, có người đã từng định kiện Hương Sen lên Sở Y tế Hà Nội để đòi trả lại sự trong sạch cho mảnh đất này.
“Mỗi buổi sáng bước chân đến đây làm việc, dù đã cố gắng, chúng tôi vẫn phải cúi mặt đi qua những ánh mắt coi thường, những lời xì xào bàn tán thất thiệt. Tôi và đồng nghiệp đã không biết bao lần khóc thầm, ấm ức với những kỳ thị đó”, bà Hòa tâm sự.
Thế nhưng, bà Hòa cùng tập thể nhân viên vẫn kiên trì theo đuổi triết lý kinh doanh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” với niềm tin rằng rồi đến 1 ngày nào đó, xã hội sẽ hiểu và tôn trọng công việc của mình.
Và trong suốt 20 năm qua (1992-2012), bằng việc kiên trì với mục tiêu lành mạnh, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, lấy đạo đức để đối đãi với khách hàng, dùng đạo đức để cạnh tranh, dùng đạo đức để nghĩ về nghề nghiệp… Hương Sen đã tạo được sức mạnh đoàn kết, nhân viên không chán nản rời bỏ công việc, khách hàng tục tĩu dần bỏ đi… chỉ còn lại những người khách đến đây nhằm thư giãn cơ thể, phục hồi sức khỏe.
Giờ đây, với hơn 300 phòng và gần 750 người tại 5 cơ sở, Hương Sen thực sự là một địa chỉ mát-xa mang đầy tính chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ và kỹ thuật nghiệp vụ.
Bà Hòa tin rằng sẽ có 1 Hương Sen 30 tuổi, 40 tuổi, bề thế hơn, chuyên nghiệp hơn, trở thành 1 địa chỉ không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhân Hà (ghi)