Mặt khác, nền giáo dục hiện đại không cần buộc học sinh ghi nhớ quá nhiều, không cần phải "nhồi nhét" kiến thức, phương pháp tư duy mới là quan trọng hàng đầu, dạy học sinh theo lối học thuộc là sai lầm…Một vị lãnh đạo ngành giáo dục đề xuất ý tưởng sinh viên đi thi có quyền mở sách được dư luận rất hoan nghênh.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Chúng tôi không hoàn toàn phủ nhận những điều đó, song chỉ xin được nêu một vài câu hỏi: học sinh không cần ghi nhớ kiến thức, kiến thức trong đầu không đầy đủ, không hệ thống, vậy lấy gì để tư duy? Bởi vì kiến thức được xem như nền tảng, “viên gạch” để xây “ngôi nhà tư duy”. Nền móng càng vững thì ngôi nhà mới được vững chãi, vươn cao.
Chẳng lẽ đi đâu, làm gì cũng kè kè quyển từ điển hay máy vi tính nối mạng, mà bao nhiêu quyển từ điển cho đủ? Nếu ai “có vấn đề” về trí nhớ, người đó sẽ vô cùng vất vả trong công việc và cuộc sống.
Và ngược lại, những nhà khoa học, những học giả có nhiều đóng góp bao giờ cũng là những người có trí nhớ không tồi. Nói một cách chính xác hơn là trong não của họ đã chứa đựng một khối lượng kiến thức khổng lồ, về chuyên ngành cũng như liên ngành. Nhiều học giả được xem là những “cuốn từ điển sống” với một vốn kiến thức uyên bác, trí nhớ tuyệt vời đến mức phi thường.
Thực ra, ý kiến cho rằng “ghi nhớ máy móc” có phần chưa thỏa đáng. Ngay cả quan niệm trí nhớ là một yếu tố thiên bẩm cũng là ngộ nhận. Một số người còn tỏ ra cực đoan hơn khi chỉ ra rằng, có những người có trí nhớ rất tuyệt vời nhưng không có những đóng góp khoa học đáng kể.
Trừ những trường hợp ngoại lệ quá dị thường, các nhà khoa học đã chỉ ra những quy luật của trí nhớ bao gồm: Quy luật nhận biết; quy luật hứng thú; quy luật tích lũy, quy luật nhớ có ý thức; quy luật liên kết; quy luật tiếp nối liên tục; quy luật ấn tượng mạnh mẽ; quy luật kiểm tra (Theo website của Bộ GD-ĐT).
Mỗi người hãy nhìn lại mình và thử đặt câu hỏi: Chúng ta nhớ những điều gì, có khả năng nhớ được bao nhiêu; những điều gì khiến ta "khắc cốt ghi tâm"; một người mà cái gì cũng lơ mơ, không nhớ thì ta gọi là gì; học ngoại ngữ mà không nhớ từ, thuộc cấu trúc ngữ pháp thì học sao được và tại sao người ta thường nói những kẻ bạc bẽo, vô tình là "mau quên"…?
Một số người cho rằng, việc ghi nhớ quá nhiều khiến bộ óc mệt mỏi, “quá tải”, thực tế không phải như vậy. Bộ não của mỗi người hàng trăm tỷ nơ ron thần kinh, và trong thực tế cuộc sống mỗi người, dù là nhà bác học, cũng chỉ sử dụng một phần khả năng của bộ não. Khi nhà bác học Lui Paxtơ (1822-1895) qua đời, người ta rất ngạc nhiên khi biết bán cầu não trái của ông đã bị hỏng từ lâu. Có nghĩa là sự nghiệp khoa học vĩ đại của ông một phần được xây dựng từ một nửa (có thể ít hơn thế) bộ não.
Nhà khoa học Đỗ Kiên Cường viết: “Độ phức tạp trong khả năng kết nối nơ ron của bộ não là nỗi kinh hoàng có thể của cả những máy tính lượng tử siêu việt tương lai. Vì có thể nhận tin từ 10 ngàn và truyền tin cho 10 ngàn nơ ron, nên mỗi nơ ron có thể liên kết với khoảng 100 triệu nơ ron khác (để so sánh, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể quan hệ với không quá vài ngàn người trong toàn xã hội). Vì thế số mạng nơ ron, yếu tố quyết định khả năng tư duy, nhận thức hay cảm xúc của bộ não, đạt tới con số khủng khiếp. Theo những tính toán giản lược nhất, nó bằng con số N = 10110 nhân với nhau 1017 (100 triệu tỉ) lần!”. (Tạp chí Tia sáng).
Mới đây, ông Eran Katz (người Israel) được coi là người có trí nhớ tốt nhất thế giới, được ghi tên trong cuốn kỉ lục Guinness về khả năng ghi nhớ đến Việt Nam và đã “bật mí” về khả năng của mình. Ông Eran Katz cho biết ông không phải là thần đồng trí nhớ, khả năng phi thường của ông chỉ là do kết quả rèn luyện bền bỉ mà thành. Theo ông, muốn có trí nhớ tốt, hãy nhận thức lại cuộc sống, yêu lại cuộc sống để thấy nó hấp dẫn. Hãy luôn nhiệt tình và yêu lấy cuộc sống từng phút giây để có trí nhớ tốt. Ông Eran Katz cho rằng một trong những nguyên nhân khiến người ta có trí nhớ kém cỏi là quá lệ thuộc vào máy móc, công nghệ.
Thanh kiếm nếu không được chăm sóc, mài giũa thường xuyên sẽ cùn mòn, han gỉ, việc học tập, rèn luyện trí nhớ cũng vậy, phải là một quá trình nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi.
Vì vậy, thực chất quá trình học cũng là quá trình ghi nhớ, bao gồm các yêu cầu: sự hiểu biết, tư duy, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với cảm xúc, cá tính, khát vọng. “Ghi nhớ máy móc” rõ ràng cần tránh, bởi vì đi ngược lại quy luạt của trí nhớ, và sẽ cho kết quả không đáng kể, thậm chí có hại.
Thực tế hiện nay, do những quan niệm chưa đúng đắn về vai trò của trí nhớ và coi nhẹ rèn luyện kĩ năng ghi nhớ nên hậu quả là nhiều em học sinh kết quả học tập rất kém cỏi. Nhiều em hỏi gì cũng lơ mơ, láng máng, không hiểu biết sâu sắc về bất cứ điều gì, khả năng tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng cũng bị hạn chế. Đây là một nguy cơ rất lớn, nhưng dường như chưa được cảnh báo một cách đúng mức.
Có nhà giáo ví von rằng: trí nhớ, kiến thức như dây diều, còn trí tưởng tượng sáng tạo như cánh diều; dây phải dài, vững thì cánh diều mới bay bổng cao xa. Lẽ nào đó không phải là chân lý? Do đó, theo chúng tôi, bên cạnh các phương pháp giáo dục hiện đại, đừng coi thường trí nhớ và việc rèn luyện trí nhớ.
Trần Quang Đại
LTS Dân trí - Một học sinh muốn tiến bộ nhanh cần phải hiểu sâu và biết vận dụng sáng tạo những điều được học, và ghi nhớ những kiến thức cơ bản nhất để từ đấy suy ra và nhớ lại nhiều điều khác (khi cần thiết). Ba khâu trong việc học: Hiểu - Vận dụng - Nhớ có liên quan chặt chẽ và hỗ trợ đắc lực cho nhau. Chỉ trên cơ sở hiểu sâu, biết vận dụng sáng tạo (có nghĩa là biết suy luận) thì mới nhớ lâu.
Ở thời đại “bùng nổ thông tin” ngày nay, dù người có trí nhớ tốt cũng không thể nhớ mọi cái, cho nên trong quá trình học tập (diến ra trong suốt đời người), cần phải biết chọn lọc thông tin để ghi nhớ những điều cốt yếu nhất, thiết thân nhất đối với công việc của mỗi người, còn ngoài ra có thể tra cứu trên mạng Internet.
Như vậy là học sinh thời nay vẫn cần phải nhớ. Chỉ có điều là không nhớ tràn lan máy móc theo kiểu nhồi sọ mà thôi.